Offline CLB PTKT Vietstock tháng 4: Những kinh nghiệm thú vị 2014 và Triển vọng 2015
Ngày 04/04/2015, Vietstock tổ chức buổi Offline CLB PTKT tháng 4 năm 2015 tại Hà Nội, với chủ đề “Những kinh nghiệm thú vị 2014 và Triển vọng 2015” do Ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng bộ phận Phân tích Kỹ thuật Vietstock, Thành viên Hiệp hội PTKT Hoa Kỳ, CMT Level 2 trình bày.
Tại buổi Offline, ông Minh giới thiệu cho thành viên CLB PTKT những kinh nghiệm xương máu trong năm 2014 dựa trên trải nghiệm của chính ông về thị trường.
Trước tiên ông Minh đề cập đến một chiến lược khá mới mẻ ở thị trường chứng khoán Việt Nam: sử dụng nhóm MA như ngưỡng kháng cự/hỗ trợ di động. Nhóm MA (Moving Average) luôn đóng vai trò chủ đạo trong các nhóm chỉ báo kỹ thuật (technical indicators) vì nhóm này giúp nhà đầu tư nhận biết và đi theo (follow) xu hướng của thị trường.
Tuy nhiên, một vấn đề thường không được chú ý là nhóm này có thể hoạt động khá hiệu quả như là những ngưỡng kháng cự/hỗ trợ di động. Chiến lược mua vào khi giá test lại các đường MA, đặc biệt là các đường MA dài hạn đã đem lại lợi nhuận khá lớn cho các nhà đầu tư trong năm 2014. Theo quan sát của ông Minh thì chiến lược này đặc biệt phá huy hiệu quả ở những cổ phiếu Large Cap.
Tiếp theo vấn đề sử dụng MA, ông Minh cũng đề cập đến một rủi ro mới trên thị trường: khối ngoại chuyển đổi chiến lược đầu tư và lướt sóng liên tục. Khối ngoại liên tục lướt sóng trong khoảng 2 năm gần đây và thực tế số liệu đã cho thấy họ giao dịch khá hiệu quả. Ông Minh lưu ý rằng do khối ngoại có ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng của thị trường Việt Nam nên việc nhiều nhà đầu tư giao dịch theo khối ngoại cũng đem lại những kết quả khả quan.
Ông Minh cũng nêu lên một góc nhìn rất khác về vùng overbought/oversold. Đó là đợi đến khi các chỉ báo dao động rơi khỏi vùng quá mua (overbought) mới bán ra và các chỉ báo dao động vượt lên trên vùng quá bán (oversold) thì mới mua vào.
Điểm cuối cùng được ông Minh nhắn mạnh là bài học cắt lỗ. Khi mua cổ phiếu, điều mà chúng ta thường nghĩ đến đầu tiên là giá sẽ lên cao đến mức nào, hơn là ngưỡng cut loss sẽ là bao nhiêu. Tuy nhiên, năm 2014 đã cho chúng ta một thực tế ngược lại: nên quan tâm đến ngưỡng cắt lỗ nhiều hơn. Nói cách khác, chiến lược quản trị rủi ro ngày càng trở nên quan trọng hơn tại thị trường Việt Nam khi mà những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc như GAS, PVD, ... đều đã điều chỉnh gần 50% so với mức đỉnh.
Đến phần trao đổi về triển vọng thị trường 2015, ông Minh cho rằng xu hướng dài hạn của thị trường Việt Nam không rõ ràng.
- VN-Index dao động xoay quanh SMA100, SMA200, SMA300
- Thanh khoản trồi sụt thất thường
- Các cổ phiếu lớn đang về gần đáy cũ dài hạn
Điểm đặc sắc là ông Minh có nói đến sự tương đồng giữa TTCK Việt nam và TTCK Thượng Hải để dự báo triển vọng. Ngoài ra ông Minh cũng trích dẫn lý thuyết về chu kỳ ngành (Sector Rotation): khi các ngành ngành thuộc nhóm Tài chính, Công nghiệp và Kỹ thuật có sự tăng trưởng tốt hơn các ngành khác thì nền kinh tế đã thoát khỏi giai đoạn suy thoái (Recession phase), đi vào giai đoạn phục hồi.
Trong phần thảo luận, các nhà đầu tư tham gia hết sức sôi nổi với những câu hỏi về phần trình bày của diễn giả cũng như chiến lược cho giai đoạn tới.
Kết thúc buổi Offlline, nhiều NĐT đã tích lũy được cho mình những kiến thức cần thiết để nhằm cải thiện tỉ suất sinh lời của mình trong thị trường hiện nay.
Thế Phong
|