Thứ Ba, 23/06/2015 15:23

Đề cao tính minh bạch trong cổ phần hóa DNNN

Thực hiện Cổ phần hóa DNNN theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn ngừa thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, theo đuổi mục tiêu thời hạn hoàn thành đã định, nhưng không chấp nhận cổ phần hóa (CPH) bằng mọi giá, đánh đổi bằng mọi giá.

Ông Hà Sỹ Đồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ về nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN) từ nay tới cuối năm 2015.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có báo cáo về thực hiện CPH DNNN giai đoạn 2011- 2015, trong đó có 2 năm cuối 2014- 2015 tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII.

Bộ Tài chính cho rằng về cơ bản, thời gian qua, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, DNNN thực hiện đúng định hướng đề ra. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN vẫn còn một số hạn chế như tiến độ có thời điểm còn chậm (giai đoạn 2011-2012 chỉ CPH được 25 DN), một số khoản đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu…

Một trong những nguyên nhân của các hạn chế nói trên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, là do một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và DN chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu và thoái vốn Nhà nước đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị…

Chia sẻ về báo cáo của Bộ Tài chính, ông Hà Sỹ Đồng cho biết những con số được báo cáo quả đáng khích lệ. 172 trong tổng số 432 DNNN cần CPH đã hoàn thành và gần 7.000 tỉ đồng vốn đầu tư ngoài ngành đã được thoái tính từ đầu năm 2014 tới nay và đều cho giá trị cao hơn giá trị sổ sách…

Tuy nhiên, những kết quả như vậy chưa nói lên được chất lượng, mục tiêu cuối cùng và ý nghĩa kinh tế- xã hội sâu xa mà CPH cần đạt. Việc CPH các DNNN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp là một điển hình cho thấy điều đó.

Căn nguyên của những khó khăn, hạn chế nằm ở vấn đề xưa nay từng được cho là nhạy cảm và gai góc - “cơ quan chủ quản”, vấn đề đã không hề được đề cập trong Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và cũng không thấy xuất hiện nữa trong 2 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua cuối tuần trước.

Khoảng trống pháp lý về vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN trong hệ thống pháp luật hiện hành là một dấu hiệu cho thấy tiến trình tái cơ cấu DNNN nói riêng, cải cách thể chế kinh tế nói chung đầy cam go nhưng có thể tiến triển nhanh mạnh hơn trong thời gian tới khi mà “cái chốt” cơ quan chủ quản thực sự được tháo bỏ.

Lãnh đạo Chính phủ (Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh) đã nhấn mạnh rằng “cổ phần hoá không bằng mọi giá”, “thoái vốn phải có trật tự”, trong khi mục tiêu vẫn đặt ra kế hoạch CPH 289 DNNN còn lại trong năm nay. Ông hiểu việc này như thế nào?

Như tôi đã đề cập, CPH DNNN là một quá trình cải cách đầy cam go, không chỉ dưới góc độ kinh tế. Bằng chứng là chúng ta đã mất tới 2 thập kỷ để quán triệt và triển khai nhưng kết quả đạt được tới nay cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ như vậy. Lý do nằm ở sự xung đột quyền lợi hoặc do lo ngại năng lực lãnh đạo, quản lý hiện có không thể đáp ứng được yêu cầu mới sau CPH hay lo lắng trách nhiệm quá khứ. Vì thế tôi đồng tình với ý kiến Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu mới đây “không ai tự vác đá ghè chân mình” khi nói về những việc phải thay đổi để đi lên.

Để thực sự tạo sự biến chuyển mạnh cần có các giải pháp quyết liệt với quyết tâm chính trị cao. Vì vậy, trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành kế hoạch CPH 432 DNNN theo danh sách đã được phê duyệt.

Trên thực tế, có thể có lãnh đạo DN lợi dụng chủ trương định hướng này mưu cầu lợi ích cá nhân, tham nhũng, gây thất thoát, thiệt hại vốn và tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, thực sự cũng có nhiều khó khăn khách quan cản trở việc CPH.

Do vậy, phải quán triệt chủ trương thực hiện cổ phần hóa DNNN theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn ngừa thất thoát vốn và tài sản Nhà nước. Tuy vẫn theo đuổi mục tiêu thời hạn hoàn thành đã định nhưng chúng ta không chấp nhận thực hiện CPH bằng mọi giá, đánh đổi với mọi giá.

