"Ông lớn" bất động sản kiếm tiền ra sao trong quý 1?
Hơn 80% lợi nhuận quý 1/2015 ngành bất động sản niêm yết thuộc về nhóm doanh nghiệp có vốn trên ngàn tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh căn hộ và khu công nghiệp tiếp tục gây ấn tượng mạnh.
Hầu hết 17 doanh nghiệp bất động sản có vốn trên ngàn tỷ đang niêm yết đều có lãi trong quý 1/2015. Các đơn vị này mang về gần 935 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chiếm hơn 80% tổng lợi nhuận toàn ngành này trên sàn chứng khoán.
Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) tiếp tục thể hiện vai trò “đầu tàu” trong ngành khi có lợi nhuận cao nhất, chiếm 38% tổng lợi nhuận toàn ngành. Trong quý 1, hoạt động kinh doanh của tất cả các thương hiệu Vinhomes, Vincom Retail, Vinpearl, Vinmec, VinMart đều đóng góp vào mức doanh thu chung của Tập đoàn. Doanh thu chuyển nhượng bất động sản chủ yếu từ việc bàn giao các căn hộ tại hai dự án Times City và Royal City ghi nhận 4,285 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 67% tổng doanh thu quý. Doanh thu cho thuê TTTM/Văn phòng đạt 514 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8% tổng doanh thu quý; doanh thu kinh doanh khách sạn, du lịch và vui chơi giải trí đạt 638 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 10% tổng doanh thu quý.
Xét về tương đối, Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR), Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) và Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) là 3 doanh nghiệp đứng đầu về mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng lần lượt gấp 100 lần, 24 lần và 12 lần.
Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp BĐS có vốn trên nghìn tỷ trong quý 1
Việc ghi nhận doanh thu từ phát triển căn hộ đã mang lại một bức tranh lợi nhuận ấn tượng cho PDR, HQC và cả NLG.
PDR nổi bật với mức tăng trưởng cả trăm lần cùng kỳ, lãi ròng quý 1/2015 đạt gần 25 tỷ đồng, chủ yếu tiếp tục ghi nhận doanh thu từ 2 dự án lớn là The EverRich 2 và 3. Song, con số này so với kế hoạch cả năm 2015 thì PDR chỉ mới thực hiện hơn 10%. Được biết, trong năm 2015, dự án EverRich 3 (75 đất nền) và hơn 100 căn hộ còn lại của Block C, dự án EverRich 2 được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu chủ lực cho PDR.
Còn với HQC, việc ghi nhận và bàn giao các căn hộ dự án HQC Plaza mang lại doanh thu và lãi ròng trong kỳ đạt 257 và gần 31 tỷ đồng, lần lượt gấp 71 và 24 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2015, HQC mạnh tay đề kế hoạch doanh thu hơn 3,220 đồng, dựa trên các dự án như HQC Plaza, HQC Hóc Môn, Cao ốc HQC Royal Tower, Grandora Tower… Thông tin từ HQC cho biết, tính đến 19/05, dự án HQC Plaza đã bán được hơn 1,460 căn hộ và giải ngân cho 404 khách hàng; dự án HQC Hóc Môn đã bán 249 căn và đang hoàn thiện tầng 9; cao ốc Royal Tower cũng sắp đưa vào vận hành cho thuê…
Hay như trường hợp của Tập đoàn Nam Long (HOSE: NLG), công ty đã không còn thua lỗ trong quý 1 như những năm trước đây. Thay vào đó, việc bàn giao căn hộ EHome (chiếm 80% doanh thu) thuộc dự án EHome 3, 4 và 5 lần lượt đạt 65, 27 và 49 tỷ đồng giúp NLG ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 34 tỷ đồng, vượt trội hoàn toàn so với con số lỗ trong cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, cũng phải kể đến những ông lớn khác cũng tăng trưởng tốt trong quý 1 như KDH, DXM, ASM, FLC, KBC, ITA. Trong đó, KBC và ITA là hai đại diện cho phân khúc khu công nghiệp khi nguồn thu chủ lực từ khu công nghiệp được nhìn thấy từ hơn một năm trở lại đây. Nguồn thu của KBC và ITA chủ yếu từ cho thuê/bán đất và cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp.
Hụt nguồn thu trong quý 1
Bên cạnh những doanh nghiệp khởi sắc trên thì vẫn còn những ông lớn khác vẫn vất vả trong việc ghi nhận nguồn thu trong quý đầu năm. Với Sacomreal (HNX: SCR), doanh thu quý 1 chỉ gần 31 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán bất động sản chưa đầy 20 tỷ đồng. Lãi ròng SCR theo đó chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước.
Kể từ đầu năm, SCR đã chính thức công bố mở bán 1,290 căn hộ thuộc dự án Jamona Apartment tại quận 7 và 224 căn hộ dự án Carillon 2 quận Tân Phú. Dự kiến trong tháng 5, SCR cũng sẽ triển khai thêm dự án Carillon3 và Jamona Riverside. Đây đều là những dự án mà SCR kỳ vọng sẽ mang về doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2015 lần lượt 754.7 tỷ và 70.9 tỷ đồng.
Còn như Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG), doanh thu quý 1 cũng chỉ hơn 43 tỷ đồng, lãi ròng chỉ quanh ngưỡng 600 triệu đồng, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch, các dự án của QCG như NOXH Quốc Cường Gia Lai hay Sài Gòn Plaza sẽ bàn giao nhà từ quý 4/2015.
Còn tệ hơn cả hai trường hợp trên, Petroland (HOSE: PTL) vẫn rất “đau đầu” trong việc tìm kiếm nguồn thu trong thời gian qua khi các dự án đều đang dở dang. Riêng quý 1 này, PTL chỉ ghi nhận doanh thu vỏn vẹn gần 8 tỷ đồng, không đủ để bù đắp được khoản chi phí trong kỳ. Do đó, PTL tiếp tục lỗ hơn 15 tỷ đồng. Hiện PTL đang có kế hoạch bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới như thi công công trình xây dựng và giao thông; thi công hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cảng biển, cảng sông; kinh doanh máy móc phục vụ trong ngành dầu khí, kinh doanh xăng dầu và sản phẩm dầu khí khác.
Cũng là doanh nghiệp thua lỗ như PTL nhưng CTCP KD & PT Bình Dương (HOSE: TDC) thì khả quan hơn khi doanh thu quý 1 đạt hơn 233 tỷ đồng, gấp 3 lần so cùng kỳ năm trước; mức lỗ cũng được kéo giảm khi ghi nhận âm 15 tỷ đồng.
Nhìn chung, doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã có được những bước chuyển biến tích cực hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước khi chỉ có 8 doanh nghiệp báo lỗ, trong đó cao nhất cũng chỉ lỗ hơn 15 tỷ đồng. Điểm nổi bật chính là nhiều dự án đã được tái khởi động và tung ra thị trường mà đi đầu là đến từ các doanh nghiệp vốn lớn.
|
Sanh Tín
|