Kinh tế cửa khẩu “hấp hối”
Lỗ lã, bỏ không mặt bằng, doanh nghiệp tại các khu thương mại, khu kinh tế cửa khẩu đang bị thiệt hại nặng nề.
Các khu thương mại, khu kinh tế cửa khẩu đang thoi thóp chờ… chết. Hàng trăm doanh nghiệp (DN) đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, hàng ngàn hộ kinh doanh và hàng vạn người dân bị ảnh hưởng rất lớn.
Thời hoàng kim đã xa
Tuần qua, siêu thị miễn thuế G.C chính thức đóng cửa, làm dày thêm danh sách các nhà đầu tư “tháo chạy” khỏi Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Cả khu rộng mênh mông giờ chỉ còn loe hoe vài cửa hàng mở cửa nhằm bán tháo hàng tồn nhưng không có khách mua.
Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Khu Kinh tế Lao Bảo; huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cũng bi đát tương tự. Ra đời hơn 15 năm trước, nơi đây từng tấp nập lượng hàng hóa vào ra nhưng giờ rất đìu hiu.
Đi quanh Khu Kinh tế Lao Bảo dễ bắt gặp những căn nhà từng là trụ sở kinh doanh, buôn bán của các công ty lớn cửa đóng then cài, cơ sở vật chất xuống cấp. Hàng loạt dự án như Hào Quang Center, Duy Phát, Rồng Á Châu Center… dang dở sau một thời gian ngưng thi công.
Hầu hết doanh nghiệp tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã đóng cửa, hiện chỉ còn hơn 10 gian hàng kinh doanh nhưng rơi vào tình cảnh... nhân viên đông hơn khách. Ảnh: Lê Phong
|
Siêu thị miễn thuế Mukdahan hay Thiên Niên Kỷ, Trung tâm Thương mại Lao Bảo… hơn một năm trước là nơi tập trung khá đông du khách, người dân vào ra mua bán hàng hóa. Các mặt hàng miễn thuế được bày bán khá nhiều, từ áo quần, hàng điện tử đến các loại bia, rượu, nước giải khát.
Sau Tết Nguyên đán 2015 đến nay, trở lại khu buôn bán một thời sầm uất này, nhiều du khách ngỡ ngàng bởi cảnh đìu hiu, nghèo nàn mặt hàng. Phần lớn diện tích siêu thị Mukdahan đã trở thành trung tâm tiệc cưới và nơi bán cơm cho các tour du lịch, chỉ chừa góc nhỏ bán những mặt hàng tồn. Siêu thị miễn thuế Thiên Niên Kỷ đóng cửa, trung tâm thương mại chẳng còn mấy ai mặn mà buôn bán.
Khu Thương mại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) rộng hơn 10 ha với tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng, đưa vào hoạt động từ năm 2009 cũng rơi vào tình cảnh bi đát. Trước đây, mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách du lịch đến mua sắm, doanh số bán hàng của các DN bình quân không dưới 1 tỉ đồng/ngày.
Chỉ tính riêng năm 2012, khu thương mại này đón hơn 1,8 triệu lượt khách đến mua sắm hàng miễn thuế với tổng doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng. Thế nhưng, khu thương mại hoành tráng ngày nào với 42 DN kinh doanh hơn 200 gian hàng, nay chỉ còn lèo tèo vài gian bán lẻ quần áo, hàng tiêu dùng lặt vặt.
Ông Lâm Thế Giới, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, cho biết đến cuối tháng 4, có thêm nhiều DN gửi đơn xin chấm dứt hoạt động, chỉ còn vài gian hàng của 4 DN bán nhỏ lẻ nhằm giải quyết hàng tồn đọng. “Với tình hình này thì chắc chắn trong thời gian ngắn, tất cả DN còn lại cũng sẽ đóng cửa” - ông Giới lo lắng.
Doanh nghiệp thiệt hại nặng
Chấp nhận đóng cửa trong khi vẫn còn thời hạn thuê mặt bằng, hầu hết DN còn phải gánh thêm khoảng thiệt hại không nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH CCS Mukdahan kiêm Chủ tịch Hội DN Khu Kinh tế Lao Bảo, trần tình: “Cả khu kinh tế này, DN đóng cửa gần hết. Chúng tôi rời thành phố, vay ngân hàng lên đây đầu tư kinh doanh nhưng giờ các mặt hàng không được miễn thuế, giá cả đắt đỏ thì ai mà lên Lao Bảo mua hàng. Theo nguyên tắc thì việc kinh doanh nhà hàng tiệc cưới là sai nhưng chúng tôi buộc phải chuyển đổi để duy trì hoạt động và trả nợ ngân hàng”.
Ông Nguyễn Đức Hào, Giám đốc Công ty TNHH Hào Quang (Khu Kinh tế Lao Bảo), cũng cho biết công ty đang quá khó khăn, phải hoạt động cầm chừng để trả lương cho 20 lao động nhưng không thể tuyên bố phá sản vì còn vướng khoản nợ hàng chục tỉ đồng ở ngân hàng.
Tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, hầu hết DN lớn đã đóng cửa. Một chủ DN đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây 2 siêu thị lớn và hơn 100 ki-ốt cho thuê lại bức xúc: “Càng kinh doanh càng lỗ vì nhóm hàng nào cũng ế ẩm. Các ki-ốt thì không ai thuê nên phải bỏ hoang. Trước đây, chúng tôi được trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, không ngờ chỉ vài năm lại rơi vào tình cảnh khó khăn này. Vốn chôn vào đó mà không đem lại lợi nhuận thì làm sao DN tồn tại được”.
Quy hoạch 26 khu kinh tế cửa khẩu
Theo Quyết định số 1531/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, cả nước quy hoạch 26 khu kinh tế cửa khẩu. Quyết định 1531 đặt ra mục tiêu xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu tại các khu vực biên giới theo hướng hiện đại, đồng bộ, trở thành những vùng kinh tế động lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số khu kinh tế cửa khẩu hoạt động có hiệu quả cao.
Nhập hàng tiểu ngạch về bán
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội DN Khu Kinh tế Lao Bảo, cho hay 90% trong tổng số 425 DN ở khu kinh tế Lao Bảo đã đóng cửa. Một số DN buộc phải nhập hàng tiểu ngạch, không bảo đảm chất lượng từ những kho hàng lậu ở dọc sông Sê Pôn (Lào) về kinh doanh. Tại khu kinh tế này chỉ còn vài gian hàng hoạt động nhưng hàng hóa bị thẩm lậu rất khó kiểm soát về chất lượng.
|
Kỳ tới: Kêu cứu trong tuyệt vọng
Thanh Nhân - Quang Nhật - Thốt Nốt
người lao động
|