Thông tư 36 không làm thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm?
“Mặc dù Thông tư 36 chính thức có hiệu lực nhưng nguồn cung cho hoạt động đầu tư kinh doanh vẫn khả quan hơn”, ông Nguyễn Đức Hiển – Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tại hội thảo Vai trò thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế” sáng 15/05.
Biến động VN-Index trong vòng 1 năm nay (Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/)
|
Từ trước ngày 01/02/2015 (ngày chính thức Thông tư 36 có hiệu lực) và cho đến bây giờ vẫn có rất nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 36 khiến thanh khoản trên TTCK sụt giảm. Tuy nhiên ông Hiển cho rằng đó không phải là nguyên nhân chủ yếu và lớn nhất lên thanh khoản thị trường.
Theo ông, NHNN đã rà soát lại toàn bộ dữ liệu liên quan đến dư nợ cho vay trong hoạt động chứng khoán của các tổ chức tín dụng trước ngày Thông tư 36 có hiệu lực và lần gần nhất là vào tháng 3/2015. Cụ thể, tại thời điểm 31/03/2015, tổng dư nợ cho vay để giao dịch ký quỹ chứng khoán so với thời điểm 10/01/2015 chỉ giảm 180 tỷ đồng; ngược lại so với thời điểm 31/10/2014 lại tăng 290 tỷ đồng.
Riêng hoạt động dư nợ cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu, tại thời điểm 31/03/2015, tổng giá trị là 21,000 tỷ đồng, so với thời điểm cuối tháng 1/2015 thì tăng 5,200 tỷ đồng và so với thời điểm 31/10/2014 tăng 7,270 tỷ đồng.
“Hai con số này chứng tỏ rằng mặc dù Thông tư 36 chính thức có hiệu lực nhưng nguồn cung cho hoạt động đầu tư kinh doanh vẫn khả quan hơn”, ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Hiển, TTCK đã trải qua 15 năm hoạt động và có rất nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Song, có những thời điểm biến động rất thất thường. Kể từ năm 2011 đến nay, số doanh nghiệp hủy niêm yết hàng năm bao giờ cũng lớn hơn số niêm yết mới. Qua đó, nếu không có một chính sách cung tín dụng bền vững mà khuyến khích các dòng vốn vay ngắn hạn thì tình hình sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Bởi nó sẽ tác động rất tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Vì vậy, Thông tư 36 ra đời sẽ giúp thị trường bền vững hơn, giúp dòng vốn đi vào thị trường là dòng vốn thực, đảm bảo sự phát triển tốt hơn.
Ông cũng đưa ra một lý do có thể khiến thanh khoản giảm trong thời gian qua là do bối cảnh nền kinh tế thế giới trong điều kiện đồng USD hồi phục và Ngân hàng trung ương châu Âu giữ lãi suất thực âm khiến dòng vốn nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam có xu hướng rút ra. Trong khi đó, phần lớn nhà đầu tư nội trong nước thì giao dịch “bầy đàn” theo khối ngoại.
Sanh Tín
|