Chủ Nhật, 31/05/2015 10:45

Áp lực cân đối ngân sách

Kết quả thu, chi NSNN những tháng đầu năm 2015 cho thấy cân đối NSNN đã có những bước thuận lợi khi tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng kinh tế so với cùng kỳ đạt khá.

Chính phủ cần rà soát và sớm có phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn trong cân đối ngân sách cho các địa phương, cũng như chủ động trong điều hành NSNN. Ảnh: HỮU LINH.

Tuy nhiên, diễn biến bất thường của giá dầu thô, tình hình huy động vốn khó khăn… khiến cân đối ngân sách vẫn đứng trước nhiều khó khăn.

Thu khả quan, bù đắp hụt thu do giá dầu giảm

Qua điều hành công tác tài chính- ngân sách 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho rằng, các nhiệm vụ chi ngân sách những tháng đầu năm được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách; thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ đến hạn và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội.

Tín hiệu đáng mừng đầu tiên từ công tác thu NSNN đó là các khoản thu trực tiếp từ sản xuất- kinh doanh tiến độ thu tương đối đồng đều và khả quan, phản ánh sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế. Thu từ khu vực DNNN đạt 35,5% dự toán, tăng 13,8% so cùng kỳ; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 39,5% dự toán, tăng 12,1% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,5% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ. Tổng hợp thu cân đối ngân sách 4 tháng đạt 314,15 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thu nội địa đạt 37,4% dự toán, tăng 17% so cùng kỳ năm 2014 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 14,5%). Ước tính có 49 địa phương thu đạt trên mức bình quân chung (33% dự toán) và 55 địa phương thu cao hơn cùng kỳ năm 2014.

So với cùng kỳ một số năm gần đây, tiến độ thu NSNN 4 tháng năm nay đạt khá, nhờ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định; hoạt động sản xuất- kinh doanh trong nước duy trì được đà phục hồi tốt; DN có dấu hiệu phát triển; hoạt động XNK vẫn duy trì được đà tăng trưởng, kim ngạch NK một số mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao tăng khá... đã góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách, bù đắp ảnh hưởng tiêu cực do giá dầu thô giảm.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, cũng đã phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, đáng chú ý là diễn biến giá dầu thô thế giới từ đầu năm 2015 đến nay vẫn rất phức tạp, tăng- giảm đan xen. Giá dầu thô tuy đã tạm ổn định và phục hồi trong thời gian gần đây, nhưng xu hướng trong thời gian tới vẫn rất khó dự báo, tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2015. Theo tính toán, trường hợp giá dầu bình quân đạt từ 50 USD/thùng trở lên thì thu NSNN cơ bản đạt dự toán, cân đối NSNN được đảm bảo. Trường hợp giá dầu bình quân giảm dưới 50 USD/thùng, NSNN sẽ hụt thu, ảnh hưởng đến cân đối NSNN.

Phải đảm bảo an toàn trong cân đối ngân sách

Trong báo cáo mới đây trình Quốc hội, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đánh giá cao nỗ lực trong công tác thu ngân sách của cơ quan quản lý. Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban đã đánh giá cao các giải pháp tích cực trong những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ. Những kết quả ban đầu của việc thu, chi NSNN cho thấy cân đối NSNN đã có những bước thuận lợi khi tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng kinh tế so với cùng kỳ đạt khá.

Cũng theo Ủy ban này, trước diễn biến giá dầu thô trên thế giới biến động giảm (liên lục trong 4 tháng đầu năm) dẫn đến thu NSNN từ dầu thô giảm lớn, thuế NK đối với mặt hàng xăng dầu cũng chịu tác động làm giảm thu, đòi hỏi các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước phải tăng để bù đắp lại khoản hụt thu nêu trên. Mặt khác, tình hình huy động vốn đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ (TPCP) dự kiến trong các tháng cuối năm 2015 sẽ khó khăn hơn khi các tổ chức tín dụng tăng cho vay tín dụng đối với khu vực sản xuất- kinh doanh, có thể sẽ giảm mức đầu tư vào TPCP. Đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, cân đối NSNN vẫn đứng trước nhiều khó khăn, do đó cần đánh giá sâu sắc hơn các yếu tố tác động đến thu, chi NSNN như: Giá dầu thô, thuế XNK, thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…; đồng thời, theo dõi sát diễn biến trên thế giới và tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước để điều hành chính sách tài khóa thận trọng, bảo đảm tính chủ động, an toàn trong cân đối NSNN.

