Ông Trần Du Lịch:
“Rất đau xót khi doanh nghiệp xây dựng bảo rằng em chỉ là B’, B’’…”
Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn ĐHQH TPHCM đặt ra với các doanh nghiệp xây dựng và Vật liệu xây dựng (XD&VLXD) tại buổi tọa đàm “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015 - 2016 và ngành XD, VLXD và Bất động sản” do Hiệp hội XD & VLXD TPHCM tổ chức mới đây.
TS Trần Du Lịch cho rằng, với quá trình phát triển hiện nay, Việt Nam là thị trường xây dựng mênh mông, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp XD và VLXD.
“Điều tôi mong mỏi là chúng ta có những doanh nghiệp lớn, tầm cỡ và không chịu số phận làm thầu phụ cho Cty nước ngoài. Tôi rất mừng khi xuất hiện một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành xây dựng rất mạnh, có uy tín nhưng những dự án lớn, hợp đồng tổng thầu vẫn thì vẫn rơi vào nước ngoài. Tôi rất đau xót khi các đơn vị gặp tôi bảo rằng “em chỉ là B’, B'’… Trong khi đó, nhiều đơn vị nước ngoài trúng chỉ có cái đầu chứ chưa hẳn đã có tất cả lực lượng như chúng ta” – ông Trần Du Lịch nói.
Ông Trần Du Lịch nhấn mạnh, hiệp hội phải tạo được sức mạnh trong lĩnh vực xây dựng. Khi hội nhập kinh tế, đây không còn là lợi ích của doanh nghiệp nữa mà phải xem đây là lợi ích quốc gia.
“Tôi mong rằng năm 2015, Hiệp hội sẽ cùng ngồi lại, các doanh nghiệp sẽ tạo thành những bó đũa để tạo ra những doanh nghiệp mạnh để ngang tầm, làm chủ trên thị trường XD và VLXD. Làm chủ ở đây hiểu theo nghĩa là không phải độc quyền mà làm chủ theo nghĩa cạnh tranh, hợp tác quốc tế, với quốc tế là quan hệ hỗ tương chứ không phải quan hệ phụ thuộc. Đấy là tự chủ!” – ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Phú Cường - Chủ tịch Hiệp hội XD & VLXD TP HCM cũng chỉ ra những khó khăn mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XD và VLXD gặp phải như bị các chủ đầu tư nợ tiền thanh toán, ngành vật liệu xây dựng chưa được quan tâm, hỗ trợ nhiều. “Vừa qua, sát Tết có một số chủ đầu tư không chịu thanh toán chi phí cho các nhà thầu phụ, các nhà thầu phụ không thể thanh toán cho người lao động, tình trạng này gây ra những bất ổn xã hội” – ông Cường chia sẻ.
Năm 2015, Hiệp hội XD & VLXD sẽ cùng ngồi lại, các doanh nghiệp sẽ tạo thành những bó đũa để tạo ra những doanh nghiệp mạnh để ngang tầm, làm chủ trên thị trường XD và VLXD.
|
Theo Chủ tịch Hiệp hội XD & VLXD TP HCM, thì để phần nào khắc phục tình trạng này, hy vọng trong thời gian tới cần có sự sòng phẳng hơn giữa chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị cung cấp VLXD. Khi ký kết hợp đồng phải có bảo lãnh.
“Nhà thầu muốn làm tốt thì phải bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng… Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy các chủ đầu tư làm bảo lãnh thanh toán, đây là điều mà nhà thầu phải đề xuất. Ông là nhà đầu tư lớn kiểu gì mà chúng tôi mới yêu cầu bảo lãnh 10% thì ông đã giãy lên. Bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thanh toán, theo cá nhân tôi đây là việc làm văn minh, sòng phẳng trong mối quan hệ các bên, tránh được tình trạng nợ đọng, kéo theo những bất ổn xã hội”.
Xu thế của thế giới là sử dụng vật liệu siêu nhẹ, siêu bền, vật liệu thân thiện môi trường... để làm được điều đó các doanh nghiệp VLXD trong nước phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc sử dụng công nghệ mới, đặc biệt là cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
|
Riêng trong lĩnh vực VLXD, ông Trương Phú Cường cho rằng, xu thế của thế giới là sử dụng vật liệu siêu nhẹ, siêu bền, vật liệu thân thiện môi trường… để làm được điều đó các doanh nghiệp VLXD trong nước phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc sử dụng công nghệ mới, đặc biệt là cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Đơn cử như Nhật Bản, mỗi năm Chính phủ dùng khoảng 2 tỷ USD/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VLXD.
“Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ quan tâm hơn tới ngành VLXD. Sắp tới đây, Hiệp hội XD & VLXD TP HCM sẽ xúc tiến thành lập trung tâm thiết bị công nghê, vật liệu xây dựng mới. Hiện nay, việc xúc tiến này đang nhận được sự hỗ trợ tích cực của Sở KH&CN TP HCM, kêu gọi được sự ủng hộ hợp tác của các doanh nghiệp trong ngành VLXD” – ông Trương Phú Cường chia sẻ.
Lê Tuyết
lao động
|