Điện thoại “thương hiệu Việt”: Bao giờ mới thôi định kiến?
Nhiều người tiêu dùng không ủng hộ các sản phẩm điện thoại “thương hiệu Việt” do "mác Việt, ruột tàu".
Hình dáng BPhone hé lộ qua thư mời tham dự ra mắt sản phẩm này vào ngày 26/5 tới đây. Ảnh: Tinh tế
|
“Thương hiệu Việt” tự mình khai tử
Cuối năm 2010, thị trường ĐTDĐ ghi nhận nhiều thương hiệu Việt mới. Sau các thương hiệu như FPT, Q-mobile hiện nay đã có thêm cả chục nhãn hiệu Bluefone (CMC), Avio (VNPT), Hi-mobile (HiPT), Mobistar, Mobel...
Các sản phẩm thương hiệu Việt này có điểm chung là giá rẻ, khoảng từ vài trăm tới 1 triệu đồng. Các dòng sản phẩm thông minh, cũng chỉ có giá chưa tới 2 triệu đồng.
Thời kỳ đỉnh cao, thị trường ĐTDĐ trong nước có tới hơn 30 hãng điện thoại “thương hiệu Việt” phân chia thị phần, nhưng đến nay, còn rất ít hãng trụ lại.
Khi điện thoại thương hiệu Việt xuất hiện đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, chỉ ủng hộ thôi chưa đủ khi người tiêu dùng nhận ra không ít điện thoại gắn “mác Việt, ruột Tàu”.
Viva Lotus, sản phẩm điện thoại thuần Việt đầu tiên nhưng không được ủng hộ vì cấu hình yếu, thiết kế xấu
|
Trên thực tế, các sản phẩm gắn mác trong nước không khẳng định được thương hiệu vì hầu hết chỉ dừng ở hình thức đặt hàng (ODM - Original Designed Manufacturer). Đây là hình thức mua sẵn một dòng sản phẩm smartphone nào đó của nhà sản xuất, hoặc là họ đặt ra yêu cầu về một dòng sản phẩm nào đó, sau đó đặt hàng nhà sản xuất ODM thiết kế và chế tạo. Sau khi có sản phẩm, công ty đặt hàng này sẽ dán tên thương hiệu của mình lên dòng sản phẩm đó.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính mà người tiêu dùng không “hâm mộ” các sản phẩm gắn mác “thương hiệu Việt” này. Ngoài ra, người tiêu dùng nước ta luôn có những định kiến về sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Sự tiếp cận của các thương hiệu Việt như HKPhone, Mobiistar hay Q-Mobile với những cái tên Trung Quốc khiến nhiều người dị nghị. Định kiến này không thể xóa bỏ một cách đơn giản.
Bao giờ mới thoát khỏi định kiến?
Mới đây, ngày 25/11/2014, VNPT chính thức ra mắt dòng smartphone Vivas Lotus với toàn bộ khâu thiết kế, phát triển firmware và sản xuất được thực hiện hoàn toàn tại nhà máy của VNPT Technology. Ngoài ra, VNPT còn xây dựng kho ứng dụng độc quyền VNPT Appstore cho dòng sản phẩm này. Có thể nói đây là dòng điện thoại thuần Việt đầu tiên.
Tuy nhiên, khi Vivas Lotus trình diện, nhiều người đánh giá thiết kế không đặc trưng và phần nào còn thô kệch. Như logo sản phẩm bị đánh giá là quá to, chiếm diện tích lớn, khiến chiếc điện thoại kém tính thẩm mĩ. Bên cạnh thiết kế, cấu hình cũng kém, như dòng Vivas Lotus: Pin 1400 mAh, chip 1 GHz, RAM 512 MB.
Tại thị trường Việt Nam, các “thương hiệu Việt” đều tồn tại dưới hình thức đặt hàng từ Trung Quốc và bán ra với tên thương hiệu của mình, ngoại trừ VNPT và mới đây là BKAV. Muốn thoát khỏi định kiến người tiêu dùng, BKAV phải chứng minh mình sử dụng 100% công sức và trí tuệ của người Việt.
BPhone được sản xuất tại Việt Nam sẽ có mức giá không hề rẻ. Như vậy, để tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng cùng không hề đơn giản
|
Theo nhiều thông tin rò rỉ, Bphone có khả năng sử dụng vi xử lý Snapdragon 810, màn hình Full HD, vi xử lý Snapdragon 810, 3GB RAM, camera chính 13MP và pin dung lượng 2.600 mAh. Cấu hình này không hề thua kém các smartphone cao cấp nhất hiện nay.
Là thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam, mới đây, BKAV liên tục xuất hiện tại các hội trợ, triển lãm về công nghệ trên thế giới. Đây là lợi thế để BKAV tiếp cận nhiều dùng một cách nhanh chóng nhất cũng như khẳng định thương hiệu smartphone đầu tay của mình là một dòng điện thoại sản xuất, lắp ráp, hoàn thiện trong nước với các linh kiện từ các đối tác hàng đầu thế giới.
Người tiêu dùng Việt hiện rất tò mò và mong chờ sản phẩn mới BPhone của BKAV, mức giá của sản phẩm này chắc chắn sẽ không hề rẻ. Bởi với một sản phẩm điện thoại tự sản xuất đúng nghĩa với các linh kiện cao cấp, giá thành nhân công, ngân sách dành cho chất xám, các khấu hao trong quá trình vận hành bộ máy sản xuất sẽ độn giá của sản phẩm lên cao hơn.
Để thoát khỏi cái bóng định kiến mà người dùng dành cho các smartphone thương hiệu Việt, Bkav có lẽ cần thêm phiên bản thu nhỏ Bphone-compact với màn hình 4 inch HD, RAM 2 GB với mức giá bằng nửa phiên bản cao cấp cho những người có mức thu nhập không cao.
Nguyệt Vũ
bao giao thông
|