Doanh nghiệp vẫn băn khoăn với quy định về con dấu
Đánh giá những thay đổi tích cực, cởi mở về con dấu trong Luật Doanh nghiệp 2014, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn những băn khoăn, kiến nghị để nghị định hướng dẫn thi hành Luật này thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP
|
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp 2014. Tại hội thảo này, vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm là những quy định về con dấu.
Các đại biểu cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2014 đã thể hiện quan điểm cởi mở và đúng bản chất vấn đề con dấu của DN. Những cách tiếp cận mới và ý nghĩa pháp lý của con dấu làm giảm phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian của DN, hợp với xu hướng phát triển phương thức giao dịch điện tử và xu thế quốc tế.
Với những quy định cởi mở về thiết kế, sử dụng con dấu, một điều chắc chắn là nhiều doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ chế này để phát triển hệ thống nhận dạng thương hiệu. Con dấu sẽ là biểu trưng cho chính thương hiệu của DN. Do đó, sẽ có những DN lợi dụng việc này để vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của DN khác, ví dụ như bắt chước con dấu của đối thủ cạnh tranh.
Chính vì vậy, tại khoản 2, Điều 23 dự thảo quy định “DN chịu trách nhiệm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ khi sử dụng hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu là đối tượng đã được bảo hộ về sở hữu trí tuệ trong nội dung con dấu”. Tuy nhiên, nhiều DN kiến nghị nên kèm theo chế tài tại điều khoản này đối với trường hợp DN vi phạm, ít nhất là bổ sung biện pháp xử lý hành chính để buộc DN vi phạm phải đổi con dấu khác.
Bên cạnh đó, nhiều DN kiến nghị cần xem lại quy định bắt buộc phải thể hiện mã số DN trong nội dung của con dấu. Đây là quy định không cần thiết, vì mã số DN là cần cho Nhà nước trong hoạt động quản lý, đã ghi trên giấy chứng nhận đăng ký DN.
Mã số DN chủ yếu được dùng để thực hiện nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác. Mỗi DN có một mã số duy nhất và mã số này không bao giờ được cấp cho DN khác. Việc quy định con dấu phải có mã DN không phục vụ lợi ích của chủ thể nào trong xã hội.
Luật sư Phan Thông Anh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng, cần quy định rõ về nơi cất giữ con dấu, quy định con dấu chỉ được sử dụng để đóng vào chữ ký của những người có thẩm quyền do Luật Doanh nghiệp quy định là: Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị; giám đốc; người đại diện pháp luật hoặc những người có thẩm quyền do điều lệ hay quy chế làm việc của công ty quy định.
Ngoài ra, luật sư Phan Thông Anh và nhiều đại diện DN cũng kiến nghị về điều 2 của dự thảo quy định về xác minh giả mạo hồ sơ đăng ký DN. Ông Phan Thông Anh cho rằng điều 2 có rất nhiều nội dung, nhưng lại thiếu một quy định hết sức cơ bản là khái niệm giả mạo hồ sơ đăng ký DN. Do vậy, đề nghị bổ sung khái niệm này để tránh việc cơ quan đăng ký kinh doanh gặp lúng túng trong những trường hợp cụ thể.
Lê Anh
Chính Phủ
|