Thứ Bảy, 16/05/2015 09:33

7.000 tỷ cho một con tem: DN than trời

Bỗng dưng, ngành bia bị đội chi phí lên 7.000 tỷ đồng vì quy định dán tem như đề xuất của Bộ Công Thương trong đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia”. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc, bởi trên thực tế, dán tem không mang lại nhiều tác dụng.

Mỗi chai bia “cõng” thêm 650-700 đồng nếu dán tem

Tại buổi tọa đàm “Quy hoạch và Công tác quản lý ngành bia Việt Nam”, diễn ra ngày 14/5, đại diện Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam cho rằng, để triển khai việc dán tem bia, các doanh nghiệp phải chi thêm nhiều tiền để đầu tư thiết bị, mua tem, quản lý, bảo dưỡng vận hành,... từ đó làm tăng chi phí giá thành, giảm lợi nhuận.

Cụ thể, theo tính toán của Hiệp hội, trên 100 nhà cơ sở sản xuất bia - với khoảng 200 dây chuyền chiết lon, chai, hơi, tươi - thì chỉ riêng vốn đầu tư mua máy dán tem đã ngốn tới 3.000 tỷ đồng (trung bình 15 tỷ đồng/máy). Ngoài ra, còn phải đầu tư máy móc thiết bị quản lý.

Để dán tem, các doanh nghiệp còn phải chi tiền mua tem. Giá tem 200 đồng/chiếc, với sản lượng bia trên 3 tỷ lít hiện nay sẽ mất khoảng 10 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp phải bỏ ra 2.000 tỷ đồng.

Dán tem bia khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc vì phải chi thêm 7.000 tỷ đồng

Còn về chi phí quản lý vận hành, ngành bia dự trù 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, để dán tem, các doanh nghiệp mất tới 650-700 đồng/sản phẩm. Lượng bia sản xuất hiện nay là 10 tỷ sản phẩm/năm, ngành bia sẽ phải tăng chi phí từ 6.500-7.000 tỷ đồng, khiến lợi nhuận tương đương giảm 6,5-7 tỷ đồng, thuế nộp cho nhà nước cũng giảm 1,4-1,5 tỷ đồng mỗi năm.

Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát khẳng định, việc dán tem với bia là không cần thiết.

Ông Lê Hồng Xanh, Tổng Giám đốc Công ty Sabeco, cũng cho biết, chi phí dán tem sẽ đẩy chi phí giá thành của sản phẩm lên cao hơn.

Ông Xanh dẫn chứng, riêng bia Sài Gòn có 25 nhà máy, tổng công suất thiết bị đầu tư để dán tem mất trên 700 tỷ đồng. Mỗi năm, bia Sài Gòn còn phải mua 6 tỷ cái tem, mỗi cái tem giá 200 đồng, vị chi hết 1.200 tỷ đồng chưa kể tiền đầu tư cho con người, quản lý.

“Khi đó, giá bia sẽ tăng và sản xuất có nguy cơ giảm, kéo theo giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hiện nay Sabeco đang đóng thuế 13.000 tỷ đồng/năm”, ông Xanh cho hay.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam, cũng nhận xét, hiện chính sách pháp luật trong quản lý bia khá đầy đủ, toàn diện từ khâu đầu tư, sản xuất kinh doanh đến phân phối, quản lý thị trường, thuế,... Việc dán tem bia không có nhiều tác dụng trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, bởi các sản phẩm đều được đăng ký chất lượng, nhãn mác, mã vạch, mã số với cơ quan quản lý. Việc kiểm tra, truy nguồn gốc sản phẩm rất dễ dàng, không cần thiết phải dán tem.

Năm 2025, người Việt Nam sẽ uống 5 tỷ lít bia

Giảm lượng bia còn 5 tỷ lít vào năm 2025

Theo quy hoạch phát triển ngành Bia - rượu - nước giải khát đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025, mục tiêu đến năm 2015 là 4 tỷ lít và 2025 là 6 tỷ lít.

Tuy nhiên, theo quy hoạch mới, đồng thời xét theo năng lực thực tế sản xuất, Bộ Công Thương đã điều chỉnh giảm sản lượng bia sản xuất xuống còn tương ứng là 3,5 tỷ lít, 5 tỷ lít và năm 2035 mới là 5,5 tỷ lít.

Trên thực tế, tính đến năm 2014, công suất bia là 3,2 tỷ lít, chỉ đạt 81% như quy hoạch. Riêng vùng ĐBSCL, công suất bia thực tế đã vượt quy hoạch 23%.

Việc thực hiện theo đúng quy hoạch đang gặp nhiều khó khăn bởi tính mùa vụ của sản xuất bia. Hiện nay các doanh nghiệp phía Nam đang đạt được 70% công suất thiết kế, doanh nghiệp phía Bắc là khoảng 60%,...

Mục tiêu mà quy hoạch ngành Bia rượu Nước giải khát đặt ra là có thương hiệu hàng hoá mạnh, đa dạng chủng loại, cạnh tranh tốt và hướng đến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Việt nhận định, bia là một trong những ngành đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Ông dẫn chứng, bình quân tiêu thụ cồn nguyên chất của Việt Nam tầm 6,6 lít/người, thua Thái Lan 7,1 lít/người, Lào 7,2 lít/người,... Vì vậy, ngành bia còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương phản ảnh, trước đây dư luận xôn xao người Việt Nam tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới, nhưng thực chất không phải. Việc tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng trưởng nhanh là do mức xuất phát điểm của nước ta rất thấp, chỉ tăng trưởng từ 8-10%/năm.

Trong đề án đang xây dựng về “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia”, Bộ Công Thương quy định các sản phẩm bia phải được dán tem.

Theo Bộ này, việc dán tem cho sản phẩm bia nhằm mục đích quản lý thống nhất từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ bia. Từ đó, sẽ ngăn chặn được các hành vi gian lận thương mại như: khai gian sản lượng, buôn lậu, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và các nhà sản xuất chân chính. Dán tem bia cũng giúp làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước bằng việc hạn chế gian lận về thuế.

Bảo Hân

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Cầu Cổ Chiên: Rút ngắn 70 km từ TP.HCM đi Trà Vinh (16/05/2015)

>   Để hàng Việt đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hàn Quốc (15/05/2015)

>   ‘Sẽ không có chuyện độc quyền khi “bán” sân bay’ (15/05/2015)

>   "Chặt khúc" quốc lộ bán vé: Ma trận thu phí, doanh nghiệp kêu trời (15/05/2015)

>   Vinalines sắp có “cửa hồi sinh” sáng sủa? (15/05/2015)

>   Tổng giám đốc PVN tiết lộ nhiều đơn vị sụt doanh thu (04/03/2016)

>   Quốc hội Việt Nam thảo luận về FTA với Nghị viện châu Âu (15/05/2015)

>   Nhập siêu 4 tháng còn trên 2 tỷ USD (15/05/2015)

>   Kiểm soát chặt chẽ mặt đường Hồ Chí Minh và dự án Quốc lộ 1 (15/05/2015)

>   Quản lý giá sữa: Thiếu thông tin, chuyển giá vẫn chỉ là… nghi vấn? (14/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật