Lời giải cho bài toán bội chi
Dự báo kém cũng là nguyên nhân bội chi ngân sách vượt chỉ tiêu.
Bội chi NSNN có xu hướng tăng cao và kéo dài trong nhiều năm qua đã tác động không nhỏ tới quy mô và tốc độ tăng nợ công cũng như việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Báo cáo kiểm toán NS được công bố với số bội chi NS năm 2013 là 6,6% GDP, lại một lần nữa đặt ra nỗi lo cho an ninh tài chính và làm sao giảm được bội chi.
Ảnh minh họa
|
Vì sao bội chi cao vượt mức?
Xem xét ở góc độ nguyên nhân, có thể nhìn thấy một khía cạnh khác ít được phân tích đến - bội chi cao là “hệ quả” của việc thực hiện những chính sách và các giải pháp có mục đích tốt. Đó là các chính sách: nuôi dưỡng nguồn thu, tăng chi cho an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tích cực giải quyết nợ đọng XDCB, khắc phục tình trạng giải ngân vốn ODA chậm, và thay đổi cơ cấu chi tiêu NSNN, tập trung vào các dự án trọng điểm. Nhưng bội chi cũng còn do dự báo chưa bám sát tình hình.
Chính sách nuôi dưỡng nguồn thu chính là chính sách giảm tỷ lệ động viên vào NSNN, miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế nhằm hỗ trợ thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Chủ trương và các chính sách này đã được thực hiện từ năm 2011. Gần đây, để tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế được ban hành đã mở rộng ưu đãi thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Việc thực hiện chủ trương và chính sách này đã làm giảm thu NS khoảng 85.000 tỷ đồng và làm giảm tỷ lệ động viên vào NSNN còn 23% GDP (trong đó tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 21% GDP), thấp hơn so với mục tiêu đặt ra (22-23% GDP).
Nguyên nhân thứ hai, là thay đổi cơ cấu chi tiêu NSNN, chỉ tập trung vào các dự án quan trọng quốc gia, các dự án mà khu vực tư nhân chưa thể và không muốn làm… Theo đó, mức vốn bố trí cho từng dự án đã được tăng lên (vốn bình quân một dự án đã tăng từ 9,5 tỷ đồng năm 2012 lên 10,7 tỷ đồng năm 2013 và 11,0 tỷ đồng năm 2014).
Bên cạnh đó, những năm gần đây tỷ lệ giải ngân vốn ODA tăng cao. Đây là sự chuyển biến tích cực nhưng cũng đã làm tăng chi đầu tư phát triển so với mức dự toán được Quốc hội phê duyệt và làm tăng mức vốn đối ứng trong nước.
Và một nguyên nhân quan trọng thứ ba đó là tỷ trọng chi cho con người trong tổng chi thường xuyên tăng thêm 6% so với giai đoạn trước.
Giai đoạn 2011-2015 NSNN đã dành trên 470.000 tỷ đồng cho 3 lần tăng lương tối thiểu, 2 lần tăng phụ cấp công vụ và gần đây là điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Chi cho an sinh xã hội cũng tăng do thực hiện các chính sách miễn giảm học phí, trợ cấp người tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; mở rộng đối tượng được nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, nâng mức đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở; hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lũ khu vực miền Trung…
Nguyên nhân thứ tư là tăng chi trả nợ và tăng mức đảo nợ. Chi trả nợ là hệ quả của việc thực hiện chính sách giảm tỷ lệ động viên và tăng quy mô các khoản chi NSNN. Việc đẩy mạnh khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB cũng làm tăng chi trả nợ của địa phương. Việc tăng mức đảo nợ trong những năm qua cũng làm tăng chi trả nợ (số đảo nợ năm 2012 là 20.000 tỷ đồng, năm 2013 là 40.000 tỷ đồng, năm 2014 là 77.000 tỷ đồng, 2015 ước 130.000 tỷ đồng).
Nhưng dự báo kém cũng là nguyên nhân quan trọng khiến bội chi cao vượt chỉ tiêu. Công tác dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chưa sát thực tế, chưa lường hết những tác động ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. GDP kế hoạch và GDP thực hiện chênh lệch quá lớn. GDP thực tế thấp hơn so với GDP kế hoạch cũng là nhân tố tác động làm ảnh hưởng tới các chỉ tiêu khi xây dựng kế hoạch tài chính - NS hàng năm, trong đó có chỉ tiêu về bội chi NSNN.
Tốc độ tăng thu, chi, bội chi NSNNvà tỷ lệ bội chi NSNN so GDP (%). (Nguồn: Bộ Tài chính)
|
Và lời giải cho bài toán giảm bội chi
Với những nguyên nhân tác động tới bội chi NSNN như trên cho thấy trong thời gian qua, mặc dù có những dấu hiệu tích cực trong điều chỉnh chính sách tài chính và quản lý tài chính ngân sách, nhưng diễn biến bức tranh tài khóa của Việt Nam cũng cho thấy không gian chính sách tài khóa hạn chế. Vì vậy, để vẫn đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm mức bội chi, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tập trung vào 5 trọng tâm sau:
Cơ cấu lại chi NSNN (bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên) trên cơ sở rà soát tổng thể các chính sách chi để cơ cấu lại và cắt giảm các khoản chi NSNN không hiệu quả. Đồng thời xây dựng và thực hiện khuôn khổ chi tiêu trung hạn; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu, không ban hành các chính sách mới làm tăng chi NS khi chưa có nguồn đảm bảo.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng việc xây dựng và thực hiện chương trình đầu tư trung hạn để phân bổ NSNN theo thứ tự ưu tiên, có tính dự báo được và góp phần thực hiện kỷ luật tài khóa.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nợ công và cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.
Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc điều chỉnh cơ chế giá dịch vụ sự nghiệp công cũng như cơ chế phân bổ ngân sách cho khu vực sự nghiệp công, tăng cường tính tự chủ của khu vực này để cơ cấu lại chi NSNN.
Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô làm cơ sở cho việc xây dựng và thực thi có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch tài chính- NSNN.
Bội chi ngân sách năm 2011 là 4,4% GDP, đã tăng lên 6,6 % năm 2013 và ước năm 2014 giữ ở mức Quốc hội quyết định là 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP kế hoạch, tương đương 5,69% GDP thực hiện.
|
TS.Vũ Nhữ Thăng - Viện Chiến lược và chính sách tài chính
Thời báo ngân hàng
|