Thứ Hai, 06/04/2015 17:45

Xuất khẩu quý 1 giảm tốc, nhập siêu đã vượt 1,8 tỷ USD

Dù đạt mức tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu trong quý 1 là 6,9% nhưng theo Bộ Công Thương, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm trở lại đây.

Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Nông sản và khoáng sản đều giảm mạnh

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng Ba, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 12,7 tỷ USD, tăng 33,5% so với tháng Hai.

Tính chung quý 1 năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 35,67 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ của hai năm gần đây. Đơn cử, quý 1 năm 2014, xuất khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013 trong khi quý 1 năm 2013 xuất khẩu tăng tới 17,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Nếu chia theo khu vực kinh tế thì quý 1, khối doanh nghiệp trong nước đạt gần 10,6 tỷ USD, giảm 5,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể cả dầu thô) đạt 24,01 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Đi vào chi tiết, nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2014, tương đương với giảm 800 triệu USD. Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,35 tỷ USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm 2014, tương đương với giảm 790 triệu USD.

Trong khi đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến với mức tăng 15,8%, tương đương giá trị hơn 28,1 tỷ USD đã bù lại sự sụt giảm của hai nhóm ngành trên.

Về thị trường, Bộ Công Thương cho biết, 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu sang khu vực các nước Đông Nam Á giảm 1,1%; Đông Á giảm 1,3%, ngược lại thị trường châu Âu tăng 12,2%. Thị trường các nước Mỹ La tinh và vùng Caribê có mức tăng cao nhất 31% và thị trường châu Mỹ ước tăng 16%, trong đó Hoa Kỳ tăng 13,9%.

Ở chiều ngược lại, theo báo cáo của Bộ này, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 26,9% so với tháng Hai. Tính cả quý 1, nhập khẩu ước đạt gần 37,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 23,1 tỷ USD, tăng 24,1% còn các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 14,4 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu hàng hoá quý 1 của nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 16,1% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu kim ngạch nhập khẩu tăng 11,4%, trong khi nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 1,3% so với cùng kỳ.

Như vậy, tháng Ba nhập siêu ước đạt 600 triệu USD, nhưng tính chung cả quý 1 nhập siêu hơn 1,8 tỷ USD, trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 3,8 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu hơn 1,98 tỷ USD.

Riêng nhập siêu từ Trung Quốc trong 3 tháng ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 58,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Doanh nghiệp FDI vẫn giữ vai trò chủ lực

Có thể thấy, vai trò của khối FDI tiếp tục chiếm ưu thế tuyệt đối khi xuất khẩu trong quý 1 của khối này chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính về giá trị xuất khẩu, nếu kể cả dầu thô, xuất khẩu của khối này ước đạt 25,08 tỷ USD còn (không kể cả dầu thô) đạt 24,01 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến mà khối FDI chiếm vai trò chủ đạo đã xuất khẩu hơn 28,1 tỷ USD trong quý 1, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2014, tương đương với tăng hơn 3,9 tỷ USD.

"Hoạt động xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ sự đóng góp lớn của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, điều này cho thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực, kinh nghiệm và thị trường sẵn có vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu," Bộ Công Thương cho biết.

Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước chỉ đạt khoảng 10,6 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về nguyên nhân, theo Bộ Công Thương là do tháng Một và tháng Hai có nhiều ngày nghỉ lễ và Tết Nguyên đán, do vậy kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước cũng chậm lại.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất được chỉ ra là do tác động của 2 nhóm hàng chủ đạo mà phần lớn là của doanh nghiệp trong nước gồm: nông lâm thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản giảm mạnh đã tác động đến kim ngạch chung.

Cụ thể, quý 1, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 4,25 tỷ USD, giảm 15,8%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,35 tỷ USD, giảm 37,2%. Xét về giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu của hai nhóm đã giảm gần 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như: gạo, hạt tiêu, càphê... đã tới ngưỡng tại một số thị trường, do đó khó tăng được kim ngạch. Bên cạnh đó nhóm hàng này còn phải cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại từ các nước như Thái Lan, Philipin...

Trước thực tế trên, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định FTA nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như nâng cao chất lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản để tăng sức cạnh tranh và chiếm ưu thế về giá.

Đức Duy

vietnam+

Các tin tức khác

>   Toyota cân nhắc ngừng sản xuất ôtô tại Việt Nam (06/04/2015)

>   Việt - Nga sẽ liên doanh sản xuất thiết bị kỹ thuật quân sự (06/04/2015)

>   Giày dép chiếm 35% tổng trị giá xuất sang CH Séc (06/04/2015)

>   Công nghiệp dược trước nhiều thách thức (06/04/2015)

>   Sữa “tung chiến thuật” tăng giá trước ngày phải đăng ký lại (06/04/2015)

>   Những cuộc đua tỷ đô nâng cấp đội tàu bay (06/04/2015)

>   2016: Ôtô nhập nguyên bản đồng loạt xuống giá (06/04/2015)

>   Hiệp định VPA/FLEGT: Để gỗ Việt Nam vươn xa (06/04/2015)

>   Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Vai trò mới trong bối cảnh mới (05/04/2015)

>   Khách quốc tế liên tiếp sụt giảm: Cần tư duy mới (04/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật