Tác động vào số liệu thống kê là không chấp nhận được
Sự tác động vào số liệu thống kê do bất cứ cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương nào thực hiện vì bất cứ lý do gì đều không thể chấp nhận được.
TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh điều này trên Báo Đầu tư.
Ông Lâm cho biết, ngày 11/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi. Ông tin tưởng rằng, Luật Thống kê sau khi sửa đổi sẽ chấm dứt tình trạng can thiệp vào hoạt động thống kê khiến số liệu thống kê mất đi tính khách quan, trung thực, kịp thời, chính xác.
Ông chia sẻ, việc nâng cao chất lượng thống kê đã được ngành thống kê đặt ra từ lâu và thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện. Tuy nhiên, nếu chỉ ngành thống kê là chưa đủ, bởi chất lượng thống kê phụ thuộc vào sự phối hợp và triển khai nghiêm túc của 3 nhóm chủ thể, gồm nhóm cung cấp thông tin (cá nhân, đơn vị); nhóm sản xuất và phổ biến thông tin (ngành thống kê) và nhóm sử dụng thông tin. Do chưa có sự phối hợp và triển khai nghiêm túc của 3 nhóm chủ thể này nên mới tồn tại thực tế chênh lệch về số liệu thống kê. Đây cũng là vấn đề nổi cộm trong công tác thống kê hiện nay.
Chính vì vậy, dự thảo Luật Thống kê sửa đổi quy định rõ quy trình sản xuất thông tin thống kê; công tác thẩm định số liệu của Tổng cục Thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê quốc gia do các bộ, ngành thu thập, tính toán và tổng hợp; thẩm định phương án, biểu mẫu của các cuộc điều tra thống kê do bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý tình trạng tác động vào số liệu thống kê do cơ quan thống kê thực hiện, ông Lâm khẳng định: “Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời” và “độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê” là những nguyên tắc cơ bản, quan trọng hàng đầu trong hoạt động thống kê.
Chính vì vậy, sự tác động vào số liệu thống kê do bất cứ cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương nào thực hiện vì bất cứ lý do gì đều không thể chấp nhận được. Điều này trái với những nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê đã và đang được áp dụng trên toàn thế giới.
Ông Lâm nhấn mạnh rằng, công tác thống kê không chỉ là căn cứ để hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch, mà còn là công cụ để kiểm tra, giám sát việc thực hiện và đánh giá việc hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch.
Vì thế, nếu số liệu thống kê không đáng tin cậy do bị can thiệp, tác động bởi bất cứ chủ thể nào thì cơ quan quản lý nhà nước không thể có căn cứ khách quan, trung thực trong hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực và cũng không có cơ sở để kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch đã được đặt ra.
Về câu hỏi làm để nào để hạn chế sự chênh lệch một số số liệu thống kê giữa TW và địa phương hiện nay, ông Lâm cho biết, hiện nay, chỉ tiêu GDP của địa phương do cục thống kê cấp tỉnh tính toán và công bố, nên có sự sai lệch, thậm chí là sai lệch rất lớn so với chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố.
Tương tự, số liệu về tỷ lệ thất nghiệp, số việc làm mới được tạo ra, số doanh nghiệp mới thành lập, giải thể, vốn đăng ký… do địa phương công bố cũng khác xa so với số liệu tổng hợp do Tổng cục Thống kê công bố.
Để khắc phục hiện tượng này, trong thời gian tới Tổng cục Thống kê sẽ trực tiếp tính toán và công bố chỉ tiêu GDP của từng địa phương, không để các tỉnh, thành phố tự tính toán và công bố, nhằm đảm bảo tính khách quan của số liệu; tăng cường chất lượng thông tin thống kê đầu vào và siết chặt kỷ cương trong việc thu thập, tổng hợp, biên soạn, công bố số liệu thống kê.
Ngoài ra, việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất số liệu thống kê cũng sẽ giảm thiểu sự can thiệp bằng ý chí chủ quan của con người.
Chính phủ
|