Thứ Sáu, 15/05/2015 13:54

"Chặt khúc" quốc lộ bán vé: Ma trận thu phí, doanh nghiệp kêu trời

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đang trong tình trạng các trạm thu phí bủa vây như... ma trận. Riêng tại 4 tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TPHCM có đến 32 trạm thu phí. Doanh nghiệp “khóc ròng”, vì ra đường là đóng tiền. Giá cước vận tải gia tăng, gánh nặng này lại bổ đều xuống toàn xã hội.

Trạm thu phí cầu Đồng Nai vừa đưa vào sử dụng cũng là trạm có mức phí cao ngất ngưởng, khiến nhiều DN kêu trời. Ảnh: C.H

Mật độ dày đặc

Mật độ trạm thu phí (TTP) ở đoạn đường ĐT 16, từ ngã ba Tân Vạn (giáp ranh 3 tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM) về huyện Tân Uyên (Bình Dương) có thể nói là dày đặc nhất nước. Chỉ với hơn 5km đường, nhưng có tới 5 TTP, bình quân 1km/TTP. Người điều khiển phương tiện vừa nộp phí tại trạm đầu tiên, do Cty CP đầu tư - phát triển Cường Thuận Idico (CTI) quản lý, thì khoảng 1km nữa đã gặp TTP thứ 2, cũng của Cường Thuận Idico.

Chưa hết, vừa qua vòng xoay cầu Hóa An để sang nhánh đường trước mặt, chỉ cách TTP bên kia vòng xoay khoảng 200m, lại thêm TTP thứ 3, cũng của Cường Thuận Idico. Chừng 1km tiếp theo, sang địa phận huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, lại mọc lên một TTP thứ tư, do Cty CP lâm sản - xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Dương quản lý. Tiếp hơn 1km nữa, là TTP thứ 5, cũng của DN này.

Anh Huỳnh Ngọc Hiếu - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Thuận An - nói: “Tôi từng dở khóc dở mếu khi đi trên đoạn đường dày đặc TTP này. Từ Bà Rịa - Vũng Tàu về TP.Thủ Dầu Một, tôi đã phải nộp 10 lần tiền phí tại 5 TTP liền kề khác thường này (2 lượt đi-về, tổng cộng 150.000 đồng). Cộng thêm 6 lần nộp phí nữa tại 3 TTP cầu Đồng Nai và QL 51, tốn kém 250.000 đồng. Tốn tiền một phần, nhưng vô cùng bực bội vì lưu thông giật cục. Biết kêu ai?”.

Thông tư số 70, do Bộ Tài chính (ban hành ngày 7.9.2004, về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cầu, đường bộ) đã quy định rõ về khoảng cách giữa 2 TTP trên cùng tuyến đường, tối thiểu phải là 70km. Thế nhưng, ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quy định trên hoàn toàn không được tuân thủ. 

Ở Bình Phước, đoạn đường QL13 qua tỉnh này dài khoảng 32km, nhưng có tới 2 dự án đường BOT. Bất kỳ xe nào, sau khi vừa nộp phí tại TTP của dự án Tham Rớt - Bình Long, sang đường BOT của dự án An Lộc - Chiu Riêu, lại phải nộp phí.

Hay như đường ĐT 741 từ TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) lên thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) có độ dài khoảng 68km, nhưng mọc lên tới… 3 TTP. Không chỉ bất cập về mật độ phân bổ TTP, những bất cập về giá phí, cách quản lý của các TTP cũng… rối bời.

Anh Trần Phú (Cty TNHH vận tải Thành Công - Bình Phước) nói: “Cùng tuyến đường, nhưng giá phí thay đổi chóng mặt. Ví dụ TTP của Cty Becamex ở Bình Dương thu 15.000 đồng/lượt, với chất lượng đường rất tốt. Song, qua địa bàn Bình Phước, chất lượng đường kém hơn, nhưng giá phí… 20.000 đồng/lượt. Tại TTP Tân Lập trên đường ĐT 741, giá phí trước đây chỉ 10.000 đồng/lượt, vì đường không tốt bằng đường của Becamex, thì cách đây 1 tháng, giá đã tăng lên 15.000 đồng/lượt”.

