Toàn bộ ngân hàng lớn tại Mỹ vượt qua kỳ sát hạch của Fed
Toàn bộ 31 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đều vượt qua giai đoạn 1 của kỳ sát hạch thường niên của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về khả năng sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra một đợt suy giảm kinh tế mạnh.
Đợt kiểm tra của Fed năm nay cho thấy các ngân hàng lớn nhất trong đó có Goldman Sachs lại là những cái tên cho kết quả yếu kém nhất. (Nguồn: postgradproblems.com)
|
Kết luận ngày 5/3 của Fed cho biết trong cuộc sát hạch mới nhất về khả năng chống đỡ trước một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra, tất cả các ngân hàng đáp ứng điều kiện duy trì tối thiểu 5% vốn cấp 1 - thước đo chuẩn nhất năng lực vượt qua được một cuộc khủng hoảng tài chính của một ngân hàng.
Xét tổng thế, kết quả kiểm tra cho thấy "sức khỏe" của các ngân hàng trong năm 2015 đã tốt hơn. Cụ thể, tỷ lệ vốn cấp 1 trung bình thực chất của 31 ngân hàng trước khi kiểm tra là 11,9%, tăng so với 11,5% của năm 2014 trong khi con số này trong thực hành kiểm tra là 8,2%, cao hơn kết quả 7,6% năm trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2009 tất cả các ngân hàng đều đáp ứng được mốc vốn tối thiểu 5%.
Tuy nhiên, đợt kiểm tra năm nay cho thấy các ngân hàng đầu tư lớn nhất lại là những cái tên cho kết quả yếu kém nhất. Tỷ lệ vốn cấp 1 của Goldman Sachs giảm xuống 6,3%, JPMorgan 6,5% và Morgan Stanley 6,2%. Fed cho rằng nguyên nhân xuất phát chính từ hoạt động sâu rộng của các ngân hàng này trong thị trường vốn. Zions Bancorp tiếp tục là ngân hàng xếp cuối về khả năng đối phó khủng hoảng với tỷ lệ vốn cấp 1 chỉ xấp xỉ trên mức tối thiểu - 5,1%.
Fed không đưa ra nhận định chi tiết về kết quả của từng ngân hàng, song ghi nhận tiến triển đáng kể toàn ngành kể từ thời điểm khủng hoảng 2008. Phó Chủ tịch Hội đồng Kiểm tra các thể chế tài chính liên bang Mỹ Daniel Tarullo cho biết mục đích của cuộc kiểm tra là nhằm đảm bảo các ngân hàng trọng yếu của Mỹ có đủ vốn để thực hiện cho vay đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Trong khi đó, Frank Keating, Chủ tịch Hiệp hội các chủ ngân hàng Mỹ, nhận định với tổng số vốn toàn ngành lên tới 1.700 tỷ USD, có thể tin rằng các ngân hàng có đủ năng lực để tiếp tục là "lực đẩy" của nền kinh tế.
Đây là lần thứ 5 Fed tiến hành sát hạch định kỳ năng lực vượt qua khủng hoảng của các ngân hàng kể từ năm 2009, thời điểm nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Trong bài sát hạch, Fed đưa ra kịch bản xấu nhất về một cuộc khủng hoảng lớn khi nền kinh tế tăng trưởng âm ở mức 4,5% trong một năm, tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 4% và 31 ngân hàng lớn ước tính sẽ thiệt hại khoảng 490 tỷ USD tài sản. Trong cuộc sát hạch năm nay, Fed còn bổ sung giả định trường hợp xảy ra hàng loạt các vụ vỡ nợ tập đoàn. Dự kiến, giai đoạn 2 của cuộc sát hạch sẽ diễn ra vào tuần tới.
vietnam+
|