Thứ Ba, 19/05/2015 09:05

'Bẫy' thâu tóm từ nhà đầu tư ngoại

Năng lực tài chính, quản trị, công nghệ, kinh nghiệm... non trẻ, nhiều doanh nghiệp Việt chọn cách liên kết, liên doanh với đối tác nước ngoài khi mở cửa thị trường với mong muốn cùng phát triển, nhưng không ít thương hiệu Việt đã biến mất sau những cái "bắt tay" hợp tác.

Nỗi lo bị thâu tóm đang trở lại khi nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn sau nhiều năm kinh tế khó khăn.

Hợp tác và mất hút

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan từng được coi là “ông lớn” trong ngành hàng kem đánh răng Việt, khi sản phẩm thống lĩnh toàn thị trường phía nam, chinh phục thị trường phía bắc và đánh bật kem đánh răng Trung Quốc tại thị trường nội địa. Nhưng sau 5 năm phát triển rực rỡ, năm 1994, đang ở đỉnh cao với 70% thị phần nội địa, ông Trịnh Thành Nhơn, chủ thương hiệu Dạ Lan, quyết định bán thương hiệu cho tập đoàn mẹ của thương hiệu kem đánh răng Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD.

Khi đó, có lẽ chủ nhân của Dạ Lan đặt ra kỳ vọng tập đoàn có lịch sử 200 năm tuổi này sẽ tiếp tục phát triển tốt thương hiệu Dạ Lan do mình gầy dựng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 tháng sau liên doanh, kem đánh răng mang thương hiệu Dạ Lan dần dần vắng bóng, nhường chỗ cho kem đánh răng Colgate. Khoảng 3 năm sau liên doanh, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan biến mất. Công ty với báo cáo lỗ liên tục cũng đành bán lại cho đối tác ngoại với giá vốn, khoảng 3,2 triệu USD.

Chừng đó chiêu nhưng vẫn sa bẫy

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích: “Khi mất dần vai trò kiểm soát trong các liên doanh với nước ngoài, các doanh nghiệp VN thường để mất luôn thương hiệu về tay đối tác. Các nhà đầu tư ngoại nhắm đến các thương hiệu lớn của nội địa do những lợi thế về danh tiếng thương hiệu, thị phần, hệ thống phân phối mạnh, vững, niềm tin yêu của người tiêu dùng. Bước thứ 2 của mua bán sáp nhập thường đưa hàng hóa ngoại vào thay thế. Điều này, khi tham gia mua bán, nhiều doanh nghiệp nội, vì cái lợi trước mắt, thường không nhận ra. Các thương hiệu Việt biến mất sau liên doanh cũng chỉ có chừng đó chiêu, chừng đó công thức nhưng ta vẫn sa bẫy...”.

Nhớ lại những cay đắng trải qua với đứa con tinh thần của mình, ông Nhơn chia sẻ: “Nếu ngày đó tôi vững vàng hơn, kinh nghiệm hơn thì không đến cớ sự như hôm nay. Quyết định liên doanh với Colgate là sai lầm lớn nhất đời kinh doanh của tôi”.

Tương tự như Dạ Lan, thương hiệu nước ngọt Tribeco từng nổi đình đám trên thương trường 20 năm, cho đến khi quyết định liên doanh với Uni - President VN (Đài Loan) vào năm 2008 và rồi tuyên bố giải thể 4 năm sau đó để chấm dứt lỗ lã triền miên. Kịch bản của Tribeco không khác Dạ Lan là mấy, công thức chung là liên doanh, rồi liên tục đầu tư mở rộng, lỗ lũy kế lên quá con số 300 tỉ đồng, gồng mình không nổi, buộc bán lại công ty để chấm dứt lỗ lã.

Hay như thương hiệu điện tử Viettronic, từng là niềm tự hào của người tiêu dùng Việt trong thời kỳ bao cấp và sau đổi mới. Trước cơn lốc ồ ạt của nhiều thương hiệu điện tử nổi tiếng của Nhật, Hàn Quốc, Viettronic quyết định liên doanh với Sony, Panasonic, Toshiba... cũng với niềm tin ngây thơ “cùng lớn mạnh”. Thế nhưng, trước những cam kết hợp tác lỏng lẻo, các đối tác ngoại như Sony nhanh chóng thuê lại dây chuyền lắp ráp ti vi của Viettronic để nhập linh kiện về lắp ráp bán tại thị trường nội địa. Sau đó, đối tác lẳng lặng rút lui sau khi đã gầy dựng thành công hệ thống phân phối, bảo hành vững chắc và thương hiệu mạnh tại thị trường Việt. Liên doanh này cũng chấm dứt tham vọng xây dựng công nghiệp điện tử, thương hiệu điện tử của người Việt.

Cẩn trọng bẫy mới

Điều đáng nói là những bài học "xương máu" vẫn tiếp tục diễn ra sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều thương hiệu Việt lại tiếp tục “đội nón ra đi”.

