“Vụ án Dương Chí Dũng đã kết thúc hay chưa?”
“Vụ án Dương Chí Dũng đã kết thúc hay chưa, nếu kết thúc có để lọt tội phạm hay không?”, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, đại biểu Nguyễn Bắc Việt hỏi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, cuối phiên chất vấn sáng 13/3 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tháng 12/2013, bị cáo Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình cho hai tội danh: “Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
|
Ông Việt cũng nhắc đến sự ra đi của hai ông Phạm Quý Ngọ và ông Nguyễn Bá Thanh, với câu nói của ông Thanh là sẽ “đeo bám” vụ án nói trên.
Chánh án Trương Hòa Bình nói, câu hỏi này để Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương - người đang có mặt tại phiên chất vấn - trả lời.
Tuy nhiên, sau đó Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã phát biểu kết thúc phiên chất vấn.
Vào tháng 12/2013, bị cáo Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình cho hai tội danh “Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ở nửa cuối phiên chất vấn, một số vị đại biểu đã đặt câu hỏi về trách nhiệm bồi thường với người oan sai.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường hỏi, trong hơn 6 tỷ đồng mà ngành tòa án đã bồi thường trong 3 năm qua thì người thi hành công vụ có lỗi đã hoàn trả bao nhiêu, trong khi nhiều cử tri nói là không được lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai.
Do chưa xác định vụ nào do lỗi cố ý nên chưa xem xét trách nhiệm hoàn trả, Chánh án Trương Hòa Bình trả lời.
Chánh án cũng cho rằng, trong việc quy trách nhiệm bồi thường cần có quy định thấu đáo để làm sao thẩm phán không phải nơm nớp lo âu khi thi hành công vụ.
Xác định chế độ đặc thù với thẩm phán để họ có cuộc sống mức khá trở lên phù hợp với lao động đặc thù của ngành này cũng là giải pháp đột phá để hạn chế oan sai, theo Chánh án Trương Hòa Bình.
Nguyễn Lê
vneconomy
|