Đau ruột với USD lên, Euro xuống
Đồng Rúp và Euro mất giá liên tục đã ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sản xuất ở Việt Nam. Hàng hóa nông dân làm ra ùn ứ, tồn kho, giá giảm do lượng hàng xuất khẩu sang hai thị trường này giảm mạnh.
Chấp nhận lỗ hay chịu ế ẩm
Các chuyên gia kinh tế từng nhận định, lệnh cấm vận thương mại từ Mỹ và các nước châu Âu khiến nhiều mặt hàng trên thị trường Nga bị thiếu hụt và mức giá đã tăng lên đột biến. Chính vì vậy, Nga đã gia tăng tìm kiếm đối tác bù lấp lượng sụt giảm và đây là cơ hội đối với Việt Nam, nhất là với các mặt hàng nông, thủy sản. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đồng rúp mất giá không ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Song, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Theo đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam, hết quý I/2015, tình hình xuất khẩu rau quả đang có dấu hiệu chững lại. Một số mặt hàng xuất sang thị trường EU và Nga gặp khó và gần như không xuất được do đồng Euro và đồng Rúp mất giá.
“Một số khách hàng Nga đặt hàng dưa chuột từ cuối năm 2014 nhưng nay vẫn chưa nhận vì giá nhập về tăng gấp đôi, không bán được. Hiện ở miền Bắc còn tồn vài trăm container dưa chuột chế biến từ vụ đông năm ngoái”, vị này dẫn chứng.
Hiệp hội Cà phê Việt Nam cũng cho biết, ngành cà phê cũng đối mặt hai vấn đề: khoảng 20% diện tích cà phê ở Tây Nguyên sẽ mất trắng do hạn hán và kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga và EU đang giảm mạnh
|
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nếu quý I/2014, xuất khẩu cà phê đạt gần 700.000 tấn thì quý I/2015 con số này chỉ còn một nửa, trên dưới 350.000 tấn. Giá cà phê đang trong thời điểm thấp nhất của tháng 12. Nguyên nhân là do giá dầu giảm, các đồng tiền khác mất giá kéo giá cà phê sụt giảm. Trong khi, EU lại nhập tới 38% lượng cà phê của Việt Nam.
Tương tự, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, phản ảnh, ngành gỗ cũng lao đao vì đồng Euro mất giá. Cụ thể, tháng 1/2015, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 558 triệu USD, giảm 3,5%. Đến tháng 2, tình hình còn thê thảm hơn khi kim ngạch chỉ đạt 337 triệu USD, tháng 3 tăng được một chút nhưng không đáng kể. Giảm mạnh nhất là tại Hà Lan với 33%, Pháp giảm 27%, Anh giảm 5%,... chủ yếu là các sản phẩm bàn ghế ngoài trời.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý I/2015 đạt khoảng 1,27 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, hai mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra đều giảm khá mạnh. Trong đó, xuất khẩu tôm chỉ đạt 349 triệu USD (giảm gần 30%), xuất khẩu cá tra đạt gần 225 triệu USD, giảm 18%.
Cũng theo VASEP, đồng tiền tại nhiều thị trường nhập khẩu, nhất là châu Âu, bị mất giá mạnh so với USD nên các công ty Việt Nam buộc phải giảm giá bán, khiến giá tôm và cá tra giảm mạnh.
“Doanh nghiệp Việt Nam hoặc phải giảm giá bán để đẩy hàng đi, hoặc chất hàng trong kho chờ giá lên. Nhưng biến động về tỷ giá còn kéo dài chứ không thể giải quyết trong vài tháng tới”, ông Dương Ngọc Minh, TGĐ Công ty Hùng Vương, nhận định.
Với ngành chè, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè, cũng lo lắng khi đồng Rúp trượt giá. Bởi, đối tác Nga ký hợp đồng với DN Việt bằng đồng đô la Mỹ, nhưng khi chè về nước họ thì tiền thu được là đồng Rúp. Việc đồng rúp mất giá do với đồng đô khiến nhiều DN e ngại thanh toán bị chậm trễ, nhiều công ty không muốn nhập hàng vì càng nhập càng lỗ.
Lối thoát nào cho xuất khẩu?
Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia nhận định cần có những giải pháp cụ thể cho từng ngành, giúp doanh nghiệp đẩy được hàng đi, tránh để xảy ra tình trạng nông dân không bán được hàng mất sạch vốn.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông thủy sản mới đây, do Bộ NN-PTNT tổ chức, đại diện VASEP kiến nghị nên giảm lãi suất ngắn hạn bởi DN đang phải vay với mức 7-8%. DN kinh doanh tốt mới vay được 5%.
Ngoài ra, nên tập trung các giải pháp làm sao để giảm giá thành sản phẩm, trong đó phải giảm được cước vận tải. Bởi, nếu tháng 8/2014 giá cước vận tải xuất khẩu đi Mỹ khoảng 2.300-2.400 USD/container thì hiện đã lên tới 3.900 USD.
Tương tự, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng cước phí vận tải của Việt Nam luôn cao hơn so với các nước trong khu vực. Ví dụ, thời gian qua giá xăng dầu giảm mạnh nhưng cước vận tải không giảm, hoặc giảm không đáng kể. Một số DN vận tải chỉ giảm được 100.000 trên 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng nên giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến, có như vậy hàng tồn kho của nông dân mới được giải quyết.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, tháo gỡ thị trường là giải pháp cấp bách đối với nông nghiệp. Để hoạt động xuất khẩu được thông suốt, Bộ quyết định thành lập Ban chỉ đạo liên quan đến xuất khẩu, trực thuộc Bộ. Đây là nơi tháo gỡ khó khăn vướng mắc của DN nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Bảo Hân
Vietnamnet
|