Như trường hợp của bia Huda Huế. Thời điểm hoàng kim, bia Huda Huế từng chiếm đến 98% thị phần tại Thừa Thiên-Huế, 95% thị phần tại Quảng Trị, 65% ở Quảng Bình. Đang làm mưa làm gió tại thị trường miền Trung, đùng một cái, năm 2011, tỉnh Thừa Thiên-Huế tuyên bố bán hết 50% cổ phần mà tỉnh này đang nắm giữ trong liên doanh bia Huda cho đối tác ngoại Carlsberg với giá 93 triệu USD. Lý do được lãnh đạo tỉnh này lý giải đến năm 2015, phải chiếm 15% thị phần bia cả nước (tại thời điểm bán Huda đang chiếm 8% thị phần cả nước), nếu không bia Huế sẽ chết.

Tuy nhiên, trước nhiều nhãn hàng bia nổi tiếng tại thị trường miền Trung như Bia Sài Gòn, Heineken, Tiger và mới đây là Sapporo của Nhật, tham vọng mở rộng thị phần Huda đã chựng lại. Và sẽ là áp lực không nhỏ khi chính người tiêu dùng khu vực miền Trung đang xếp thương hiệu này là… bia ngoại. Sau Huda, thị trường bia nội địa từng có những đồn đoán tập đoàn bia đến từ Đan Mạch này sẽ sớm thâu tóm thương hiệu bia Habeco phía bắc.

Hiện Carlsberg nắm trên 17% vốn điều lệ của Habeco và đã được thông qua đề xuất tăng phần vốn nắm giữ lên 30%. Trước đó, năm 1993, Carlsberg từng liên doanh với Công ty bia Việt Hà cũng với tham vọng sẽ đẩy mạnh thương hiệu bia nội địa này lên. Thế nhưng, hơn 20 năm qua, bia Việt Hà vẫn “ì ạch” và chiếm thị phần khiêm tốn gần như biến mất khỏi thị trường nội địa. Kế đến, Carlsberg lại tiếp tục liên doanh với Nhà máy bia Đông Nam Á (nhãn bia Halida), sở hữu 60% cổ phần. Tuy nhiên, cả bia Halida đến nay cũng chưa một lần lọt vào top 10 tiêu thụ của các nhãn hàng bia nội địa như kỳ vọng ban đầu.

Đó cũng là lý do, nhiều chuyên gia lo ngại trước áp lực cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, trước áp lực tài chính, áp lực cạnh tranh trong hội nhập... các thương hiệu Việt chọn con đường liên doanh, liên kết nếu không cẩn trọng có thể sẽ bị thâu tóm. Trước thông tin Sabeco sẽ bán bớt 53% cổ phần, giảm sở hữu nhà nước từ 89% xuống 36%, một chuyên gia về mua bán và sáp nhập (M&A) nhận xét: Lý do đưa ra để bán của Sabeco có vẻ na ná giống Huda. Tuy nhiên, việc bán một lần tỷ lệ vốn sở hữu lớn như vậy rất khó cho Sabeco giữ thương hiệu bia Việt như mục tiêu đề ra ban đầu.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, bẫy mới là vẫn choáng ngợp trước giá trị tính bằng tiền, đánh giá quá cao đối tác ngoại và bán lượng cổ phần lớn, bán đổ bán tháo khi chưa được tư vấn thấu đáo... Vị chuyên gia M&A cũng cho rằng, đa số doanh nghiệp nội chỉ quan tâm đến nguồn vốn của đối tác có mạnh không, khi nào họ rót tiền về mà chưa quan tâm nhiều đến những yếu tố có lợi khác như hấp thu công nghệ, hợp tác chặt chẽ theo mô hình cùng chiến thắng. “Đừng để lọt bẫy thâu tóm cũ nếu tiếp tục bán lượng lớn cổ phần cho đối tác ngoại”, vị này khuyến cáo.

Nguyên Nga

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Hiệp định thương mại Việt Nam-EU có thể sớm ký kết mùa Hè này (20/05/2015)

>   Tư nhân muốn mở rộng quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh (20/05/2015)

>   Bộ Tài chính: Thuế tăng không có nghĩa giá ôtô sẽ tăng (20/05/2015)

>   Tài sản Nhà nước hiện xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng (19/05/2015)

>   Thêm một doanh nghiệp tham gia truyền dẫn phát sóng truyền hình (19/05/2015)

>   TP.HCM đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư vào Myanmar (19/05/2015)

>   Xuất khẩu sản phẩm làng nghề: Chia sẻ từ các doanh nghiệp (19/05/2015)

>   Nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt mới: “Giá ôtô do cung, cầu quyết định” (19/05/2015)

>   Samsung khởi công khu phức hợp điện tử gia dụng 1,4 tỉ đô la Mỹ (19/05/2015)

>   MBB xây dựng gói tín dụng riêng cho doanh nghiệp xây lắp (19/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật