Tăng phí có giảm áp lực nợ công?
Chi ngân sách năm 2015 không có gì cải tiến. Hiện tại, 80% các tỉnh có mức thu ngân sách không đủ chi và đầu tư, chỉ còn 20% là cân đối được.
Đó là câu hỏi đặt ra của nhiều chuyên gia kinh tế, tại hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN và chiến lược cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam” diễn ra ngày 11/4 tại Hà Nội.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thì “Vấn đề chi ngân sách năm 2015 vẫn không có gì cải tiến. Vẫn là 70% chi thường xuyên và hơn 30% chi trả nợ - đầu tư, trong khi tổng nợ phải trả năm nay của Việt Nam chiếm khoảng 31,2% thu ngân sách (năm 2014 là 26%). Như vậy, trả nợ đã ăn hết đầu tư”.
Ngày 7/4, Bộ Tài chính đã lên tiếng lo ngại về việc Việt Nam thiếu khoảng 32.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD) để bù đắp bội chi ngân sách và trả nợ năm nay. Và “Với thu chi ngân sách như năm nay thì sẽ không có đồng nào ngân sách chi cho đầu tư hết. Toàn bộ chi cho đầu tư chúng ta phải đi vay. Việc thiếu hụt, thất thu ngân sách đã dồn áp lực lên vai Bộ Tài chính, và chúng ta có thể giải thích tại sao năm nay, các cơ quan nhà nước tăng thu nhiều đến vậy”, vẫn lời TS Lê Đăng Doanh.
Thực tế năm nay, phí môi trường xăng dầu đã được Bộ Tài chính tăng lên 300% (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít), khiến xăng dầu mất cơ hội giảm giá, dù giá dầu thế giới giảm mạnh.
Mấy ngày trước, một đoạn đường Pháp Vân - Ninh Bình, chỉ 20 km, cũng đã được Bộ Tài chính ban hành mức thu phí mới, xe container 400 feet cao nhất lên đến 5 triệu đồng/tháng. Hay tại cầu Đồng Nai, từ ngày 8/4 đã thu phí từ 15.000 đến 120.000 đồng/vé/phương tiện giao thông.
Đó chỉ là vài ba trong số rất nhiều khoản phí do nhà nước ban hành để bù đắp cho việc thiếu hụt ngân sách trong năm 2015 này.
Bội chi ngân sách dẫn đến thiếu hụt, áp lực trả nợ công dâng cao.
Nhưng thay vì triển khai quyết liệt việc tinh giản bộ máy công chức, viên chức cồng kềnh, một việc mà chúng ta đã hô hào không chỉ một lần, từ cả chục năm nay, để giảm chi thường xuyên, từ đó có thể dồn ngân sách sang đầu tư phát triển. Và triển khai quyết liệt việc cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển để tăng thu, thì nhà nước lại tăng thu phí.
Đó có thể nói là một việc làm đi ngược lại xu thế chung của thế giới.
Tăng phí và phạt là thứ tư duy không phù hợp với tái cơ cấu. Bởi tư duy tái cơ cấu là không chỉ nhìn thấy có nhà nước, mà phải nhìn rộng ra tới người dân.
Phí và phạt tăng vô hạn trong khi sức chịu đựng của dân có hạn. Hiện tại, 80% các tỉnh có mức thu ngân sách không đủ chi và đầu tư, chỉ còn 20% là cân đối được thu chi.
Trong điều kiện đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan e ngại các địa phương không cân đối được thu chi kia sẽ thực hiện tăng thu phí ở địa phương sai chính sách. Và gánh nặng đó đương nhiên, là dồn lên vai người dân.
“Phải tư duy là làm thế nào sử dụng tốt nhất nguồn lực hiện có để tạo ra được số bánh nhiều nhất. Ví dụ khi cần làm con đường này nhưng số tiền chỉ mới có một nửa, thì hãy tìm xem con đường nào cần nhất, hiệu quả nhất để đầu tư, chứ đừng có dàn ra, đâu đâu cũng làm. Rồi lại là những con đường dài nhất, đẹp nhất mà chẳng để làm gì”. Đó là nhận xét của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Vũ Hữu Sự
báo nông nghiệp
|