Hai dự án bauxite chỉ lỗ 4 - 5 năm kế hoạch
Phản bác lại các thông tin cho rằng dự án bauxite Tân Rai bị lỗ nặng, công nghệ của dự án do nhà thầu Chalienco (Trung Quốc) cung cấp là công nghệ lạc hậu, ngày 30.3, Bộ Công Thương chính thức có văn bản gửi các cơ quan báo chí, khẳng định: Dự án Tân Rai lỗ kế hoạch dự kiến là 4 năm và dự án Nhân Cơ lỗ kế hoạch 5 năm.
* Nhà nước giữ tỷ lệ sở hữu lớn ở bauxite Tân Rai
* Khuyến khích tư nhân tham gia bô-xít Tây Nguyên
Hồ chứa bùn thải sau tuyển rửa của nhà máy alumin Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Ảnh: T.L
|
Lỗ 37,4 triệu USD là thiếu cơ sở
Theo Bộ Công Thương, đánh giá của đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát tổng thể 2 dự án từ tháng 11.2013 đến tháng 4.2014 cho thấy, hiệu quả tổng hợp bước đầu của 2 dự án tác động lan tỏa và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương. Theo tính toán, dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu và Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu do phải trả nợ các khoản vay đến hạn. Do đó việc trong năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch là quy luật. Về công suất nhà máy, Bộ Công Thương cho biết, trong hồ sơ mời thầu (HSMT) ban đầu, công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm, sau đó theo đề nghị của TKV, nhà thầu có cam kết bổ sung với công suất thiết kế là 650.000 tấn/năm, công suất vận hành ổn định là 630.000 tấn/năm. Khi tính toán hiệu quả dự án chỉ tính công suất vận hành của nhà máy là 630.000 tấn/năm, chứ không tính theo công suất thiết kế. Vì vậy, không thể có lỗ và thiệt hại phát sinh do giảm công suất thiết kế. Đánh giá của TS Nguyễn Thành Sơn nêu “nếu sản xuất 660.000 tấn bôxít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở.
Trích dẫn các ý kiến đánh giá về kỹ thuật, công nghệ của 2 dự án alumin, Bộ Công Thương cho biết, bôxit Tây Nguyên tồn tại dưới dạng gipxit-gơtit, chất lượng thuộc loại trung bình, phải qua tuyển rửa mới đảm bảo chất lượng sử dụng công nghệ Bayer. Kết luận của Hội đồng Giám sát và đánh giá thuộc Bộ KHCN về kết quả chuyển giao và ứng dụng công nghệ đối với 2 dự án cho thấy, công nghệ khai thác, vận chuyển và tuyển rửa do nhà thầu trong nước thực hiện, đến nay đã hoàn thành và đưa mỏ vào sản xuất. Công nghệ tuyển rửa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Nhà thầu đã bàn giao cho Cty nhôm Lâm Đồng quản lý và vận hành từ ngày 31.12.2012. Việc sai khác trong thực tế so với thiết kế là chấp nhận được, không ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.
Không có chuyện bù lỗ giá điện 3.000 tỉ đồng/năm
Để tăng hiệu quả kinh tế từ dự án alumin, Chính phủ đã phê duyệt dự án đầu tư nhà máy điện phân nhôm của doanh nghiệp tư nhân Trần Hồng Quân (dự án THQ). Phản bác lại thông tin cho rằng dự án sẽ phải bù lỗ giá điện lên tới 145 triệu USD/năm (do giá bán điện cho DN này thấp hơn giá bán điện bình quân hiện hành), Bộ Công Thương cho rằng, dự án THQ mua điện ở cấp điện áp 220kV, không mua ở cấp điện áp sinh hoạt. Vì vậy, việc so sánh là khập khiễng và phiến diện. Các số liệu đến nay đều cho thấy đến năm 2018, dự án THQ sẽ đạt công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm. Tại công văn số 3025/BCT-CNNg ngày 15.4.2014 của Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự kiến chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án THQ trong 10 năm (từ 2016 - 2025) là 229 triệu USD (khoảng 4.800 tỉ, bình quân 480 tỉ đồng/năm). Nên việc cho rằng hằng năm nhà nước bù lỗ 3.000 tỉ đồng/năm cho dự án này là thiếu cơ sở.
Bộ Công Thương cho rằng, giai đoạn từ 2016 - 2045, dự án THQ nộp ngân sách 420 triệu USD (bình quân 14 triệu USD/năm). Vì vậy, nếu trừ đi chi phí nhà nước hỗ trợ về giá điện giai đoạn 2016 - 2025 là 229 triệu, dự án THQ còn dư nộp ngân sách là 190 triệu USD. Hơn nữa, dự án thuộc diện ưu đãi do đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nên việc Nhà nước hỗ trợ chuẩn bị mặt bằng là phù hợp với quy định hiện hành, kể cả việc hỗ trợ 1.200 tỉ đồng (khoảng 54 triệu USD).
Hồng Quân
lao động
|