Thứ Hai, 09/03/2015 09:06

Ước mơ Hy Lạp không thành sự thật

Hy Lạp đã không rời Eurozone, lại chấp nhận bốn tháng tiếp tục thực hiện các điều kiện mà châu Âu đặt ra – những điều vốn đi ngược lại chủ trương của Đảng Syriza mới giành thắng lợi.

Những ngày cuối tháng Hai, Hạ viện Đức đã bỏ phiếu chấp thuận việc gia hạn thêm bốn tháng chương trình cho vay của các chủ nợ quốc tế đối với Hy Lạp, sau khi nhận được sự đồng ý từ các Bộ trưởng tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Hy Lạp vẫn cần thêm nhiều tiền và nhiều cuộc đàm phán nữa để thoát cảnh vỡ nợ

Cách mạng... xẹp

Cuối cùng, cuộc cách mạng nhằm đưa đất nước Hy Lạp sớm thoát khỏi cảnh thắt lưng buộc bụng do đảng Syriza, mà đứng đầu là tân Thủ tướng Alexis Tsipras và những người ủng hộ họ giờ đây đã sớm xì hơi và sự nhiệt tình dành cho nó cũng nhanh chóng bị dập tắt.

“Châu Âu sẽ thay đổi”, ông Alexis Tsipras đã phát biểu như vậy trước chuyến công du châu Âu tìm kiếm một hướng đi mới dễ chịu hơn. Tuy nhiên, mọi chuyện dường như đã sớm chấm dứt sau cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng tài chính từ 19 quốc gia sử dụng đồng Euro. Trong phiên họp này, một thỏa thuận đạt được giữa các bên đã giúp Hy Lạp thoát khỏi cảnh phá sản lơ lửng trong suốt thời gian qua, đồng thời xóa đi nguy cơ rời bỏ Eurozone, khối EU của Hy Lạp - một sự ra đi mà nếu thành hiện thực thì sẽ là một đòn chí mạng vào nỗ lực hợp nhất trong suốt sáu thập kỷ qua của châu Âu.

Niềm tin rằng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy sẽ đứng sau Hy Lạp trong cuộc chiến chống thắt lưng buộc bụng đã nhanh chóng tan vỡ. Guntram Wolff, Giám đốc của Bruegel, một nhóm nghiên cứu ở Brussels cho rằng, Syriza đã sai lầm nghiêm trọng ngay từ đầu khi chọn cách tiếp cận đối đầu với EU. Sai lầm lớn nhất của Tsipras là nghĩ rằng tất cả các quốc gia Nam Âu, hoặc chí ít là các nước có cùng cảnh ngộ sẽ ủng hộ Hy Lạp. Thực tế, không nước nào muốn tham gia cuộc cách mạng của ông ta cả.

Một thỏa thuận giải cứu Hy Lạp trong bốn tháng buộc nước này phải tuân thủ những mục tiêu tài chính và các điều kiện khác mà trước đó họ thề sẽ xóa sổ, đồng thời tiếp tục phải chịu sự giám sát của bộ ba chủ nợ gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà đảng Syriza từng muốn trục xuất. Các bộ trưởng tài chính châu Âu cũng nói rõ, Hy Lạp sẽ không được nhận thêm bất kỳ xu nào cho tới khi họ có thể kiểm soát được mức chi tiêu.

Về ý muốn tự chủ của Hy Lạp, Chủ tịch Eurogroup, cũng là Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem thẳng thắn: Không thể có chuyện một đất nước nào đó nói “Liệu tôi có thể nhận được sự trợ giúp nhưng tự tôi sẽ đưa ra điều kiện không?”. Còn Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble chỉ trích những điều khoản mà chính quyền mới của Hy Lạp đòi hỏi được giải cứu là “ảo tưởng”. Ngay cả quốc gia từng phải chịu đựng các biện pháp thắt lưng buộc bụng sau khi ký thỏa thuận nhận cứu trợ với những điều kiện khắt khe như Bồ Đào Nha, cũng đã đứng về phía Đức, Phần Lan và những quốc gia Bắc Âu khác.

Con đường duy nhất?

Hy Lạp đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng với tổng số nợ đã lên tới 320 tỷ Euro, tương đương 175% GDP. Hiện Hy Lạp đang cần gấp hơn 1,5 tỷ Euro để thanh toán một khoản nợ của IMF vào tháng Ba. Trong khi đó, nền kinh tế Hy Lạp vừa suy giảm 0,4% trong quý IV/2014. Đây là lần đầu tiên, kinh tế Hy Lạp có mức tăng trưởng quý bị âm kể từ khi nước này thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài sáu năm hồi năm ngoái.

Thời hạn để Hy Lạp nộp danh sách các biện pháp vực dậy đất nước theo yêu cầu của các chủ nợ đang đến rất gần. Ngay cả khi vượt qua được vòng kiểm tra này để nhận gói cứu trợ trị giá 240 tỷ Euro cho bốn tháng sắp tới thì họ vẫn cần thêm nhiều tiền và nhiều cuộc đàm phán nữa để thoát cảnh vỡ nợ.

Hy Lạp không có lựa chọn mang tên “đối đầu”. Một bài học thực tế rất khác về thắt lưng buộc bụng ở Bồ Đào Nha luôn được nêu ra. Nước này đã chịu đựng những năm dài thắt lưng buộc bụng sau khi xin trợ giúp từ Eurozone, đã trải qua giai đoạn gian khổ và trở lại từ cuộc giải cứu, tập trung vào những biện pháp giúp khôi phục lại nền tài chính “rách bươm”.

Theo Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Maria Luís Albuquerque, “Đó là giai đoạn lấy lại lòng tin và tuân thủ chặt chẽ biện pháp khắc khổ”.

Minh Anh

thế giới và Việt Nam

Các tin tức khác

>   Đồng euro mất giá: Triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa  (08/03/2015)

>   Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ thấp nhất trong vòng bảy năm qua (08/03/2015)

>   Bộ Tài chính Mỹ hối thúc Quốc hội nhanh chóng nâng trần nợ công  (08/03/2015)

>   Vàng chìm gần 3% xuống thấp nhất gần 4 tháng (07/03/2015)

>   Dầu sụt hơn 2%, khép lại tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp (07/03/2015)

>   Phố Wall tụt dốc vì sợ Fed sớm nâng lãi suất (07/03/2015)

>   Đồng bạc xanh vững giá trên thị trường giao dịch châu Á (06/03/2015)

>   Đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá xuống mức thấp kỷ lục mới (06/03/2015)

>   Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu bắt đầu “nhấn ga” (06/03/2015)

>   Toàn bộ ngân hàng lớn tại Mỹ vượt qua kỳ sát hạch của Fed (06/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật