Bệ phóng HoSE
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã 15 năm tuổi, tập hợp hầu hết các doanh nghiệp lớn niêm yết và trở thành con tàu dẫn vốn mạnh mẽ cho nền kinh tế
* Đề xuất trụ sở chính “Phố Wall” ở Hà Nội: “Tôi rất ngạc nhiên!”
* Giọt nước mắt của chứng khoán
Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP HCM được trung ương ủng hộ xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK) đầu tiên của Việt Nam, chính thức ra đời từ tháng 7-2000.
Phát triển như vũ bão
Là một trong những người tham gia nghiên cứu xây dựng trung tâm giao dịch chứng khoán từ những ngày đầu, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - cho rằng TP HCM là trung tâm tài chính của cả nước, sớm hình thành TTCK và phát triển vượt bậc cho đến nay. Chính vì vậy, có thể nói HoSE được ví như là “hạt nhân” đóng góp rất lớn vào nguồn lực của TP HCM.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM
|
Thực tế, từ những ngày mới ra đời, tại HoSE chỉ giao dịch 1-2 giờ vào mỗi buổi sáng, sau đó tăng lên hết 1 buổi sáng, tiếp đó nữa thì kéo dài sang buổi chiều. Ban đầu, nhà đầu tư phải ghi lệnh thủ công, rồi bỏ sàn và nay thì giao dịch trực tuyến…
Chỉ tay về phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, góc Nguyễn Công Trứ đoạn giao với trụ sở HoSE, TS Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT HoSE, nói: “Vào thời điểm thị trường phát triển nóng (2005-2006), nhà đầu tư chen chân “đặt cục gạch” kèm miếng giấy ghi lệnh kéo dài đến ra tận cổng các công ty chứng khoán xung quanh đây. Chưa kể, tại những cuộc đấu giá vào thời điểm đó, các nhà đầu tư phải ghi lệnh trực tiếp chứ không phải chuyển lệnh qua công ty chứng khoán nên lúc nào “Phố Wall” của Việt Nam cũng tấp nập".
Thật vậy, trong 15 năm đồng hành cùng 40 năm phát triển và hội nhập của TP HCM kể từ sau giải phóng đến nay, HoSE đã đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của thành phố cũng như cả nước. Hiện tại, các định chế trung gian khác, cụ thể là các công ty chứng khoán, ban đầu chỉ có 5 công ty, sau 15 năm đã có hơn 90 công ty.
Từ 1.000 nhà đầu tư ban đầu giờ đã trên 1,7 triệu nhà đầu tư, trong đó có 20.000 nhà đầu tư nước ngoài; 40 công ty quản lý quỹ trong và ngoài nước. Giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp (DN) niêm yết lên đến 88% giá trị của toàn TTCK Việt Nam, tương đương khoảng 25,5% GDP ước thực hiện năm 2014.
Kênh dẫn vốn mạnh và hiệu quả
Khi mới ra đời, TTCK chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết là REE (Công ty CP Cơ điện lạnh TP HCM) và Công ty CP Cáp & Vật liệu Viễn thông (SAM) thì nay đã có trên 300 DN, 1 chứng chỉ quỹ ETF và 38 trái phiếu được niêm yết, không chỉ có những DN lớn đầu ngành, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản mà còn có cả các DN vừa và nhỏ.
Theo thống kê của HoSE, trong số hơn 300 cổ phiếu niêm yết, chỉ riêng cổ phiếu thuộc nhóm VN30 đã chiếm 57,71% giá trị vốn hóa và gần 59% về giá trị giao dịch. Tính trung bình đến thời điểm 31-3-2015, các công ty này có tốc độ tăng trưởng trung bình vốn điều lệ ở mức 58,12%. Đặc biệt, có những DN có tỉ lệ tăng vốn điều lệ từ khi niêm yết đến nay lên hàng ngàn lần.
