“Điểm mặt” các DNNN có vấn đề về quản lý vốn
Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước bị “điểm mặt chỉ tên” trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước do quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước không hiệu quả.
(TBKTSG Online) - Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước bị “điểm mặt chỉ tên” trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước do quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước không hiệu quả.
Báo cáo do Kiểm toán Nhà nước phát hành tháng 5-2015 về kiểm toán năm 2014 cho biết, cơ quan này đã kiểm toán báo
|
Báo cáo do Kiểm toán Nhà nước phát hành tháng 5-2015 về kiểm toán năm 2014 cho biết, cơ quan này đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013 của 249 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn kinh tế (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCT).
Nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn cao. Ví dụ, TCT cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel có số nợ phải thu quá hạn lên tới 1.960 tỉ đồng (chiếm 17,9% nợ phải thu); Tổng Công ty Mua bán nợ VN (DATC) 507,21 tỉ đồng; Tổng Công ty Máy Động lực, Máy Nông nghiệp (VEAM) công ty mẹ 440,35 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam 88 tỉ đồng.
Một số doanh nghiệp có nợ khó đòi lớn, những khoản nợ này khó có khả năng thu hồi. Điển hình là TCT Thép Việt Nam có Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên có nợ khó đòi lên đến 594,87 tỉ đồng (chiếm 93% nợ phải thu),VEAM là 293 tỉ đồng (chiếm 18,87%); Tổng Công ty Thực phẩm Đồng Nai (DOFICO) cũng có 126 tỉ đồng nợ khó đòi (chiếm 22%).
Nhiều doanh nghiệp có vốn góp của các TCT kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Trong đó có những công ty vốn chủ sở hữu âm như tại Công ty Nạo vét và Xây dựng đường thủy I (công ty con của TCT Xây dựng Đường Thủy) âm 217,9 tỉ đồng; Công ty cổ phần Thép tấm miền Nam (công ty con của TCT Thép Việt Nam) âm vốn 11,33 tỉ đồng.
Một số công ty có lỗ lũy kế lớn hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu như Công ty cổ phần Vật liệu Tự dính Việt Nam (TCT Công nghiệp In - Bao bì Liksin) lỗ lũy kế 488 tỉ đồng (vốn 252,6 tỉ đồng); Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) có hai công ty con có lỗ lũy kế hơn cả vốn chủ sở hữu là Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn lỗ 355,12 tỉ đồng (vốn 88 tỉ đồng), Công ty cổ phần XNK Tổng hợp và Đầu tư TP.HCM 197,53 tỉ đồng (vốn 30 tỉ đồng). Còn DOFICO cũng có hai công ty lỗ nặng là Công ty cổ phần Bóng đá Đồng Nai 61,87 tỉ đồng (vốn 20 tỉ đồng), Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai 30,81 tỉ đồng (vốn 18 tỉ đồng).
Ngoài ra cũng có một số doanh nghiệp lỗ lũy kế lớn, chủ yếu là các doanh nghiệp lĩnh vực xi măng, xây dựng, giao thông vận tải...
Báo cáo cũng điểm danh các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể, như Tổng Công ty Cơ khí Giao thông (SAMCO) có công ty con là Công ty Vận tải Sông Sài Gòn có quyết định phá sản, Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn lỗ mất vốn đang làm thủ tục giải thể; SATRA có Công ty SATRA - USA tại Hoa Kỳ ngừng hoạt động; DATC có 3 công ty nằm trong nhóm này là Công ty cổ phần Kiveco Kiên Giang, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Sông Hồng, Công ty cổ phần Xi măng Bắc Kạn - DATC.
Tư Hoàng
tbktsg
|