Làm du lịch MICE thời nay
Gần một năm qua, tuy khách du lịch quốc tế sụt giảm nhưng một số doanh nghiệp vẫn đón được khá nhiều khách MICE (du lịch kết hợp tham gia sự kiện). Tuy vậy, khách MICE thời nay cũng không còn là “gà đẻ trứng vàng” như trước nữa, nên cách tổ chức, tính toán giá cả cũng phải khác…
Khách đi tour MICE của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist. Ảnh: QUỲNH THƯ
|
Hết thời “một vốn bốn lời”
Tháng trước, Công ty Du lịch Viking ở TPHCM vừa tổ chức tour cho một đoàn MICE khá đặc biệt từ Indonesia. Đoàn gồm 80 người, là những người đứng đầu của một công ty có tới 1.500 nhân viên, họ đến Việt Nam kết hợp du lịch và họp bàn định hướng kinh doanh cho công ty.
Trong bốn ngày, những doanh nhân này tham dự họp hành, chơi những trò chơi vận động ở phố cổ Hà Nội và có bữa tiệc tối đặc biệt ở hang Trống (vịnh Hạ Long). Cũng là những hoạt động thường thấy của một tour MICE, nhưng chi phí của đoàn này đã được cắt giảm tối đa, ngay cả tổng giám đốc cũng chỉ ở khách sạn 3 sao thay vì ở khách sạn hạng sang như những lần trước. “Chúng tôi phải chào giá rất nhiều lần, phải bán giá thấp hơn đối thủ nhiều mới thắng thầu. Ngày nay làm MICE mà giá cao rất khó thu hút khách”, ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Viking, nói.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết tình hình tương tự. Kinh tế khó khăn không chỉ “đánh” vào túi tiền của du khách bình thường mà cả những công ty, những hiệp hội nghề nghiệp - đối tượng khách hàng của du lịch MICE. Giờ đây, rất hiếm thấy những yêu cầu xa xỉ như tổ chức tiệc tối đặc biệt trong hang động, khách đi bằng trực thăng từ Hà Nội đến vịnh Hạ Long, hay cơ hội may vài trăm bộ áo dài đồng phục cho khách quốc tế dự hội nghị. Khách hàng giờ không chỉ so sánh giá tại Việt Nam với một điểm đến khác mà họ so sánh nhiều điểm (như cùng lúc so giá ở Việt Nam với Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…) để cân nhắc trước khi quyết định.
Bà Phạm Mai Hoàng Lộc, Giám đốc phụ trách thị trường khách lẻ và hội nghị của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết khoảng 4-5 năm trước, khách hàng chi tiêu nhiều cho các hoạt động ăn uống, tham quan nhưng nay tập trung nhiều hơn cho các chương trình hội họp, giảm bớt các chi phí khác. “Với những chương trình phức tạp, chúng tôi cũng phải tính giá thấp hơn trước mới có thể cạnh tranh với những điểm đến khác”, bà nói.
Theo nhiều doanh nghiệp, tuy lợi nhuận đã giảm nhiều nhưng du lịch MICE vẫn là sản phẩm kiếm tiền tốt hơn so với nhiều loại hình du lịch khác nên nhiều công ty vẫn tiếp tục đầu tư để thu hút khách. Một số công ty cắt giảm chi phí để cạnh tranh, một số khác nỗ lực tìm thị trường mới. Nhiều công ty chọn cách tiếp cận sâu hơn với khách hàng, như Viking đã đặt văn phòng đại diện ở Indonesia để có thể trực tiếp làm việc, hiểu nhu cầu và thuyết phục khách đến Việt Nam.
Bà Lộc của Saigontourist cho rằng việc kết hợp với các hội nghề nghiệp ở Việt Nam tổ chức các sự kiện quốc tế, hội nghị chuyên đề cũng là một hướng đi mới cho mảng này. Để thực hiện, công ty du lịch cần phải đầu tư dài hơi, kể từ lên ý tưởng, tạo trang web về sự kiện, nhận đăng ký, thu tiền khách hàng tham gia, tổ chức tất cả các dịch vụ liên quan. Nhiều khi, công ty du lịch phải tháp tùng với hội nghề nghiệp ra nước ngoài thuyết trình với đối tác để được chấp nhận tổ chức sự kiện tại Việt Nam. Cách này tuy vất vả nhưng đơn vị tổ chức sẽ có lợi nhuận tốt hơn so với chỉ cung cấp dịch vụ hậu cần do các công ty sự kiện ở nước ngoài thuê lại.
Bà Lộc cho biết: “Chúng tôi vừa tổ chức sự kiện cho Hội nghị khoa học lần thứ năm của Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TPHCM, quy tụ khoảng 200 chuyên gia quốc tế đến thành phố. Những sự kiện lớn như thế này còn ít nhưng đang tăng lên và thị trường đang có nhu cầu”.
Cạnh tranh điểm đến
Cạnh tranh trong thị trường du lịch MICE hiện không chỉ là cạnh tranh giữa các nhà tổ chức trong nước với nhau mà còn là cạnh tranh với các doanh nghiệp ở nước ngoài và cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực.
Cũng xuất phát từ vấn đề chi phí, nhiều công ty nước ngoài sẵn sàng sang Việt Nam tổ chức sự kiện thay vì thuê lại đơn vị tổ chức trong nước.
Một doanh nhân ở TPHCM kể rằng, công ty của bà đã phải chuẩn bị hơn nửa năm trời, từ việc lên ý tưởng, khảo sát dịch vụ, giá cả, viết kịch bản, thuê thiết kế hàng loạt sản phẩm từ ghế ngồi, vật trang trí, quà tặng, sân khấu… cho một hội nghị về kinh tế quy tụ nhiều diễn giả, tỉ phú nước ngoài đến Việt Nam. Nhưng đến sát thời điểm diễn ra sự kiện thì đối tác ở Singapore lại “nẫng tay trên”. “Họ là nhà tổ chức cấp một, cùng tham gia khảo sát dịch vụ với mình nên rất dễ lấy lại ý tưởng, kịch bản do mình làm ra và chỉ cần chở container trang thiết bị từ Singapore sang là có thể tổ chức sự kiện để có thể nhận phí trọn gói thay vì san sẻ cho nhà tổ chức địa phương”, bà chia sẻ.
Về vấn đề điểm đến, nhiều người cho rằng nếu chỉ so sánh giá dịch vụ đơn lẻ thì mặt bằng giá ở Việt Nam có thể cạnh tranh được với một số điểm đến trong khu vực. Chẳng hạn vài năm trước, giá phòng cho khách MICE ở khách sạn 5 sao từ 150-180 đô la Mỹ/đêm/phòng, nhưng nay chỉ cần 110-120 đô la Mỹ là có thể thuê được.
Tuy nhiên, xét về tính đồng bộ của dịch vụ, từ phòng họp, khách sạn, trung tâm triển lãm, đi lại, tính chuyên nghiệp của dịch vụ hậu cần cũng như sự đa dạng của điểm tham quan thì Việt Nam chưa thể cạnh tranh được.
“Chúng tôi phải chào giá rất nhiều lần, phải bán giá thấp hơn đối thủ nhiều mới thắng thầu. Ngày nay làm MICE mà giá cao rất khó thu hút khách”.
Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Viking.
|
Trong số các điểm đến, Trung Quốc đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn, cả về dịch vụ lẫn sự phong phú của điểm tham quan. Vị doanh nhân nêu trên cho biết: “Chúng tôi báo giá cho một đoàn khách dự kiến đến vào cuối năm nay. Đối tác khen giá tốt nhưng vẫn từ chối vì khách hàng thích chọn Bắc Kinh hơn. Ở đó, họ có nhiều điểm tham quan để lựa chọn”, bà nói.
Một doanh nhân khác cho rằng, chỉ nói riêng về các sự kiện triển lãm, Việt Nam đã mất nhiều sự kiện cũng chính bởi sự không đồng bộ về dịch vụ. Chẳng hạn ở TPHCM, các trung tâm triển lãm nằm rải rác trong thành phố nhưng lại không có các dịch vụ vệ tinh như khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan hỗ trợ. Vì thế, khách rất mệt khi phải tham gia sự kiện ở quận 7 rồi phải đến một nơi khác để ăn tối, hay phải tham quan thành phố trong điều kiện kẹt xe như hiện nay.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Du lịch Asian Trails, cho rằng tuy có nhiều rào cản nhưng Việt Nam vẫn có lợi thế quan trọng là an toàn, điểm tham quan chưa bị “nhân tạo” như một số điểm đến khác. Tuy nhiên, Việt Nam đã không còn là điểm đến mà khi nhắc tới là khách muốn đi để khám phá như nhiều năm trước. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ phải liên tục tạo ra dịch vụ, sự kiện mới để mang đến sự khác biệt cho khách hàng, như một số chương trình MICE do công ty này tổ chức ở Việt Nam nhưng kết hợp tham quan các điểm du lịch ở Campuchia.
“Chúng tôi vừa tuyển thêm nhân sự cho mảng du lịch MICE và cũng tham gia một số chương trình để thu hút khách từ Úc, Nam Phi. Năm nay, lượng khách MICE của chúng tôi tăng hơn năm ngoái. Làm dịch vụ này rất khó và cần phải đầu tư bài bản thì mới có khách”, bà Thủy Tiên nói.
Đào Loan
tbktsg
|