Đóng cửa bến Bạch Đằng: Quy hoạch làm khó doanh nghiệp
Báo Hànộimới đã có bài phản ánh việc UBND TP Hồ Chí Minh ra lệnh đóng cửa bến Bạch Đằng (Quận 1) khiến 30 doanh nghiệp (DN) kinh doanh tàu du lịch, tàu nhà hàng khốn đốn. Sau đó, thành phố đã gia hạn nhưng đến thời điểm này, chỉ còn 3 tuần nữa là hết hạn, hơn 2/3 số lượng DN trên vẫn bế tắc tìm bến, 1/3 DN còn lại dù tìm được bến mới nhưng giá thuê quá cao khiến các doanh nghiệp phải kêu cứu.
"Tiến thoái lưỡng nan"!
Sau nhiều tháng ra sức tìm kiếm bến đậu mới, ông Nguyễn Duy Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Tàu cao tốc Vina Express cho biết, hiện DN đang đàm phán với Ban Quản lý bến Nhà Rồng (Quận 4) để xin được hoạt động tại đây. Tuy nhiên, nếu suôn sẻ thì giá thuê mặt bằng cũng phải trên 100 triệu đồng/tháng (gấp đôi so với bến cũ). Chưa hết, rất nhiều khả năng Ban Quản lý bến Nhà Rồng cũng không cho xe đưa đón hành khách (HK) vào trong khuôn viên và cầu cảng. Mặt khác, do di chuyển sang địa điểm mới nên nhiều khả năng thời gian đầu HK sẽ rất bỡ ngỡ chuyện đi lại, còn đường Nguyễn Tất Thành (Quận 4 - tuyến chính để đi đến bến) quá chật hẹp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lượng khách sẽ giảm, doanh thu giảm theo. Với khó khăn trên nên Vina Express đã cắt giảm khoảng 5% lực lượng lao động.
Doanh nghiệp kinh doanh tàu nhà hàng, du lịch vẫn đang gặp khó
|
Cũng tìm được bến mới (thuộc Cảng Sài Gòn quận Bình Thạnh) hoạt động được một tháng nay nhưng theo ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, nếu giá thuê mặt bằng bến cũ khoảng 40 triệu đồng/tháng thì nay đã hơn 120 triệu đồng/tháng (gấp 3 lần). "Hiện chúng tôi đã bán bớt 3 tàu trong tổng số 10 tàu do kinh doanh không hiệu quả, cắt giảm 15% số lượng nhân sự do không trả được lương", ông Lâm chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Mỹ Cảnh (quận 4) vẫn không biết đi đâu về đâu. Ông Nguyễn Văn Thanh, Thuyền trưởng tàu Mỹ Cảnh cho biết, dù đã chủ động liên hệ và làm việc với các bến cảng gần đó để xin được hoạt động nhưng bất thành. Lý do là cầu cảng đã quá tải nên không tiếp nhận bất cứ DN nào nữa. Trước đây DN neo đậu ở thượng nguồn gần cầu Thủ Thiêm 1 nhưng hiện tại thành phố không cho neo đậu nữa do đang xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Mới đây, do bí bách nơi neo đậu cộng với việc lo ngại sẽ ảnh hưởng luồng lạch, gây mất an toàn đường thủy nội địa, lực lượng CSGT đường thủy đã bố trí thuyền của công ty đậu nhờ tại khu vực Saigon Pearl (quận Bình Thạnh) nhưng sau đó lại bị Cảng vụ Hàng hải thành phố xử phạt do đậu trái phép. "Chúng tôi hết cách rồi, giờ neo đậu ở đâu cũng bị phạt. Còn bến chính thức hoạt động thì chỉ tính từng ngày. Nếu tình trạng này không có hướng ra thì phải treo tàu, ngừng hoạt động", ông Thanh bức xúc.
Đâu là lối ra?
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho biết, chủ trương của thành phố về cải tạo chỉnh trang lại bến Bạch Đằng theo quy hoạch đã có hơn một năm nay. Và thực tế, trước đó, Sở GT-VT cũng có công văn gia hạn 2 lần cho các tàu du lịch và tàu nhà hàng được hoạt động tại bến Bạch Đằng (đến ngày 30-3 tới). Thế nhưng nhiều DN vẫn chưa tìm được bến và nhiều khả năng lại kiến nghị gia hạn. Điều này là không thể được bởi quan điểm của thành phố dứt khoát đến hạn các DN phải chuyển đi để phục vụ cho chủ trương chung. Hơn nữa, Sở GT-VT có chức năng quản lý và cấp phép các bến bãi cho các phương tiện thủy hoạt động nên nếu DN tìm được bến mới thì cần đề nghị Sở GT-VT trong việc phối hợp để xin phép được hoạt động bến mới, chứ Sở không thể đi tìm bến mới thay các DN được.
Trước trả lời của lãnh đạo ngành GT-VT thành phố, ông Bùi Công Trùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tàu cao tốc Vina Express bức xúc: "Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa chắc có được thuê bến mới hay không? Trong khi đó, thành phố "nói" DN tự tìm bến mới chẳng khác nào đánh đố chúng tôi. Cơ quan nhà nước cần "soi đường, chỉ lối" bằng các chính sách, chủ trương thông suốt để tạo điều kiện cho DN làm ăn, chứ để DN "tự bơi" như thế này thì làm khó cho DN quá".
Theo một chuyên gia kinh tế, cơ quan chức năng của thành phố cần hết sức cân nhắc trên mọi phương diện và có lộ trình đi cụ thể và đúng hướng. "Mọi chính sách và chủ trương đưa ra của cơ quan nhà nước phù hợp sẽ trở thành chất xúc tác tạo sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nếu ngược lại sẽ trở thành lực cản…", chuyên gia kinh tế này nói.
Hà Phạm
Hà Nội mới
|