Ký hiệp định thương mại tư do Việt Nam - Hàn Quốc:
Những mặt hàng nào được giảm thuế?
VN và Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (VKFTA). VN sẽ được gì từ hiệp định này, những mặt hàng nào của VN sẽ được giảm thuế.
Ông Lê An Hải - Ảnh: Nguyễn Khánh
|
Ngày 5-5, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, VN và Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (VKFTA). Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê An Hải - vụ phó Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương - nói:
- Dù còn phải chờ hiệp định được phê duyệt nhưng có thể khẳng định VKFTA là một hiệp định mà hai bên đã đàm phán trên tinh thần “cùng thắng”, đảm bảo cân bằng lợi ích, giúp hai bên đạt những mục đích sâu xa hơn, không chỉ là kinh tế, đầu tư...
* VN sẽ được gì từ hiệp định này, những mặt hàng nào của VN sẽ được giảm thuế, thưa ông?
- Hàn Quốc đã cam kết tự do hóa cho 97,2% tổng giá trị hàng nhập từ VN. Theo đó, phía Hàn Quốc sẽ cắt giảm thuế đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của VN như tôm, cua, cá và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...
Điều đáng nói là số dòng thuế Hàn Quốc cắt giảm cho VN lên tới 95,4% số dòng thuế, nhiều hơn số dòng thuế họ cắt giảm cho các đối thủ cạnh tranh của VN (như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...) khoảng 5%, giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh, khả năng thâm nhập của hàng Việt vào thị trường Hàn Quốc.
VN cũng là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... Đặc biệt là cam kết miễn thuế mặt hàng tôm của VN với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên đến mức 15.000 tấn/năm.
Không chỉ giảm thuế, cam kết còn giảm thiểu các hàng rào phi thuế, các yêu cầu về kỹ thuật... mà nhiều doanh nghiệp còn ngại hơn cả thuế. Ngược lại, VN cũng cam kết cắt giảm thuế cho 92,7% giá trị nhập khẩu, 89,2% số dòng thuế đối với hàng nhập từ Hàn Quốc.
* Còn các mặt hàng khác như gạo, cá tra, cà phê, hàng dệt may và da giày... sẽ thế nào?
- Theo đánh giá của nghiên cứu của các chuyên gia đàm phán, các mặt hàng dệt may, da giày là đối tượng sẽ được hưởng lợi nhiều từ VKFTA. Về cơ bản, Hàn Quốc sẽ dành cho VN ưu đãi tối đa đối với các mặt hàng này.
Gạo vốn là mặt hàng mà Hàn Quốc có những bảo hộ khá cao, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật, nhưng chúng ta đã đạt được thỏa thuận hai bên cam kết sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong việc hướng tới sự công nhận lẫn nhau về kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này sẽ tạo thuận lợi lớn cho xuất khẩu.
Tương tự, cà phê VN, từng chiếm được 40% thị phần cà phê hạt vào Hàn Quốc, cũng có cơ hội hồi phục và phát triển sau khi hiệp định này được triển khai.
* Nhưng có ý kiến cho rằng VN chỉ tận dụng được ưu đãi cho con tôm, con cá... với giá trị không cao. Trong khi Hàn Quốc sẽ được lợi nhiều hơn?
- Tôi không đồng tình quan điểm trên. Vấn đề là thế mạnh của ta là cái gì thì phải tập trung để phát triển. Ví dụ nói con tôm, con cá, nông sản không quan trọng, nhưng nó lại liên quan đến khoảng 40-50 triệu nông dân VN hoặc nhiều vùng kinh tế quan trọng.
Rồi các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, trà, cà phê, hạt tiêu... nếu ta thúc đẩy được sản xuất thì tạo ra cuộc sống tốt hơn cho hàng chục triệu nông dân. Đó là chưa kể việc giảm thuế các mặt hàng như linh kiện điện tử, một số ngành mà VN chưa có thế mạnh, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào VN rồi xuất khẩu trở lại Hàn Quốc hoặc nước thứ ba, từ đó tạo thêm công ăn việc làm.
Đây là một mục tiêu quan trọng mà chúng ta phải tính tới. Hơn nữa, trong hiệp định thương mại tự do không thể chỉ nhận ưu đãi mà phải chia sẻ lợi ích.
* Câu chuyện còn lại là làm sao tận dụng được những cơ hội?
- Đúng thế. Nhà nước chỉ có thể giúp tạo lập cơ hội, thúc đẩy mở rộng thị trường với những thuận lợi tối đa có thể. Còn có tận dụng được cơ hội hay không sẽ phụ thuộc vào chính doanh nghiệp. Về phía Bộ Công thương, ngay sau khi hiệp định được ký kết, chúng tôi đã lên đề cương, chương trình và tài liệu để giới thiệu cho các doanh nghiệp về cơ hội, thách thức, các cách thức tiếp cận thị trường Hàn Quốc.
Việc hội nhập là xu hướng tất yếu, các hiệp định thương mại tự do ngày càng trở nên phổ biến. Nên sẽ không phù hợp để đặt lại câu hỏi có nên đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do thế không, mà quan trọng hơn là các bên, từ Nhà nước đến doanh nghiệp, người dân đều phải nỗ lực để tận dụng thành công cơ hội từ hội nhập để đất nước phát triển.
Hàng VN được trưng bày tại siêu thị Hàn Quốc - Ảnh: N.T.
|
Có thể nói kinh tế VN và Hàn Quốc không cạnh tranh trực tiếp mà tương hỗ cho nhau. Phần nhiều mặt hàng mà VN cần nhập khẩu cũng là thế mạnh của Hàn Quốc như nguyên phụ liệu dệt may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000cc trở lên, phụ tùng ôtô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... VN cam kết giảm thuế cho những mặt hàng này của Hàn Quốc cũng nhằm giúp đa dạng hóa nguồn nguyên vật liệu, giảm giá một số mặt hàng từ Hàn Quốc vào VN.
Doanh nghiệp xuất khẩu hào hứng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp đón thông tin VKFTA với tinh thần khá phấn khởi. Ông Lê Hồng Thắng, tổng giám đốc Gỗ Đức Thành, cho biết các nhà nhập khẩu Hàn Quốc đã tiếp xúc với ngành gỗ và chế biến gỗ VN từ nhiều năm nay.
Đầu năm 2015, Đức Thành đã đón một đoàn thu mua của tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc là Lottemart sang tìm hiểu và đặt hàng xuất khẩu sang thị trường này với số lượng lớn. “Với VKFTA, nhà bán lẻ Hàn Quốc sẽ sang đây nhiều hơn, cơ hội xuất khẩu hàng Việt cũng tốt hơn” - ông Thắng nói.
Ông Huỳnh Quang Đấu, tổng giám đốc Công ty CP Antesco (An Giang), cũng cho rằng VKFTA được ký kết là một tin vui với các doanh nghiệp ngành rau quả của VN nói chung và Antesco nói riêng. Mức thuế giảm xuống đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh của hàng VN xuất khẩu vào Hàn Quốc sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Theo ông Đấu, VN có nhiều mặt hàng nông sản mà Hàn Quốc cần nên thị trường này có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng nông sản rất khắt khe. Antesco đã xuất khẩu các loại rau quả chế biến sang Hàn Quốc và đang chịu mức thuế 5%.
“Khi thuế giảm xuống, chúng tôi hi vọng sẽ nâng tỉ lệ xuất khẩu sang Hàn Quốc trong thời gian tới” - ông Đấu cho biết.
|
Cẩm Văn Kình thực hiện
Tuổi trẻ
|