VCCI: DN sẽ hưởng lợi nhiều từ FTA với Hàn Quốc
Các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi lớn từ việc ký Hiệp định thương mại song phương (FTA) giữa hai nước, theo đánh giá của một cơ quan thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc được ký ngày 5-5 tại HN. Ảnh TL
|
Nghiên cứu của Trung tâm WTO thuộc VCCI nhận xét, khi hiệp định có hiệu lực, Hàn Quốc mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam so với FTA ASEAN – Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm nói: “Nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được dỡ bỏ thuế quan khi vào thị trường này”.
Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu, tính theo số liệu năm 2012, chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...
Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, v.v… (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc); do vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Về nhập khẩu, doanh nghiệp có cơ hội nhập khẩu hàng hóa giá rẻ hơn, đặc biệt là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày, dép, điện tử, giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác.
“Điều này có lợi cho các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu, người tiêu dùng”, bà Trang nhận xét.
Theo trung tâm này, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, tính theo số liệu năm 2012, chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cán điện, v.v… Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.
Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, năm 2014 đứng thứ 3 trong số 10 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm 2014.
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm 2014, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với 505 dự án cấp mới, 179 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn là 7,32 tỉ đô la Mỹ, chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức, theo Trung tâm WTO.
Doanh nghiệp sản xuất nội địa sẽ gặp phải cạnh tranh gay gắt hơn do việc mở cửa hơn nữa thị trường hàng hóa của Việt Nam cho Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bà Trang phân tích, những thách thức này không quá đáng lo ngại do (i) cơ cấu sản phẩm giữa hai bên là tương đối bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh trực tiếp; (ii) nhiều sản phẩm mở cửa mạnh cũng là những sản phẩm lâu nay bảo hộ bằng thuế quan nhưng không hiệu quả, việc mở cửa có thể là sức ép cạnh tranh tốt cho những ngành này; (iii) trong hiệp định thương mại ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) Việt Nam đã mở cửa đáng kể cho Hàn Quốc, do đó việc mở cửa tiếp theo không tạo ra cú sốc lớn.
Bên cạnh đó, cạnh tranh về dịch vụ và đầu tư đối với các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư trong nước có thể sẽ lớn vì trong AKFTA đã ký Việt Nam hầu như không mở cửa về dịch vụ và đầu tư thêm cho Hàn Quốc so với WTO, nhưng trong FTA giữa hai nước có cam kết đáng kể về mở cửa dịch vụ và đầu tư cho Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bà Trang nhận xét, đây cũng có thể sức ép hợp lý để các doanh nghiệp dịch vụ trong nước tăng sức cạnh tranh trước khi phải đối mặt với cạnh tranh mạnh hơn từ các đối thủ sừng sỏ hơn từ Hoa Kỳ, EU… trong các FTA thế hệ mới sắp tới.
Tư Hoàng
TBKTSG
|