Thứ Tư, 06/05/2015 14:28

Toàn cảnh “cuộc chiến” chống chuyển giá: Kỳ I. Nhận diện chuyển giá tại VN

LTS: DĐDN đã có bài viết “Chuyển giá - hai mặt của đồng xu”, để tiếp nối vấn đề này, trong bài viết dành riêng cho DĐDN, ThS Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp - Vụ trưởng Vụ Quản lý  thuế DN lớn - Tổng Cục thuế đã phân tích toàn cảnh về chuyển giá tại Việt Nam.

Việc chuyển giá là vấn đề phức tạp đối với cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam

Phải khẳng định rằng, phòng và chống chuyển giá là vấn đề được đặt ra ở nước ta từ hàng chục năm nay, khi Việt Nam thực hiện chủ trương mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế quản lý đã cho thấy chúng ta không dễ dàng khi xử lý các trường hợp có dấu hiệu rõ ràng về chuyển giá. Bởi vì, từ các dấu hiệu nhận biết, chúng ta phải tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để tìm ra được các số liệu, chứng từ… sử dụng các quyền năng của cơ quan quản lý nhà nước mà tiến hành việc kiểm chứng, điều tra, xác minh tại những đối tác liên quan của doanh nghiệp (DN). 

Chuyển giá và gian lận giá

Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường được tiếp cận với các thuật ngữ khá  quen thuộc như là “chuyển giá”, “gian lận giá”, “gửi giá”. Kết quả cuối cùng của các hành vi này đều dẫn đến việc xác định kết quả kinh doanh, nghĩa vụ thuế đối với nhà nước của các chủ thể kinh doanh cũng như việc quyết toán kinh phí, nguồn lực của các đơn vị sử dụng ngân sách không đúng với thực tế khách quan và quy định của luật pháp. Tuy nhiên, “gian lận giá” thường có phạm vi rộng hơn hành vi “chuyển giá” bởi vì hành vi “chuyển giá” chỉ có thể được thực hiện bởi cả 2 bên mua và bán hoặc cùng với cả bên thứ 3. Trong khi đó “gian lận giá” có thể đồng thời được thực hiện bởi cả 2 hoặc nhiều bên trong giao dịch mua/bán hàng hoá, dịch vụ (cùng thông đồng giữa các bên) nhưng cũng không ít trường hợp “gian lận giá” được thực hiện ngay tại ở một bên bằng những thủ đoạn nghiệp vụ. Thí dụ khai giá nhập khẩu thấp hơn giá thực tế nhập khẩu để trốn thuế nhập khẩu; thực bán hàng giá cao nhưng lập hoá đơn, hạch toán theo mức giá thấp hơn để trốn thuế GTGT, trốn thế thu nhập DN (TNDN). Hành vi “gửi giá” cũng nguy hiểm không kém 2 hành vi trên vì nó có thể xảy ra ở nhiều cấp tại bất cứ nơi nào có phát sinh quan hệ giao dịch, kể cả trong phạm vi từng DN, trong cơ quan của nhà nước hay tổ chức xã hội.

Theo cách phổ thông nhất thì chuyển giá được hiểu là một hành vi được sắp đặt thực hiện bởi các chủ thể kinh doanh có mối quan hệ liên kết nhằm làm thay đổi mức giá trong quan hệ giao dịch mua/bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, vốn, tài sản (hoặc bất kỳ đối tượng nào của giao dịch) có sự khác biệt so với giá thị trường. Mục tiêu của chuyển giá là nhằm tối đa hoá lợi nhuận của cả một tập đoàn, Cty đa quốc gia hay nhóm Cty có mối quan hệ liên kết trên cơ sở giảm thiểu nghĩa vụ về thuế. Tuy nhiên, suy cho cùng thì các nước lớn, các nước XK vốn đầu tư luôn được hưởng lợi nhiều hơn, mặc dù họ luôn sẵn sàng trợ giúp cho các nước đang phát triển tiến hành các hoạt động chống chuyển giá!

Các dạng chuyển giá 

Từ các hồ sơ vụ việc thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế trong thời gian qua có thể nhận biết được các dấu hiệu về chuyển giá đang diễn ra ở nước ta thuộc các dạng dưới đây:

Một là, DN FDI nhận “đẩy giá” thông qua các yếu tố đầu vào qua giao dịch với Cty mẹ nước ngoài hoặc các Cty liên kết của Cty mẹ để đẩy giá thiết bị, máy móc, vật tư đặc chủng; các tài sản sở hữu trí tuệ dưới dạng tiền phí bản quyền, giấy phép sản xuất nhượng quyền, phí quản lý, phần mềm quản lý, nhãn hiệu thương mại,... Với trường hợp không trực tiếp giao dịch với Cty mẹ nhưng mua từ bên liên kết của Cty mẹ thì ngay cả bên Việt Nam trong liên doanh cũng không thể biết được và các cơ quan quản lý nhà nước “chịu bó tay” cũng là điều dễ hiểu.

