Du lịch Việt Nam tuột dốc không phanh
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm trong chín tháng liên tiếp kể từ tháng 6-2014, trong đó có nhiều tháng giảm ở mức hai con số so với cùng kỳ một năm trước đó, trong khi ở hầu hết các nước khác trong khu vực, lượng khách vẫn gia tăng đều đặn.
Trước một thực tế đáng báo động như vậy, các cơ quan quản lý du lịch vẫn chỉ "lặng lẽ quan sát" mà chưa cho thấy có một động thái nào để cải thiện tình hình; hay nói cách khác, không có một chiếc phanh hữu hiệu nào để chặn đà tuột dốc.
Khách du lịch nước ngoài tại TPHCM - Ảnh: Đào Loan
|
Vì sao khách giảm?
Nhiều doanh nghiệp cho rằng khách quốc tế đến giảm liên tục trong thời gian qua là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan của ngành du lịch, và yếu tố cốt lõi nhất chính là sự cạnh tranh về giá cả.
Theo một số doanh nghiệp vừa tham gia các đợt hội chợ du lịch ở quốc tế ở Úc, Đức và Nga, các đối tác nước ngoài cho rằng những bất ổn tại châu Âu đã ảnh hưởng mạnh đến thu nhập và sức mua của khách du lịch. Thêm vào đó, sự mất giá của các đồng tiền như đồng rúp của Nga, euro của châu Âu, yên của Nhật và đồng đô la Úc so sánh với đồng đô-la Mỹ (và đồng tiền Việt Nam) đã khiến cho giá tour đến Việt Nam dành cho khách đến từ những khu vực này thêm đắt đỏ.
"Việc bán các series tour từ châu Âu đến Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2013 và năm 2014 có nguyên nhân chính từ yếu tố này (yếu tố tỷ giá), bên cạnh một nguyên nhân khác là trong khu vực có một số điểm đến mới nổi lên, hấp dẫn hơn như Myanmar đang thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế," ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đưa ra nhận định.
Trong khi những thị trường châu Âu, Nhật Bản, và đặc biệt là thị trường khách Nga đang khó khăn thì những thị trường chính khác như Trung Quốc và thị trường tiếng Hoa vẫn chưa thể phục hồi sau sự cố căng thẳng trên biển Đông hồi tháng Năm năm ngoái. Sự cạnh tranh trên thị trường du lịch thế giới và khu vực cũng căng thẳng hơn và du lịch Việt Nam với sức cạnh tranh kém hơn càng bị sụt giảm.
Trong tình hình kinh doanh đang biến động về nguồn khách, về chi tiêu... thì những điểm nghẽn từ lâu năm của du lịch như quảng bá chưa chuyên nghiệp, điều kiện đi lại, thủ tục nhập cảnh chưa thông thoáng và giá dịch vụ du lịch vẫn cao và biến động thất thường lại tiếp tục gây cản trở cho việc thu hút khách.
Một doanh nhân kể rằng, chuyến tham gia một hội chợ nước ngoài trong tháng qua là một kỳ hội chợ đầy thất vọng bởi trong tình hình "dầu sôi lửa bỏng" mà cơ quan quản lý du lịch vẫn chưa có bất cứ sự thay đổi nào trong cách tiếp thị.
"Vẫn là tổ chức cho đoàn văn nghệ biểu diễn, tổ chức cuộc gặp với doanh nghiệp nước ngoài, nhưng đến ngày trước khi cuộc gặp diễn ra, chúng tôi mới biết chương trình cụ thể và nhận được yêu cầu là mời đối tác đến. Quảng bá, tiếp xúc đối tác như vậy thì làm sao có khách," doanh nhân này nói.
Xem thêm tại đây
Đào Loan
tbktsg
|