Chuyển nhượng quyền trong khai thác hạ tầng hàng không
Chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông được xem là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên có ý kiến lo ngại khi doanh nghiệp tư nhân nắm giữ các công trình hạ tầng như hạ tầng hàng không thì sẽ phát sinh tình trạng độc quyền.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc huy động vốn xã hội dưới nhiều hình thức phù hợp để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết. Việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, kinh doanh, chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng mà ngành Giao thông vận tải đã và đang thực hiện đối với một số dự án, công trình là giải pháp cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng công trình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn Nhà nước để tiếp tục đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách khác.
Trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông vận tải đã chú trọng bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, kiểm soát độc quyền, công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Đối với hạ tầng hàng không, sau khi nhượng quyền khai thác, các cơ quan chức năng vẫn thực hiện đầy đủ quyền quản lý nhà nước đối với việc sử dụng, khai thác hạ tầng hàng không; nắm giữ tất cả các hoạt động liên quan đến bảo đảm an ninh quốc phòng, quản lý bay, vùng trời; thực hiện cấp phép hoạt động của các hãng hàng không...
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện và đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Ngân An
kinh tế và đô thị
|