Nhiều thách thức đặt ra khi trên thực tế một số địa phương có thể bị hụt thu do thực hiện không thu thuế GTGT đối với các mặt hàng nông, lâm, thuỷ, hải sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi… Bên cạnh đó, tương tự các năm 2013, 2014, giải ngân vốn ODA của năm 2015 đang có xu hướng vượt dự toán khá cao. Điều này có thể dẫn tới số bội chi NSNN không giữ được mức trần đã được Quốc hội quyết định. Trước những thách thức nêu trên, Chính phủ cần rà soát, sớm có phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn trong cân đối ngân sách cho các địa phương cũng như chủ động trong điều hành NSNN, bảo đảm theo dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Trước bối cảnh có nhiều nền kinh tế trên thế giới theo dự báo sẽ có mức tăng trưởng thấp, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường quốc tế giảm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thu NSNN chịu ảnh hưởng bất lợi từ biến động giá dầu thế giới, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp chủ động trong điều hành NSNN. Trong đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.

Cùng với đó, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và thận trọng. Tăng cường kỷ luật tài chính, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và có biện pháp hữu hiệu huy động vốn TPCP theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo kế hoạch triển khai các dự án đầu tư đúng tiến độ. Đối với thu nội địa, cần phấn đấu tăng thu và các nguồn thu bền vững, đồng thời, theo sát những diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới để chủ động có những giải pháp điều hành phù hợp, bảo đảm hoàn thành dự toán thu NSNN đã được Quốc hội quyết định.

Được biết, trong các nhóm giải pháp đề ra từ nay đến cuối năm trong điều hành tài chính- ngân sách, Chính phủ tiếp tục tập trung sức tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất- kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu. Chính phủ cũng quyết tâm giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội..., phấn đấu năm 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của ASEAN 6. Đây có thể coi là giải pháp đột phá, trọng tâm được Chính phủ quyết tâm trong điều hành để cải thiện tình hình sản xuất- kinh doanh của DN, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu từ nội địa và xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù cho số giảm thu từ dầu thô, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2015. Trong chỉ đạo mới đây, Bộ Tài chính cho biết, sẽ không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế.

Thu đạt dự toán mới được sử dụng kinh phí “để dành”

“Đến tháng 8-2015, căn cứ tình hình kinh tế- NSNN, diễn biến giá dầu thô và đánh giá tác động của việc giá dầu giảm đến NSNN, trường hợp dự kiến thu NSTƯ năm 2015 đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, các nguồn kinh phí tạm giữ lại tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định.

Trường hợp dự kiến thu NSTƯ năm 2015 không đạt dự toán, sẽ cắt giảm các nguồn kinh phí tạm giữ lại của NSTƯ cho đến khi bù đắp được số giảm thu, theo trật tự: 50% dự phòng NSTƯ, 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm.

Đối với NSĐP, trường hợp dự kiến thu (không kể thu tiền sử dụng đất) đạt dự toán, các nguồn kinh phí tạm giữ lại tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định.

Trường hợp dự kiến thu (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán, thì sử dụng các nguồn kinh phí tạm giữ lại để bù đắp số giảm thu; nếu vẫn còn thiếu nguồn thì sử dụng thêm nguồn lực tài chính khác của địa phương (một phần quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN, kết dư NSĐP năm 2014,...), kết hợp với rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.... để đảm bảo cân đối NSĐP. NSTƯ xem xét tạm ứng nguồn đảm bảo cân đối NSĐP trong một số trường hợp cần thiết”.

(Trích báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội 2014-2015 của Chính phủ trình QH)


Minh Anh

Hải quan

Các tin tức khác

>   Dấu gì trên báo cáo ngân sách? (30/05/2015)

>   Lời giải cho bài toán bội chi (29/05/2015)

>   Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 (28/05/2015)

>   Chậm xử án gian lận thuế, mất cả ngàn tỷ (28/05/2015)

>   Tổng thu ngân sách Nhà nước đến tháng 5/2015 hơn 340 ngàn tỷ đồng (28/05/2015)

>   Siết kỷ luật ngân sách: Phải hành động cụ thể (28/05/2015)

>   Đề xuất ngành thuế, chứng khoán có quyền điều tra hình sự (27/05/2015)

>   Honda VN: Truy thu thuế 182 tỷ đồng không liên quan tới chuyển giá (24/05/2015)

>   Việt Nam nợ quá hạn nước ngoài hơn 310 triệu USD (23/05/2015)

>   Lãi vay cao hơn vì vị thế “quốc gia thu nhập trung bình thấp” (23/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật