Các bộ, ngành phải gửi số liệu để Cơ quan Thống kê TW thẩm định
Nhằm khắc phục chênh lệch số liệu thống kê giữa Cơ quan Thống kê TW với các bộ, ngành, trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất quy định về thẩm định số liệu thống kê.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, trong thực tế vẫn đang tồn tại hiện tượng các bộ, ngành và Cơ quan Thống kê TW cùng công bố về một chỉ tiêu thống kê theo 2 loại số liệu khác nhau hay sự chênh lệch số liệu GDP giữa TW và địa phương dẫn đến thông tin thống kê sai lệch, mâu thuẫn, chồng chéo.
Thực trạng này là do một số lãnh đạo cấp tỉnh chỉ quan tâm đến thành tích phát triển kinh tế ở địa phương mình, do đó có thể tạo áp lực đối với cán bộ thống kê trong quá trình báo cáo số liệu, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng tính độc lập và khách quan của số liệu thống kê.
Bên cạnh đó, sự chênh lệnh số liệu còn có nguyên do nhiều thông tin các bộ, ngành cung cấp cho cơ quan thống kê không sát với thực tế, chưa phản ánh đúng thực trạng sản xuất kinh doanh và không kịp thời vào thời điểm cơ quan thống kê cần có số liệu. Một nguyên nhân khác nữa cũng cần phải kể đến là, nguồn thông tin của các Bộ, ngành bị khép kín, không chia sẻ cho cơ quan thống kê, gây khó khăn cho việc đánh giá, phân tích và dự báo tình hình.
Chính vì vậy, để khắc phục chênh lệch số liệu thống kê giữa Cơ quan Thống kê TW với các bộ, ngành, trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quy định trách nhiệm và vai trò của Cơ quan Thống kê TW trong việc thẩm định số liệu thống kê của các bộ, ngành.
Cụ thể, tại Điều 53 (thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia) dự thảo quy định rõ: Bộ, ngành có trách nhiệm gửi Cơ quan Thống kê TW hồ sơ thẩm định số liệu thống kê được phân công thu thập, tổng hợp trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Hồ sơ thẩm định gồm văn bản đề nghị thẩm định, dự thảo số liệu thống kê, giải trình nội dung, phương pháp tính, phân tổ và nguồn số liệu thu thập, tổng hợp.
Khi nhận được hồ sơ, Cơ quan Thống kê TW sẽ tiến hành thẩm định về nội dung, phương pháp tính, phân tổ và nguồn dữ liệu của chỉ tiêu.
Thời hạn thẩm định kể từ ngày Cơ quan Thống kê TW nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định là: 3 ngày làm việc đối với số liệu ước tính; 7 ngày làm việc đối với số liệu sơ bộ; 15 ngày làm việc đối với số liệu chính thức.
Bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trên cơ sở ý kiến thẩm định; giải trình với Cơ quan Thống kê TW bằng văn bản về việc tiếp thu, không tiếp thu ý kiến thẩm định.
Trong trường hợp bộ, ngành không thực hiện ý kiến thẩm định thì Cơ quan Thống kê TW tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ việc thẩm định hệ thống chỉ tiêu thông kê của các bộ, ngành (Điều 19); thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực (Điều 25); thẩm định phương án điều tra thống kê (Điều 31).
Các bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trên cơ sở ý kiến thẩm định; giải trình với Cơ quan Thống kê TW bằng văn bản về việc tiếp thu, không tiếp thu ý kiến thẩm định.
PV
chính phủ
|