Thứ Bảy, 09/05/2015 14:28

Người có tiền nhàn rỗi nên giữ VNĐ hay USD?

Ngân hàng Nhà nước vừa tăng tỉ giá thêm 1%, tính từ đầu năm đến nay là 2%. Trong khi đó, lãi suất huy động VNĐ các kỳ hạn ngắn đang dưới 5%/năm. Người có tiền nhàn rỗi đang băn khoăn nên giữ VNĐ hay USD.

Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Đông Á chiều 7-5 - Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trước mắt việc giữ VNĐ vẫn có lợi hơn.

Cân nhắc kỹ

Chị Vân (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết có 200 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, lãi suất là 4,6%/năm. “Chưa đến năm tháng tỉ giá đã tăng thêm 2% cộng với lãi suất USD 0,75%/năm, tính ra người giữ USD được 2,75%. Tôi giữ VNĐ, cuối năm trừ đi lạm phát không biết có cao hơn mức này hay không?” - chị Vân băn khoăn. Tương tự, nhiều người có tiền nhàn rỗi cũng đang cân nhắc giữa VNĐ và USD.

Phân tích về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng để quyết định giữ VNĐ hay USD, người dân nên cân nhắc nhiều yếu tố. “Nhiều người lo từ nay đến cuối năm USD còn tăng nữa. Tuy nhiên theo tôi, những tháng cuối năm có thể xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi cho tỉ giá như xuất khẩu sẽ tăng, đặc biệt kiều hối về nhiều... Mặt khác, ổn định tỉ giá là mục tiêu quan trọng nhất vào lúc này nên Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực duy trì cam kết đã đưa ra từ đầu năm. Do vậy, khả năng tỉ giá tăng thêm là thấp, nếu có thì mức tăng sẽ không nhiều”   - ông Sơn nói. Theo ông Sơn, hiện lạm phát đã được khống chế ở mức thấp nên việc giữ VNĐ vẫn có lợi hơn.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cũng cho rằng khả năng tăng thêm tỉ giá từ nay đến cuối năm là thấp vì nếu tăng sẽ tạo sức ép lên lãi suất, làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp và đó là điều nhà điều hành không mong muốn. Theo vị này, nếu có khoản tiết kiệm vừa phải, tốt nhất người dân nên gửi VNĐ để hưởng lãi suất cao. Còn nếu khoản tiết kiệm lớn thì nên “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, đa dạng kênh đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc ACB, cho rằng không nên thấy tỉ giá tăng mà chuyển khoản tiết kiệm từ VNĐ sang USD vì nếu chuyển lúc này người dân không hưởng được khoản lợi do điều chỉnh tỉ giá. “Mua USD lúc này chỉ có thể trông chờ vào lãi suất, mà lãi suất huy động USD hiện nay rất thấp, chỉ 0,75%/năm, tính ra chuyển đổi từ VNĐ sang USD lúc này người dân thiệt đơn thiệt kép” - ông Toại nói. Ngược lại, người giữ USD từ đầu năm đến nay đã được hưởng 2% do điều chỉnh tỉ giá thì có thể bán USD lấy VNĐ gửi tiết kiệm vì vừa hưởng được chênh lệch do điều chỉnh tỉ giá, vừa tận dụng được lãi suất huy động VNĐ đang ở mức khá cao.

Lãi suất huy động VNĐ có tăng?

Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỉ giá, cũng có lo ngại việc này sẽ tạo sức ép lên lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng việc tăng thêm lãi suất huy động VNĐ trong thời điểm hiện nay là khó. “Lãi suất chỉ tăng với điều kiện ngân hàng cần vốn, muốn vậy nhu cầu vay của doanh nghiệp phải tăng cao nhưng từ đầu năm đến nay tín dụng tuy có tăng nhưng không nhiều. Do vậy, lúc này chưa có dấu hiệu tăng lãi suất huy động” - chủ tịch HĐQT một ngân hàng nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho rằng rất khó để tăng lãi suất huy động VNĐ do thanh khoản của các ngân hàng đang rất tốt, nhu cầu vay chưa tăng mạnh. Mặt khác, tăng lãi suất lúc này cũng ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các ngân hàng do thời gian qua ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay với lãi suất rất thấp.

Ghi nhận trên thị trường ngày 8-5 cho thấy hầu hết ngân hàng vẫn duy trì lãi suất huy động đã ban hành từ tháng 4. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn từ 4 tháng trở xuống dao động 4,2-4,8%/năm, 6 tháng và 12 tháng lãi suất dao động 5,1-5,8%/năm. Các kỳ hạn trên 15 tháng lãi suất hơn 6%/năm. Chỉ duy nhất ACB vừa tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 5%/năm lên 5,2%/năm.

Lý giải điều này, ông Toại cho rằng đó chỉ là phép thử thị trường chứ không phải là tín hiệu cho một đợt tăng lãi suất. “Việc nhích nhẹ lãi suất kỳ hạn 6 tháng để đón trước thị trường vì dự đoán của ngân hàng là thời gian tới nhu cầu vay của doanh nghiệp có thể sẽ tăng, do vậy nhích lãi suất lên một chút” - ông Toại nói.

Người dân vẫn gửi VNĐ

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết bốn tháng đầu năm tiền gửi tiết kiệm của tổ chức trên địa bàn giảm mạnh nhưng tiền gửi dân cư vẫn tăng 5,6 , phần lớn trong số này là tiền gửi VNĐ, tiền gửi USD chỉ tăng khoảng 0,6 .


Ánh Hồng

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Không thể chịu chung một trần lãi suất (09/05/2015)

>   HDBank hợp tác chiến lược với ngân hàng Hàn Quốc (09/05/2015)

>   NHNN sẽ sử dụng các biện pháp và công cụ đồng bộ để ổn định tỷ giá (08/05/2015)

>   Xóa tên MHB, ngân hàng sau sáp nhập tăng vốn lên hơn 31,480 tỷ đồng (08/05/2015)

>   VietinBank cử người lãnh đạo OceanBank (08/05/2015)

>   Ngân sách vay dự trữ ngoại hối: Làm yếu đồng tiền... (08/05/2015)

>   Tăng tỷ giá: Các ngân hàng và chuyên gia nói gì? (08/05/2015)

>   Giữ USD không lợi bằng VND (08/05/2015)

>   Ngân hàng Phương Đông: Khách hàng của chúng tôi là tội phạm, lừa đảo (08/05/2015)

>   Từ tỷ giá đến nợ công (07/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật