Ông Nguyễn Xuân Bình: Sóng nhỏ ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt
“Thị trường chứng khoán quý 2/2015 vẫn chịu tác động từ hai nhân tố chính là khối ngoại và các chính sách. Theo đó, xu hướng chủ đạo sẽ là đi ngang và vùng biến động của VN-Index là 520-570 điểm”, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc khối Phân tích CTCK Bảo Việt (BVS) dự báo.
Ông cũng dự báo thêm, nhóm ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tương tự những thời điểm trong quý 1, tuy nhiên, trong quý 2 chỉ hình thành những sóng nhỏ chứ không có biến động lớn và kéo dài.
Quý 2/2015 sẽ tiếp tục chịu tác động của các yếu tố chính sách như Thông tư 36, dự thảo 210,... khi mà các khoản cho vay trước thời điểm công bố Thông tư 36 dần đáo hạn, nguồn vốn cho vay của các công ty chứng khoán bị thắt chặt nếu dự thảo 210 được thông qua.
Dòng vốn ngoại vào Việt Nam chịu tác động từ 4 yếu tố lớn là Fed nâng lãi suất, biến động tại Ngân hàng Trung ương các nước lớn, biến động tỷ giá và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Fed nâng lãi suất: Khi Fed tăng lãi suất thì đồng USD sẽ có xu hướng mạnh lên, qua đó kéo các dòng tiền đầu tư tại các thị trường mới nổi (dòng vốn rẻ) quay trở lại Mỹ. Tuy nhiên ông Bình nhìn nhận mức độ chịu ảnh hưởng từ vấn đề này của Việt Nam sẽ nhẹ hơn các nước khác.
Ngân hàng Trung ương các nước lớn với 3 ngân hàng chính là Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc tuyên bố khả năng nới lỏng tiền tệ hoặc hạ lãi suất sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư, theo đó, khả năng dòng vốn sẽ bị hút về thị trường các nước này. Theo quan sát của ông Bình, trong thời gian gần đây, thị trường các nước này đang diễn biến khá tốt nên các nước này kỳ vọng nếu nới lỏng sẽ giúp dòng vốn đầu tư đổ về, qua đó đưa kinh tế và thị trường gia tăng hơn. Với nhân tố này, dòng vốn ngoại ở thị trường Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng và nếu tiếp tục nới lỏng thì dòng tiền sẽ ưu tiên vào các nước này thay vì thị trường Việt Nam.
Tỷ giá đang gây áp lực đáng kể, nếu Ngân hàng Nhà nước trì hoãn việc thay đổi giá VNĐ thì xu hướng rút ròng vẫn diễn ra, VNĐ càng mất giá nhiều so với các đồng tiền khác thì khối ngoại sẽ có xu hướng bán ra nhiều hơn.
Cuối cùng, nhân tố quan trọng nhất là triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước cũng như nền kinh tế nói chung. Với xu hướng chính của khối ngoại là đầu tư giá trị, nếu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn duy trì khả quan, kèm theo nền kinh tế diễn biến đi lên thì dòng vốn ngoại đầu tư giá trị sẽ không rời bỏ thị trường Việt Nam. Ông dẫn chứng, thời gian gần đây, các ETF bán ròng mạnh, tuy nhiên các quỹ đầu tư giá trị dài hạn vẫn giải ngân đều dặn, tuy nhiên việc giải ngân này có sự phân hóa khi chỉ nhắm một số cổ phiếu có tính đầu tư giá trị dài hạn.
Tổng thể, ông Bình nhìn nhận, khối ngoại sẽ tăng bán ròng tại thời điểm Fed tăng lãi suất hay biến động tỷ giá trong nước nhưng áp lực bán ròng này không quá lớn, chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Dòng vốn ngoại sẽ được cân bằng một phần do dòng vốn của các quỹ đầu tư giá trị trong trung và dài hạn.
Dòng vốn nội sẽ chịu tác động từ các chính sách và có khả năng bị thu hẹp nhưng hiện tại chưa phản ánh rõ nét. Dòng vốn nội trong quý 2/2015 sẽ khó có đột biến.
Với biến động dòng tiền của hai khối, ông Bình dự báo thị trường quý 2/2015 xu hướng chủ đạo là đi ngang. Tuy nhiên ông cũng dự báo sẽ có những nhịp tăng giảm và vùng biến động trong quý 2/2015 là 520-570 điểm. Hiện tại, VN-Index có ngưỡng cản mạnh ở vùng 555-560 điểm và ở vùng này sẽ có điểm bán ngắn hạn mà nếu vượt qua sẽ có kịch bản tích cực hơn. Nhưng xung quanh vùng này sẽ là điểm bán.
Ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt
Nhận định về biến động của các nhóm ngành trong quý 2/2015, ông Bình cho rằng ngân hàng sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tương tự những thời điểm trong quý 1, tuy nhiên, trong quý 2 chỉ hình thành những sóng nhỏ chứ không có biến động lớn và kéo dài.
Điểm nhấn lớn nhất trong ngành ngân hàng là tăng trưởng tín dụng. Trong quý 1/2015, tăng trưởng tín dụng trên 1%, cao hơn cùng kỳ các năm trước cho thấy sự hồi phục cũng như sự tự tin của các doanh nghiệp khi sử dụng vốn vay. Theo ông Bình, đây là xu hướng báo hiệu nền kinh đã bước ra khỏi giai đoạn khó khăn.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng chuyển biến tương đối chậm do phục thuộc vào quá trình mua bán nợ với VAMC và trích lập dự phòng. Tuy nhiên chuyển biến hoạt động đã qua giai đoạn suy giảm và thay vào đó là hồi phục. Đây là tín hiệu lớn nhất, kỳ vọng đưa nhóm này tăng trở lại. Ở góc độ thị trường, khối ngoại đẩy mạnh mua các cổ phiếu lớn ở nhóm này cũng cho thấy sự hấp dẫn của nhóm.
Bên cạnh ngân hàng, ở góc độ phân tích cơ bản thì hai ngành ô tô và bất động sản cũng có những điểm nhấn khả thi và trong quý 2/2015 mà nhà đầu tư có thể quan tâm.
Ở ngành ô tô (công nghiệp ô tô, ô tô con, thương mại), do có những lộ trình như giảm thuế nhập khẩu ô tô, biến động tỷ giá, giá xăng suy giảm,... giúp diễn biến tích cực và triển vọng cơ bản của ngành tốt. Tuy nhiên, xét trên góc độ thị trường thì ngành này đã gia tăng và giá đã phản ánh một phần trong quý 1/2015 vừa qua nên mức độ tác động trong thời gian tới không quá mạnh mà chủ yếu tập trung vào giá trị cơ bản và xu hướng dài hơi hơn.
Còn ngành bất động sản thì điểm nhấn trong quý 2/2015 là phân khúc cao cấp thay vì bình dân. Trong quý 1, những giao dịch thành công trong phân khúc cao cấp tăng và quý 2 sẽ được hưởng lợi do được hạch toán từ quý 1, tuy nhiên sẽ phân hóa theo các dự án. Các doanh nghiệp có dự án với vị trí đắc địa theo phân khúc cao cấp sẽ được ưa chuộng như Tập đoàn Vingroup (VIC), Khang Điền (KDH), Đất xanh (DXG),... đây là nhóm kỳ vọng tạo điểm nhấn trong thời gian tới.
Duy Hoàng
|