Biên lãi gộp DN thủy sản giảm 20% do VND định giá cao
“VND có xu hướng lên giá trong giai đoạn 2011 – 2014 và đang được định giá cao 7-11%. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sử dụng đầu vào trong nước như nông nghiệp, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và khai khoáng. Đây là những ngành tạo việc làm và tiến bộ năng suất của nền kinh tế”.
Đây là khẳng định của Nhóm nghiên cứu VEPR trình bày trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 được công bố sáng ngày 28/05.
Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 được tổ chức tại Hà Nội sáng 28/05.
|
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù bối cảnh vĩ mô trong nước đang dần ổn định, lạm phát đang trên đà giảm, trong khi bối cảnh thế giới cũng có nhiều thuận lợi xuất phát từ các gói cứu trợ kinh tế của Mỹ và khu vực Euro khiến đồng USD và EUR giảm, tuy nhiên tỷ giá thực hữu hiệu (REER) của Việt Nam vẫn liên tục tăng kể từ năm 2011 đến nay. Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu chỉ ra là do tốc độ điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa qua các năm của Việt Nam ở mức thấp (2-3%/năm).
Nếu lấy năm 2012 làm gốc, VND đang bị định giá cao 14.5% và sau khi hiệu chỉnh quy mô thương mại phi chính thức với Trung Quốc thì VND đang được định giá cao hơn 13%. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, ngoại trừ Philipines, Việt Nam là nước duy nhất có đồng nội tệ được định giá cao trong giai đoạn 2012-2013.
Đặc biệt, tỷ giá thực có xu hướng tăng nhanh từ quý 2/2014 do chương trình Nới lỏng định lượng của Mỹ - QE kết thúc khiến đồng USD tăng giá mạnh, việc neo tỷ giá với đồng USD sẽ khiến đồng VND tăng giá.
Tỷ giá thực cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những ngành thâm dụng lao động, trong khi những ngành thâm dụng vốn sẽ là những ngành hưởng lợi. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 5 ngành bị tác động tiêu cực từ việc VND bị định giá cao là nông nghiệp, khai khoáng, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và công nghiệp nặng. Trong khi, nhóm ngành được hưởng lợi là ngành công nghiệp chế tạo thâm dụng vốn và ngành dịch vụ.
Theo những phân tích này, công nghiệp nhẹ là ngành thâm dụng lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tỷ giá thiếu sức cạnh tranh. Nếu VND định giá cao 10%, sản lượng sẽ giảm 7.6% và xuất khẩu giảm 11.6%. Ở chiều ngược lại, công nghiệp thâm dụng vốn sẽ được hưởng lợi nhờ đầu vào nhập khẩu giảm, kim ngạch nhập khẩu tăng lên 33% nếu VND được định giá cao hơn 10%.
Ảnh hưởng của độ lệch tỷ giá đến các ngành
|
Lấy ví dụ về nhóm các doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, biên lãi gộp của ngành này tương quan chặt chẽ với diễn biến tỷ giá. Tỷ lệ lãi gộp trên doanh thu giảm từ 15% năm 2011 xuống còn 12% trong năm 2014, tương đương với mức giảm 20% kể từ 2011 đến nay.
Tỷ lệ lãi gộp chỉ có 12% đối với ngành sản xuất có tỷ lệ vòng quay doanh thu thấp sẽ khiến các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn.
Do vậy, nhóm nghiên cứu đã có những kiến nghị về việc cần xây dựng một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỷ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu tiến về mức tỷ giá cân bằng. Và mức điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa nên lớn hơn khoảng cách giữa lạm phát của Việt Nam và thế giới.
Minh Tuấn
|