Doanh nghiệp kêu trời

Anh Nguyễn Văn Tài - chủ DN cho thuê xe du lịch ở quận 12, TPHCM - cho biết: “Trước tình trạng vô số TTP bủa vây khắp các nẻo đường, chúng tôi chạy xe không lãi, thậm chí còn lỗ. Từ TPHCM đi Vũng Tàu, có 110km, nhưng xe phải qua 4 TTP, riêng tiền phí đã hết 160.000 đồng”.

Anh Phạm Thế Hùng - GĐ Cty TNHH vận tải Sao Việt (TPHCM) kể chi tiết: “Một xe tải trên 10 tấn chở hàng cho khách từ Dĩ An (Bình Dương) về huyện Long Thành (Đồng Nai), đoạn đường chỉ 30km, nhưng phải qua 4 TTP. Trạm Bình Thung (20.000 đồng/lượt), trạm Bình Thắng (15.000 đồng/lượt); đắt đỏ hơn là trạm cầu Đồng Nai (60.000 đồng/lượt) và cuối cùng là trạm Tam Phước - Đồng Nai (80.000 đồng/lượt). Tổng cộng 175.000đ tiền phí cho đoạn đường 30km và 350.000đ cho 2 lượt đi - về”. 

Tình cảnh đối với các xe vận tải tuyến TPHCM đi huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cũng thê thảm không kém, khi đoạn đường dài có 40km, nhưng có tới 3 TTP.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - GĐ Cty TNHH ôtô tải Thành Công (TPHCM) - thở than: “TTP bủa vây đã tác động rất xấu đến sự phát triển, tính cạnh tranh của nhiều DN. Từ cảng Cát Lái về Long An, xe container của tôi chở hàng với giá thành khoảng 3 triệu đồng. Thế nhưng, xe phải qua 3 TTP, với mức phí nộp cả đi - về hết 950.000 đồng (tỉ lệ 30% giá cước vận chuyển)”.

Ông Lương Hoàng Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - nói: “Quy định nhà nước chỉ cho phép thu phí một lần trên một tuyến đường cùng một dự án BOT. Tuy nhiên trên thực tế, người ta đã lập khá nhiều TTP trên một tuyến đường, nhằm thu phí các xe rẽ ngang từ nhánh khác vào đường mà không qua TTP phía trước. Chính các nhập nhèm này đã dẫn đến rất nhiều người không biết, phải nộp phí oan uổng 2-3 lần phí trên cùng tuyến đường của một dự án”.

Ông Phan Kế Lợi - Phó Tổng GĐ Cty CP đầu tư Thái Bình (Bình Dương) - thẳng thắn: “Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng phải rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại toàn bộ hoạt động của các TTP trên cả nước - nhất là với các tỉnh, thành Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, nơi có lưu lượng xe vận tải người và hàng hóa đông đúc nhất nước”.

Tổ PV điều tra

Lao động

 

Các tin tức khác

>   Vinalines sắp có “cửa hồi sinh” sáng sủa? (15/05/2015)

>   Tổng giám đốc PVN tiết lộ nhiều đơn vị sụt doanh thu (04/03/2016)

>   Quốc hội Việt Nam thảo luận về FTA với Nghị viện châu Âu (15/05/2015)

>   Nhập siêu 4 tháng còn trên 2 tỷ USD (15/05/2015)

>   Kiểm soát chặt chẽ mặt đường Hồ Chí Minh và dự án Quốc lộ 1 (15/05/2015)

>   Quản lý giá sữa: Thiếu thông tin, chuyển giá vẫn chỉ là… nghi vấn? (14/05/2015)

>   Trung Nguyên và Ministop chia tay (14/05/2015)

>   Việt Nam-Ai Cập tăng cường xúc tiến thương mại song phương (14/05/2015)

>   Kinh tế cửa khẩu “hấp hối” (14/05/2015)

>   Viettel sẽ thu hồi 80% vốn đầu tư ra nước ngoài trong năm 2015 (14/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật