ĐHĐCĐ HJS: Vướng mắc thoái vốn ngoài ngành, 2015 và 2016 sẽ tiếp tục khó khăn
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của CTCP Thủy điện Nậm Mu (HNX: HJS) được tổ chức sáng ngày 23/05, HĐQT đã trình cổ đông thông qua phương hướng hoạt động kinh doanh cho năm 2015. Trong đó, nổi bật là kế hoạch tái cơ cấu và phương án tăng vốn điều lệ.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của HJS được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 23/05 với sự tham gia của cổ đông đại diện cho 73% số cổ phần có quyền biểu quyết.
|
Khó khăn thoái vốn ngoài ngành
Một trong những nội dung quan trọng của công tác tái cấu trúc HJS trong năm 2015 là thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện. Hiện HJS có 3 khoản đầu tư ngoài ngành là đầu tư vào cổ phiếu CTCP Sông Đà 906 (UPCoM: S96) và cổ phiếu CTCP Chứng khoán Artex (ART) với số lượng lần lượt là 22,800 cp và 200,000 cp, góp vốn đầu tư vào CTCP Sông Đà Tây Đô với giá trị là 30.6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư này đều không đạt hiệu quả như mong muốn. Với khoản đầu tư vào S96, tính đến ngày 31/12/2014, HJS đã trích lập dự phòng gần 348 triệu đồng, giá trị còn lại của khoản đầu tư là 57 triệu đồng. Để tiến hành thoái vốn theo kế hoạch, HJS đang theo dõi giá trị thị trường của cp, nếu vượt giá trị còn lại sau trích lập, HJS sẽ tiến hành thoái vốn.
Với khoản đầu tư vào ART, tính đến ngày 31/12/2014, HJS đã tiến hành trích lập dự phòng 908 triệu đồng, giá trị còn lại của khoản đầu tư đạt gần 1.1 tỷ đồng. Hiện HJS đang tìm đối tác để chuyển nhượng số cổ phần này.
Ông Hà Ngọc Phiếm – Tổng Giám đốc HJS cho biết thêm, trong năm 2014, ART đã bắt đầu có lãi, kế hoạch dự kiến sẽ đưa cp ART lên sàn UPCoM vào năm 2016, như vậy nếu không tìm được đối tác chuyển nhượng, HJS sẽ tiến hành thoái vốn trên sàn đối với 200,000 cp này.
Với khoản đầu tư tại Sông Đà Tây Đô, HJS đang kết hợp cùng công ty này thực hiện công tác thu hồi nợ, cử người tham gia cùng đối tác cho vay bán các tài sản bất động sản đối tác để thu hồi vốn. Đồng thời, lập phương án giải thể Sông Đà Tây Đô sau khi thu hồi được các khoản nợ.
Tuy nhiên, thực tế việc thu hồi các khoản nợ đối với Sông Đà Tây Đô là rất khó khăn, theo đó dự kiến sẽ chuyển số BĐS này thành tài sản của công ty thay cho việc thu hồi các khoản nợ.
Kế hoạch lãi 2015 đạt 29 tỷ đồng, tăng 51% cùng kỳ
Năm 2015, HJS chỉ thực hiện duy nhất công tác sản xuất kinh doanh điện tại nhà máy thủy điện Nậm Mu, Nậm Ngần và Nậm An. Đối với dự án thủy điện Sông Chảy 3&4, HJS vẫn trong quá tình nghiên cứu tính khả thi của dự án, đồng thời tìm đối tác chuyển nhượng khi có điều kiện.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2015, HJS dự kiến đạt 165 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất, tăng gần 4% so với thực hiện 2014 , doanh thu dự kiến gần 154 tỷ đồng, tăng hơn 6%. Lãi sau thuế 29 tỷ đồng, tăng 51%.
Về công tác xây lắp, do trong năm 2014 HJS đã thực hiện giải thể chi nhánh xây lắp CTCP Thủy điện Nậm Mu 101 nên đã ngừng hoạt động xây lắp.
Chia sẻ thêm về hoạt động của HJS trong năm 2015, ông Phiếm cho biết, năm 2015 và 2016 sẽ là nút thắt trong hoạt động của HJS do số tiền trả lãi và gốc nợ ngân hàng trong 2 năm này sẽ là cao nhất. Ông Phiếm cho biết, chính sự chênh lệch giữa khấu hao và thời gian vay vốn của những khoản vay là nguyên nhân khiến hoạt động của công ty gặp khó khăn.
Với hoạt động thủy điện, việc khấu hao được HJS hạch toán trong thời gian 17 năm, tuy nhiên các khoản vay của ngân hàng thời gian vay tối đa chỉ có 10 năm và thêm 2 năm thời gian xây dựng. Chính điều này là nguyên nhân gây ra áp lực đối với dòng tiền của công ty.
Chuyển cổ tức 2013 từ tiền mặt sang cổ phiếu, phát hành tăng vốn tỷ lệ 20%
Trong năm 2014, giá trị sản xuất kinh doanh của HJS đạt 158.9 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch. Doanh thu đạt 144.6 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch, lãi sau thuế đạt 19.2 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch.
|
Sau khi xem xét, đánh giá lại một cách thận trọng, HĐQT quyết định chuyển phương án chi trả cổ tức 2013 từ tiền mặt sang cổ phiếu, với tỷ lệ 10%. Đồng thời, ở phương án phân phối lợi nhuận năm 2014, HJS cũng dự kiến mức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, tương đương gần 15 tỷ đồng.
Thắc mắc của cổ đông về vấn đề số dư khoản mục lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo tài chính chỉ có 22 tỷ trong khi tổng mức chỉ trả cổ tức của cả năm 2013 và 2014 lên tới 29 tỷ. Đại diện HJS cho biết, thực chất khoản mục này của HJS đạt 37 tỷ đồng, tuy nhiên do kế hoạch 2013 là chi trả cổ tức bằng tiền mặt nên công ty kiểm toán đã chuyển 15 tỷ sang bên nợ phải trả.
Ngoài 2 phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, HJS cũng trình phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%, giá chào bán dự kiến là 10,000 đồng/cp, thời gian thực hiện dự kiến quý 3 – 4/2015. Số tiền thu được từ đợt phát hành gần 30 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào nguồn vốn lưu động.
Như vậy, với 2 phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu và phương án tăng vốn, vốn điều lệ dự kiến của HJS sẽ tăng thêm gần 60 tỷ đồng lên gần 210 tỷ đồng.
Đồng thời, về nhân sự HĐQT trong nhiệm kỳ 2015 – 2019, có sự thay đổi với sự xuất hiện của ông Trần Thế Quang, do CTCP Sông Đà 9 đề cử thay thế ông Lê Văn Hưng đã có đơn xin từ nhiệm trước đó. Thành viên BKS nhiệm kỳ mới có sự thay đổi với sự xuất hiện của 2 thành viên mới là ông Quách Mạnh Hải và bà Nguyễn Thanh Lệ thay thế cho ông Phạm Quốc Thái và ông Vụ Ngọc Toàn.
Minh Tuấn
|