Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 2 tháng tăng 11,4%
Bộ Công Thương mới cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội cả nước tháng 2 ước đạt hơn 276 nghìn tỷ đồng tăng 3,7% so với tháng trước.
Khách chọn mua hàng tại Siêu thị Co.op Mart Hoàng Mai (Hà Nội). (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
|
Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ cả nước ước đạt hơn 542,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành thương nghiệp ước đạt 413,177 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng gần 76,2%; ngành khách sạn nhà hàng đạt 64,201 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5%, chiếm tỷ trọng 11,8%; du lịch ước đạt 4,504 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4%, chiếm tỷ trọng 0,8% dịch vụ đạt 60,807 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5%, chiếm tỷ trọng 11,2%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm 0,05 % so với tháng 1, chủ yếu do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm giá và tăng 0,34 % so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 2, thị trường tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng như hàng gia dụng, quần áo, giày dép, thực phẩm, bánh mứt, nước giải khát các loại… khá sôi động, nhiều chương trình giảm giá được các doanh nghiệp đồng loạt áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân nên không xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền.
Đến thời điểm sát Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tình hình tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang...
Công tác kiểm tra tập trung vào một số nội dung phân phối các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết; các vấn đề phát sinh trên thị trường, khó khăn, tồn tại, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị; lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm một số mặt hàng...
Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường các địa phương cũng đảm bảo đường dây nóng thông suốt từ lãnh đạo Chi cục tới các đội và các lực lượng phối hợp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ công tác trên từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng tập trung làm nhiệm vụ khi có sự việc xảy ra.
Đồng thời, các Chi cục cũng phối hợp chặt chẽ lực lượng Công an trên các địa bàn tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân vui Tết, sẵn sàng phối hợp hỗ trợ các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng pháo các loại, đồ chơi trẻ em bạo lực; về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, để phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian tới có hiệu quả cần có sự phối hợp giữa các ngành, nhất là sự vào cuộc của các địa phương.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng tăng cường công tác chống buôn lậu và hàng giả; kiểm tra, giám sát các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và kiểm soát giá đối với những mặt hàng thiết yếu./.
Đỗ Thảo Nguyên
vietnam+
|