Thứ Năm, 14/05/2015 13:36

Trung Nguyên và Ministop chia tay

Kế hoạch phát triển 500 cửa hàng tiện lợi Ministop rộng khắp cả nước giữa Công ty G7 (thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên) và Công ty TNHH Ministop (thành viên của tập đoàn Aeon - Nhật Bản) đã chính thức dừng lại từ cách nay vài tháng. Mới đây, Ministop đã cùng đối tác mới của mình là tập đoàn Sojitz ra thông báo hợp tác phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop mới ở thị trường Việt Nam.

Cửa hàng đầu tiên giữa G7 và Ministop được khai trương cuối năm 2011 và hiện đang được sửa lại. Ảnh: Quốc Hùng

G7 rút khỏi Ministop

Theo thông báo của Sojitz và Ministop công bố hồi cuối tháng 4 vừa qua, vào cuối năm 2011, Ministop đã bắt đầu mở một số cửa hàng đầu tiên của mình ở thị trường Việt Nam dựa trên một thỏa thuận nhượng quyền thương mại với G7. Tuy nhiên, Ministop giờ đây đã chấm dứt hợp đồng với G7, đồng thời tiến hành một thỏa thuận nhượng quyền mới với Ministop Việt Nam - một nhánh hoạt động của tập đoàn ở Việt Nam được thành lập gần đây bằng nguồn vốn trong nước, để tiếp tục mở rộng và phát triển kinh doanh.

Thông báo này đồng nghĩa với việc G7 không còn hợp tác với Ministop. Một nguồn tin từng làm việc trong chuỗi Ministop cũng khẳng định với TBKTSG rằng G7 hiện đã không còn tham gia hợp tác với họ. Phía Trung Nguyên cũng xác nhận điều này. Bà Võ Thị Hà Giang, Phó giám đốc truyền thông của Trung Nguyên, lý giải việc G7 không hợp tác với Ministop nữa là do Trung Nguyên muốn tập trung vào kinh doanh cà phê - thế mạnh và năng lực lõi của công ty. Có thể thấy tham vọng về việc phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi ở các thành phố lớn giữa Trung Nguyên và Ministop đặt ra cách đây gần năm năm giờ đã không còn. Tuy nhiên, theo bà Giang, Trung Nguyên vẫn duy trì chuỗi cửa hàng riêng nhưng sẽ chỉ tập trung vào mô hình quán cà phê và cửa hàng chuyên doanh cà phê.

Mục tiêu 500, chỉ được 17

Trước đây, vào lúc Trung Nguyên công bố việc ký hợp tác với Ministop, nhiều người cho rằng đây là cơ hội “giải cứu” chuỗi cửa hàng G7 Mart đang kinh doanh thất bại ở thời điểm đó. Tại một buổi họp báo hồi năm 2010, lãnh đạo G7 cho biết hai bên sẽ thành lập liên doanh, trong đó G7 chiếm 75% cổ phần và Ministop đóng góp 25%, với số vốn ban đầu trên 10 triệu đô la Mỹ, mục tiêu phát triển 500 cửa hàng trong vòng năm năm.

Tuy nhiên, đây là con số mà nhiều người cho là “quá tham vọng”. Bởi lẽ một số chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đã có mặt ở Việt Nam sớm hơn còn chưa đặt ra mục tiêu cao như vậy do việc tìm địa điểm ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM là rất khó khăn, giá thuê đắt đỏ. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen mua hàng ở các cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Trước sự hoài nghi của nhiều người, G7 khi đó đã “chứng minh” liên doanh có thể thực hiện mục tiêu đặt ra vì ngoài việc phát triển các cửa hàng mới họ còn có sẵn 460 điểm bán G7 Mart có thể tăng cường đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó, đối tác của G7 là tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính và nhiều kinh nghiệm, đã thành công ở Nhật Bản và một số nước khác. Liên doanh này cho rằng họ có thể thu hút khách bằng mô hình “lạ” so với những đối thủ chỉ thuần bán hàng tạp hóa. Ministop là sự kết hợp giữa bán thức ăn nhanh và bán hàng tạp hóa.

Tuy nhiên từ tham vọng đến thực tế là một quãng đường xa. Theo kế hoạch, cửa hàng Ministop đầu tiên sẽ khai trương vào tháng 5-2011, nhưng đã bị trì hoãn đến cuối năm 2011. Những năm sau đó, trong lúc các đối thủ như Circle K, Family Mart, Shop & Go, B’s mart... tăng tốc phát triển chuỗi cửa hàng thì người tiêu dùng vẫn khó tìm được các cửa hàng Ministop ở các tỉnh thành. Thực tế là sau gần năm năm hợp tác, chuỗi cửa hàng Ministop chỉ dừng lại ở 17 điểm bán. Cho đến nay, “mô hình lạ” của Ministop đã được hầu hết các cửa hàng 24h khác áp dụng.

Giới quan sát cho rằng có khả năng hàng trăm cửa hàng của G7 Mart chưa thật sự phù hợp với điều kiện mà Ministop đề ra. Mặt khác, đa số đây là những điểm kinh doanh do G7 “nâng cấp” từ các cửa hàng tạp hóa truyền thống thông qua việc nhượng quyền kinh doanh, chứ không phải do chính G7 đầu tư.

Xem chi tiết tại đây...

Quốc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Việt Nam-Ai Cập tăng cường xúc tiến thương mại song phương (14/05/2015)

>   Kinh tế cửa khẩu “hấp hối” (14/05/2015)

>   Viettel sẽ thu hồi 80% vốn đầu tư ra nước ngoài trong năm 2015 (14/05/2015)

>   Ôtô 100 triệu: Rẻ nhất thế giới khó sống ở Việt Nam? (14/05/2015)

>   Tháng 5 sẽ có quyết định chính thức chuyển VTC về VOV (14/05/2015)

>   Doanh nghiệp làng nghề “ngơ ngác” trước hội nhập (14/05/2015)

>   Giá ô tô nhập khẩu tại VN có thể tăng hơn 10%? (14/05/2015)

>   Nhượng quyền khai thác sân bay: Các bộ, ngành còn băn khoăn (14/05/2015)

>   Tỷ trọng ô tô nhập khẩu tiêu thụ vẫn thấp hơn 2009 (13/05/2015)

>   XK rau quả: Điểm sáng trong khó khăn gay gắt (05/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật