Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu bắt đầu “nhấn ga”
Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng cao hơn nhờ giá dầu giảm mạnh và đồng euro giảm giá nhưng sự hồi phục này vẫn còn thấp hơn nhiều số liệu tương ứng của Mỹ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
|
Các báo cáo mới công bố cho thấy hoạt động kinh tế của Eurozone đã hồi sinh sau nhiều năm trì trệ, đặc biệt là hoạt động chi tiêu tiêu dùng.
Một trong những tín hiệu rõ ràng nhất về hiện trạng kinh tế, doanh số bán lẻ ở Eurozone trong tháng 1/2015 tăng 1,1% so với tháng trước đó. Con số này, do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố, là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 5/2013. Con số trên cũng cao hơn mức tăng 0,2% theo dự kiến của nhiều nhà phân tích và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2014, mức cao nhất kể từ tháng 8/2005.
Giống như hầu hết nền kinh tế Phương Tây, chi tiêu tiêu dùng là nhân tố cơ bản cho tăng trưởng kinh tế của Eurozone và sự thực số liệu này tăng mạnh và ổn định - tăng bốn tháng liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2000 - là một tín hiệu tích cực.
Theo nhà kinh tế trưởng Howard Archer của IHS Global Insight, điều này củng cố niềm tin của họ về việc tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ nâng lên 1,6% năm 2015 khi nhận được những tác động tích cực từ việc giá dầu thấp, đồng euro giảm giá mang lại sức cạnh tranh tốt hơn và gói kích cầu lớn của ECB.
Trong khi đó, một báo cáo khác cho thấy kinh tế Eurozone trong tháng 2/2015 tăng trưởng cao nhất trong 7 tháng qua với đồng euro giảm giá hỗ trợ niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
Đồng euro đã giảm giá mạnh trong những tháng gần đây và hiện được giao dịch ở mức thấp nhất so với USD trong khoảng 11 năm qua.
Công ty khảo sát thị trường/cung cấp dịch vụ thông tin tài chính Markit cho biết chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) - hàn thử biểu về hoạt động kinh tế - tăng tháng thứ ba lên 53,3 điểm trong tháng 2/2015, từ mức 52,6 điểm trong tháng 1/2015, với số đơn đặt hàng chế tạo mới tăng khá.
Đáng chú ý, Markit nhận thấy hoạt động kinh tế gia tăng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2014 ở cả bốn nền kinh tế lớn của Eurozone gồm Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha.
Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của Markit cho biết đáng mừng nhất là những tín hiệu về tăng trưởng hồi phục ở Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone. Khi kinh tế Pháp trì trệ nhiều nhà kinh tế cho rằng Chính phủ nước này không đủ kiên nhẫn để theo đuổi những cải cách cần thiết.
Theo ông Williamson, triển vọng hiện khá sáng sủa đối với tất cả quốc gia trong khu vực và hoạt động kinh tế khu vực trong thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ của một loạt nhân tố, trong đó lo ngại về khả năng Hy Lạp từ bỏ đồng euro dịu bớt, đồng euro giảm giá và "có lẽ quan trọng nhất” là việc ECB bắt đầu khởi động chương trình mua trái phiếu trị giá 1.100 tỷ euro (1.120 tỷ USD) từ 9/3 tới.
Anh Quân
Vietnam+
|