Ví dụ như Công ty CP Vincom (VIC) ngày đầu niêm yết với vốn điều lệ chỉ 800 tỉ đồng, đến ngày 31-2-2015 số vốn này đã tăng lên 14.546 tỉ đồng, tỉ lệ tăng vốn điều lệ lên đến 1.718,19%; với Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo (ITA), tỉ lệ này là 1.497,88%...
Ông Trần Đắc Sinh khẳng định qua niêm yết, các DN đã lớn mạnh lên rất nhiều. Điển hình như các ngân hàng đã nhờ “bệ đỡ” từ TTCK mà lượng vốn đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, có 6 ngân hàng đang niêm yết gồm CTG (VietinBank), BID (BIDV), VCB (Vietcombank), STB (Sacombank), EIB (Eximbank) và MBB (Ngân hàng Quân đội)…; tổng vốn điều lệ của các ngân hàng này tương đương 128.371 tỉ đồng. Tính trung bình kể từ thời điểm niêm yết trên HoSE, các ngân hàng đã có tăng trưởng vốn điều lệ ở mức 25,39%.
Rõ ràng, việc niêm yết đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc huy động vốn, phục vụ nhu cầu mở rộng hoạt động. Ngoài ra, thông qua phát hành cổ phiếu, các ngân hàng đã thu khoản tiền thặng dư lớn, góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy hệ thống ngân hàng phát triển cũng đưa dẫn vốn lưu thông trong nền kinh tế.
“Bà đỡ” của doanh nghiệp
Có thể nói, rất nhiều DN trong cả nước đã lớn mạnh từ khi tham gia vào đấu giá cũng như niêm yết trên sàn chứng khoán. Trước hết phải kể đến DN nhà nước đầu tiên đấu giá cổ phần công khai trên HoSE đó là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM).
Sau đó, VNM đã niêm yết chính thức lên sàn với chưa đầy 1.600 tỉ đồng ban đầu, đến nay đã lên hơn 10.000 tỉ đồng và được nhận định là cổ phiếu có tỉ lệ tăng vốn điều lệ thuộc tốp cao, với 529,33%; giá phát hành dẫn đầu thị trường với gần 74.000 đồng/cổ phiếu.
Giờ đây, vị thế của VNM có lẽ không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả quốc tế đều thừa nhận bởi việc giá cổ phiếu thuộc tốp “đỉnh” với hơn 100.000 đồng/cổ phiếu và luôn hết sạch room cho khối nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, phải kể đến một DN khác, tiên phong trong việc cổ phần hóa cũng như niêm yết lên sàn là REE. REE đang có tỉ lệ tăng vốn điều lệ thuộc tốp cao nhất trên sàn chứng khoán là 1.693,80%. Từ vốn điều lệ chỉ 150 tỉ đồng lúc mới niêm yết thì nay REE đã gần 2.700 tỉ đồng. Cổ phiếu REE thuộc nhóm ổn định và được các nhà đầu tư quan tâm.
Chủ tịch HĐQT một DN ngành thép đang niêm yết tại HoSE thừa nhận: TTCK, cụ thể là HoSE, đã là chiếc “phao cứu sinh” cho chính DN ông trong giai đoạn khó khăn. Và cũng từ những dòng vốn thu hút được từ các nhà đầu tư mà DN ông đã mở rộng ra thị trường từ những năm 2006-2007. Bởi thời điểm đó, TTCK phát triển thần tốc, ông đã tranh thủ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ rồi niêm yết lên sàn vào năm 2010.
“Sau khi phát hành cổ phiếu, chúng tôi đã dùng nguồn vốn thu được để khuếch trương kinh doanh. Sau niêm yết, giá cổ phiếu của chúng tôi đã tăng mạnh, được các đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao và họ mạnh dạn hợp tác làm ăn với chúng tôi nên doanh thu đã tăng lên đáng kể” - ông cho biết.
Sơn Nhung
người lao động
|