Theo ông, CPH DNNN như một số trường hợp vừa qua là mới dừng lại ở việc chuyển từ DNNN hoàn toàn vốn Nhà nước sang DN cổ phần với cổ đông có cả người lao động thì có đạt được ý nghĩa của CPH trong giai đoạn 2011-2015 không?

Cũng có thể ở một vài lĩnh vực cá biệt nào đó với những DN đặc thù nào đó, cách làm như vậy vẫn đạt được ý nghĩa mong muốn. Tuy nhiên, điều chúng ta mưu cầu là thiết lập và vận hành một nền kinh tế thị trường thực sự và đầy đủ nhằm khai thác những mặt ưu thế của nó. Xét theo ý nghĩa này, chúng ta cần CPH thực sự với sự hiện diện của những cổ đông thực sự. Đó là những nhà đầu tư tư nhân với năng lực tài chính thực của mình.

Nhiều người lo ngại kinh tế trong nước còn khó khăn, nhà đầu tư ít nhìn thấy những cơ hội từ CPH, đây là thách thức không nhỏ cho việc thực hiện nhiệm vụ này. Ý kiến của ông thế nào?

Tôi không phủ nhận hoàn toàn nhưng với các nhà đầu tư tiềm năng đang tìm kiếm cơ hội từ việc CPH DNNN thì tầm nhìn dài hạn, triển vọng kinh tế dài hạn mới là quan trọng, chứ không phải những khó khăn trong ngắn hạn. Vấn đề cụ thể hơn đối với họ là việc CPH một DNNN nào đó có thực chất không, minh bạch không, quyền và lợi ích của các cổ đông, đặc biệt là những cổ đông nhỏ/thiểu số có được bảo đảm không.

Nói tóm lại, hai chữ “lòng tin” liệu có được gây dựng và duy trì trong họ hay không mới mang tính quyết định.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc CPH với những doanh nghiệp hấp dẫn (như Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn, Hà Nội, các tập đoàn viễn thông) thì nên để đại chúng trong nước mua cổ phần thay vì bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (dù có giá bán cao hơn). Làm thế để trong nước hưởng lợi, trong khi quản trị, công nghệ sản xuất thì trong nước có thể đáp ứng được. Ông có chia sẻ gì với ý kiến này?

Thực ra vẫn còn một số người tiếc nuối, níu kéo tư duy, quan điểm cũ. Nghe thì có vẻ nhân văn, vì lợi ích quốc gia nhưng tôi không đồng tình với cách làm nửa vời như vậy. Nếu DN thực sự hấp dẫn thì giá trị DN sẽ được thị trường định cao một cách tương xứng và ở đây, Nhà nước sẽ thu được tối đa tiền bán cổ phần. Tiền này chính là tiền của dân và cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân.

Điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc CPH các DNNN hãy để thị trường định đoạt. Thị trường sẽ giúp chúng ta huy động và phân bổ một cách tối ưu những nguồn lực tài chính hiếm hoi trong nền kinh tế.

Quốc Thanh

chính phủ

Các tin tức khác

>   IPO Dịch vụ Tràng Thi: 2 cá nhân "hốt" hết 3.1 triệu cp giá tới 82,000 đồng/cp (22/06/2015)

>   VNPT đấu giá 1.32 triệu cp Tin học - Viễn thông Hàng không giá khởi điểm 16,900 đồng/cp (23/06/2015)

>   Phim Giải Phóng IPO hơn 12 triệu cp, giá khởi điểm 10,000 đồng/cp (22/06/2015)

>   Tổng công ty điện lực TPHCM thoái 350,00 cp CTCP Điện cơ (18/06/2015)

>   Thoái vốn theo lô tại một số doanh nghiệp (17/06/2015)

>   Những thương hiệu vang bóng của Hà Nội lên sàn chứng khoán (17/06/2015)

>   Phê duyệt Phương án cổ phần hóa Cty mẹ - TCty Chè Việt Nam (16/06/2015)

>   Cổ phần hóa DNNN khó vì thị trường chứng khoán? (16/06/2015)

>   Đảm bảo yếu tố thị trường để thực hiện thoái vốn hiệu quả (15/06/2015)

>   Tổng công ty Lilama đăng ký thoái hơn 4.3 triệu cp tại Xây dựng và phát triển đô thị Lilama (15/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật