Ngành nông nghiệp hội nhập quốc tế: Tối đa hóa lợi ích, giảm rủi ro cho nông dân
Nông nghiệp (NN) Việt Nam đã, đang và sẽ hội nhập kinh tế (HNKT) ngày càng sâu, rộng và bình đẳng trên thị trường quốc tế. Quá trình HNKT đặt sản xuất NN trong nước trước nhiều thời cơ và thách thức, trong đó thách thức rất lớn là sự cạnh tranh giữa sản phẩm NN trong nước với nước ngoài cả trong xuất khẩu lẫn tiêu thụ tại thị trường nội địa. Làm thế nào để tối đa hóa các lợi ích kinh tế quốc tế và giảm tác động tiêu cực, rủi ro cho nông dân đang là vấn đề lớn được Bộ NN&PTNT quan tâm bàn thảo.
Sản xuất thủy sản, một trong những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam. Ảnh: Sơn Hà
|
Nguy cơ thua trên sân nhà
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, sau hơn 7 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia các Hiệp định Thương mại tự do song phương và khu vực, cơ hội xuất khẩu cho ngành NN Việt Nam đã được mở rộng, đặc biệt là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản liên tục tăng ngay cả khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. NN là ngành duy nhất xuất siêu ra thị trường thế giới với 8,5 tỷ USD năm 2013 và 9,5 tỷ USD năm 2014. Tỷ trọng xuất khẩu nông sản ổn định ở mức cao, đạt 26-27%, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Khoa học công nghệ được đẩy mạnh; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh nông, lâm, thủy sản được nâng cao; các hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật như VietGAP, GlobalGAP, EuroGap... đã và đang được áp dụng. Đồng thời, tạo sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và năng lực cạnh tranh quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán 7 hiệp định thương mại tự do với các đối tác đa phương, khu vực và song phương về lĩnh vực NN. Theo cam kết, đến năm 2018 về cơ bản trong 10 nước ASEAN với nhiều nước khác, mức thuế suất các loại nông sản sẽ bằng 0%, một số mặt hàng còn thuế cũng chỉ khoảng 5%. Từ thực tiễn địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chỉ ra điểm yếu là thói quen "sính ngoại" của người tiêu dùng Việt Nam. Người dân có tâm lý thích mua hàng ngoại ngay cả khi nó có giá cao. Do đó, nếu không tính toán, e rằng nông sản Việt Nam sẽ mất khách ở ngay thị trường nội địa chứ chưa nói tới xuất khẩu… Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng lấy ví dụ: Khâu yếu nhất của NN nước ta là sản phẩm ngành chăn nuôi. Chúng ta đã "bảo hộ" rất cao cho ngành này thông qua việc làm tốt công tác kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi… Tuy vậy, thời gian tới, khi chính thức bước vào HNKT với thuế suất bằng 0%, ngành này sẽ phải cạnh tranh rất lớn với sản phẩm nhập khẩu và nông dân sẽ mất đi cơ hội có thu nhập cao từ ngành này. "Việt Nam muốn bán hàng nông sản ra thế giới thì các nước trên thế giới cũng muốn bán hàng vào Việt Nam. Do vậy phải tìm ra sản phẩm gì mạnh để tập trung sản xuất, tiêu thụ và đôi bên cùng có lợi. Nếu không, nông sản Việt Nam sẽ thua ngay trên chính sân nhà" - ông Phát cho biết.
Phải bắt đầu từ chính nông dân và doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, HNKT quốc tế không chỉ là việc của cơ quan nhà nước mà suy cho cùng, hội nhập bắt đầu từ chính người nông dân và doanh nghiệp. Với nông dân, việc mở rộng thương mại quốc tế tạo ra cơ hội mới, thêm việc làm, tăng thu nhập và góp phần giảm nghèo một cách tích cực. Nông dân phải từng bước làm quen với thị trường cạnh tranh và chịu điều tiết từ quy luật cung-cầu khốc liệt của thị trường bởi theo kết quả nghiên cứu của Bộ NN&PTNT về "Đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết WTO và khu vực đối với ngành NN&PTNT", NN, nông thôn, nơi có hơn 70% dân số, chiếm khoảng 21% GDP của cả nước là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi nhất trong quá trình HNKT quốc tế.
Vấn đề quan tâm nhất hiện nay của nông dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương là việc các thông tin về HNKT ở cơ sở còn rất thiếu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng do chưa nắm rõ thông tin nên cơ sở rất khó trong hoạch định chính sách liên quan đến phát triển sản xuất. Đề nghị Bộ NN&PTNT cần mở rộng tuyên truyền, tập huấn nhiều hơn. Còn tại Kiên Giang - tỉnh có thế mạnh sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Nghị chỉ ra rằng: Mỗi năm tỉnh xuất khẩu 1 triệu tấn gạo nhưng do chưa nắm vững những quy định trong hoạt động thương mại nên nhiều lúc, người dân vẫn phải chịu thiệt thòi. Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản như Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam… cũng bày tỏ những khó khăn trong HNKT như thiếu thông tin, việc cạnh tranh chưa lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: HNKT quốc tế là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, là công cụ quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế cũng như ngành NN. Mục tiêu chung của ngành đến năm 2030 phấn đấu phát huy toàn diện vai trò HNKT quốc tế để tạo môi trường thuận lợi, tăng nguồn lực, mở rộng thị trường nhằm phát triển ngành NN Việt Nam bền vững, hiệu quả, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập người dân... Thời gian tới ngành NN sẽ chủ động tham gia các cam kết thị trường quan trọng, mang tính chiến lược của khu vực và thế giới, tăng cường tiếp cận các thị trường nông sản quan trọng. Việc thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cũng là tiến trình mà ngành NN chuyển từ bị động sang chủ động trong HNKT quốc tế. Về những khó khăn, vướng mắc mà một số doanh nghiệp đang gặp, Bộ trưởng cam kết sẽ cùng doanh nghiệp tháo gỡ một cách sớm nhất.
Nguyễn Mai
Hà Nội mới
|