Hai là, DN FDI hạ thấp mức giá đầu ra thông qua các hợp đồng xuất khẩu cho Cty mẹ hoặc các đối tác liên kết của Cty mẹ ở nước ngoài. Tương tự như trường hợp trên, kể cả bên Việt Nam trong liên doanh và các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta không có được thông tin về đối tác ký hợp đồng với DN có quan hệ liên kết hay không để có thể đặt kế hoạch hoặc đề xuất áp dụng các chế tài xác định giá thị trường theo quy định của pháp luật.

Phòng và chống chuyển giá là vấn đề được đặt ra ở nước ta từ hàng chục năm nay.

Ba là, thông qua các hợp đồng tài trợ vốn của dự án, thậm chí tinh vi hơn khi các khoản vốn vay của chủ đầu tư trong cơ cấu tài chính của dự án FDI đã được xây dựng ngay trong phương án đệ trình để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận ghi vào giấy phép đầu tư, không ít DN đã thực hiện việc “chuyển giá” qua lãi suất một cách hợp pháp. Khách sạn sang trọng nằm cạnh nhà hát lớn Hà Nội hoặc toạ lạc gần trụ sở kho bạc Trung ương trên phố Cát Linh, là những địa chỉ có thể khảo sát để minh chứng cho việc này. Không thể đổ lỗi cho quá khứ nhưng đây cũng là bài học đáng ghi nhớ, cần hết sức tỉnh táo để chúng ta không phải lặp lại trong thẩm định dự án trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Bốn là, thông qua các hợp đồng độc quyền về nhập khẩu, phân phối hàng hoá hoặc qua các hợp đồng độc quyền bao tiêu sản phẩm ký với các DN nước ngoài, các DN (cả FDI và DN trong nước) đã tiếp tay và trợ giúp thật đắc lực cho các tập đoàn nước ngoài thực hiện được chiến lược kinh doanh tổng thể, tối đa hoá lợi nhuận do lấy được các nguồn lực của chúng ta.

Năm là, cơ chế “giá nội bộ” trong các giao dịch giữa các DN trong cùng một tập đoàn hoặc nhóm các Cty trong nước. 

Sáu là, việc điều chỉnh cơ cấu trị giá hàng hoá nhập khẩu và dịch vụ đi kèm để giảm thiểu tổng số thuế phải nộp cả khâu nhập khẩu và kinh doanh nội địa. Quy định hiện hành về thuế nhập khẩu được áp dụng đối với hàng hoá (tồn tại dưới dạng vật chất, hữu hình), các dịch vụ đi kèm với hàng hoá nhập khẩu được loại trừ ra khỏi giá tính thuế nhập khẩu nhưng phải tính nộp thuế nhà thầu; trong trường hợp không tách riêng thì các loại thuế đều được tính trên tổng giá trị.

Bảy là, giá xe du lịch chở người (xe hơi) của chúng ta cao quá. Mặc dù thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng thấp hơn rất nhiều mức thuế đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu nhưng giá xe trong nước vẫn rất cao và không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng giá phụ tùng, linh kiện nhập khẩu từ chính hãng có phải là giá thị trường như các giao dịch độc lập?

Kỳ II: Sự “nhập cuộc” của cơ quan kiểm toán

Nguyễn Văn Phụng

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Những mặt hàng nào được giảm thuế? (06/05/2015)

>   Người Việt gánh thuế phí cao nhất ASEAN: Đi ngược mong muốn! (06/05/2015)

>   Sửa đổi thuế suất nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng xăng, dầu (05/05/2015)

>   Trước giờ tăng giá xăng, giảm thuế mạnh vẫn lỗ 2.000 đồng (04/05/2015)

>   Kiểm tra 13.600 doanh nghiệp, truy thu 2.500 tỉ đồng tiền thuế (28/04/2015)

>   Bất ngờ từ thu ngân sách (27/04/2015)

>   Sau Metro, Honda Việt Nam tiếp tục bị truy thu thuế 182 tỷ đồng (26/04/2015)

>   Ngân sách mất ngàn tỷ vẫn không muốn công khai (24/04/2015)

>   Tăng thuế, phí để bù đắp cho hội nhập? (20/04/2015)

>   Tăng phí có giảm áp lực nợ công? (14/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật