Điện hạt nhân Ninh Thuận: “Chạy” tiến độ các dự án thành phần
Các dự án hạ tầng phục vụ thi công các nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận như giao thông, điện, hạ tầng kỹ thuật… đang được triển khai theo đúng tiến độ. Các công trình này sau khi hoàn thành sẽ bảo đảm điều kiện khởi công và vận hành nhà máy ĐHN.
Dự án ĐHN đang khẩn trương chuẩn bị các công đoạn cần thiết
|
Tích cực triển khai
Theo Ban quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 10 dự án, đề án thành phần phục vụ triển khai xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận, liên quan chủ yếu đến hạ tầng phục vụ thi công, khu quản lý vận hành, đào tạo nhân lực và các hạ tầng kỹ thuật khác…
Tháng 12/2014, EVN đã khởi công xây dựng hệ thống điện phục vụ thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Công trình gồm một đường dây 110 kV mạch kép dài 13,63 km và một trạm biến áp 110/22kV, công suất 25 MVA. Địa điểm xây dựng là các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và TP.Phan Rang, Tháp Chàm. Công trình này sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo điều kiện khởi công và cung cấp điện ổn định trong suốt quá trình thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1.
Hiện EVN đang tiếp tục công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu để khởi công xây dựng (dự kiến quý III/2015) khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban quản lý dự án với tổng diện tích 22,97 ha, tại phường Mỹ Bình, TP.Phan Rang – Tháp Chàm. Thời gian tới, EVN sẽ hoàn thiện và trình duyệt hồ sơ dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế Trung tâm quan hệ công chúng nhằm thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền về ĐHN. Dự kiến, trung tâm này được xây dựng trên diện tích khoảng 3.000 m2, tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm. Ngoài ra, tuyến đường ven biển Phú Thọ - Mũi Dinh (Ninh Thuận) – tuyến đường huyết mạch phục vụ thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận được khởi công từ năm 2010 đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công tác đào tạo nhân lực cũng được chú trọng triển khai, đã có 323 sinh viên được đi học các chuyên ngành ĐHN tại Nga và nhiều kỹ sư được đưa sang Nhật đào tạo.
Bước tiến quan trọng
Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận được Quốc hội thông qua tháng 11/2009, dự án gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW/nhà máy. Công nghệ chính là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ thứ ba trở lên đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án. Dự án sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 200.000 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất hỗ trợ ngân sách trung ương cho nhiều công trình thành phần phục vụ Dự án ĐHN Ninh Thuận. Đặc biệt, là hai dự án hồ thủy lợi Tân Mỹ và Đầm Nại, công trình cầu Ninh Chữ và một số tuyến đường ven biển.
|
Đối với Dự án ĐHN Ninh Thuận 1, EVN đã trình báo cáo phân tích an toàn địa điểm (Site SAR), báo cáo phân tích an toàn thuộc Dự án đầu tư (FS SAR) lên Bộ Khoa học và Công nghệ và báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án ĐHN Ninh Thuận lên Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Đồng thời, EVN đang tiến hành đàm phán với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom (Nga) về hợp đồng thiết kế kỹ thuật. Đối với Dự án ĐHN Ninh Thuận 2, EVN mới trình Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Site SAR và FS SAR.
Ông Phan Minh Tuấn - Phó giám đốc Ban quản lý Dự án ĐHN Ninh Thuận - khẳng định: Dự án ĐHN Ninh Thuận phải được triển khai thận trọng và theo trình tự pháp luật hiện hành. Bước đầu tiên là lập hồ sơ xin giấy phép thẩm định địa điểm, hồ sơ xin giấy phép đầu tư. Sau khi đạt được phê duyệt, mới bước qua giai đoạn thiết kế kỹ thuật và thương thảo với nhà thầu để xin cấp phép xây dựng. Việc chuẩn bị mặt bằng để triển khai nhà máy ĐHN chỉ được thực hiện sau khi giấy phép xây dựng được cấp.
Quỳnh Nga
công thương
|