Thứ Hai, 09/03/2015 08:38

Quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài: Tầm nhìn của Thủ đô năng động

Đó là nhận định của một số thành viên Chính phủ về đồ án quy hoạch được đánh giá tầm cỡ quy mô bậc nhất này. Về một số nội dung quan trọng mà TP Hà Nội đưa ra lấy ý kiến là nguồn vốn và cơ chế đầu tư đã được các thành viên Chính phủ có ý kiến và những "gợi ý" xác đáng, mang tính khả thi cao.

 Trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài: Cần 11.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng

Quy hoạch hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài được xây dựng góp phần tạo nên một Thủ đô xứng tầm. Ảnh: Hoàng Hà

Ý tưởng "rồng đón ngọc"

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, quy hoạch hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài được xây dựng nhằm tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội, mang ý tưởng "rồng đón ngọc" với xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu rồng quay về sông Hồng - Hồ Tây. Đây là cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế giới và là một trong những không gian trọng yếu có vai trò kết nối giao thông khu trung tâm Thủ đô với không gian cửa ngõ hàng không quốc gia, gắn kết khu vực đô thị hai bên sông Hồng; nơi tạo lập hình ảnh đô thị đặc trưng của Thủ đô với các trung tâm dịch vụ công cộng cấp đô thị, trung tâm văn hóa, triển lãm, y tế, thương mại… gắn kết với các không gian mở của khu vực phía Bắc, đặc biệt là không gian xanh mặt nước sông Thiếp, đầm Vân Trì, sông Hồng, sông Cà Lồ…

Đồ án có quy mô trên 2.080ha, trải dài trên 11km, điểm đầu là Sân bay quốc tế Nội Bài, điểm cuối cầu Nhật Tân, phân làm 4 đoạn. Đoạn 1, là đô thị cửa ngõ (từ sân bay Nội Bài đến đường Vành đai 3), gồm các khu vực: Khu nông nghiệp chất lượng cao với các trang trại nông sản cây hoa đặc sản Hà Nội và các vùng miền (80ha); khu công viên cây xanh hồ điều hòa Sơn Du kết hợp trưng bày các sản phẩm khoa học - công nghệ (55ha). Khu vực này thành phố đang nghiên cứu chủ trương xây dựng theo hướng trở thành khu công viên công nghệ thông tin và kỹ thuật số...

Đoạn 2, là đô thị ASEAN (từ đường Vành đai 3 đến đầm Vân Trì) gồm các khu vực: Tòa tháp đôi biểu tượng thể hiện cho cửa ngõ đô thị với hình tượng búp sen tạo điểm nhấn; Khu trung tâm hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ thương mại Nam ga Bắc Hồng (quy mô 30,5ha); Khu trung tâm văn hóa du lịch dịch vụ ASEAN, làng văn hóa ASEAN, công viên ASEAN (35ha)… tiêu biểu cho văn hóa, lịch sử của 10 nước ASEAN.

Đoạn 3, là đô thị biểu tượng - đô thị bên sông (từ đầm Vân Trì đến đê sông Hồng) bao gồm các khu vực: Trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ Phương Trạch mang tầm cỡ quốc tế và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, tòa Tháp tài chính cao khoảng 108 tầng là điểm nhấn chính, trọng tâm của khu vực. Tiếp đó là khu Công viên kết hợp hồ điều hòa Hải Bối; Công viên cây xanh trên cơ sở mặt nước tự nhiên đầm Vân Trì, đầm Vĩnh Thanh.

Đoạn 4, là đô thị sinh thái - đô thị nước (khu vực ngoài đê sông Hồng). Với khu vực dân cư hiện có, thành phố chủ trương cải tạo chỉnh trang, mở rộng tuyến đường ngõ xóm, bổ sung các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiểm soát về chỉ tiêu, hình thức kiến trúc và tổ chức không gian cảnh quan gắn kết hài hòa với khu vực xây mới bằng các không gian chuyển tiếp. TP Hà Nội cũng dự kiến dành khoảng 40ha để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.

33.000 tỷ đồng - không quá khó

Ước tính, để triển khai đồ án quy hoạch này cần khoảng 11.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng (GPMB) và 22.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông khung. Đây là một khoản kinh phí rất lớn. Do đó, để huy động được các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ, TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, khả năng ứng vốn GPMB, xây dựng hạ tầng khung, có năng lực xây dựng và vận hành quản lý khai thác sau đầu tư (đô thị có chủ). Về cơ chế đầu tư, trên cơ sở cân đối nguồn tiền thu từ sử dụng đất, giao các nhà đầu tư (được lựa chọn) của các dự án phát triển đô thị ứng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung và được khấu trừ tiền sử dụng đất của dự án phát triển đô thị. Trường hợp thiếu, đề nghị Chính phủ cho phép huy động từ các nguồn vốn khác…

Hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có vị trí đẹp, phù hợp để xây dựng thành khu đô thị đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Hoàng Hà

Khẳng định số tiền 33.000 tỷ đồng là rất lớn, song các thành viên Chính phủ cho rằng, hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có một cơ chế kêu gọi đầu tư phù hợp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng: Quỹ đất hai bên đường theo như đồ án quy hoạch rất hấp dẫn. Tuy nhiên, điều quan trọng là TP Hà Nội phải quản lý để giữ đúng được hiện trạng như quy hoạch. Ngoài các nhà đầu tư trong nước còn có nước ngoài, mà nhà đầu tư nước ngoài rất ngại phải tham gia vào công tác GPMB. Do đó Nhà nước phải GPMB, làm hạ tầng cơ sở thì mới hấp dẫn được các nhà đầu tư. Khoản tiền 30.000-40.000 tỷ đồng nói là nhiều nhưng thực tế cũng không phải là quá lớn nếu phân kỳ ra nhiều năm. Vấn đề quan trọng là cơ chế kêu gọi đầu tư. Nếu tập trung GPMB và làm hạ tầng trong 5 năm, mỗi năm chỉ khoảng 8.000 tỷ đồng.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có vị trí đắc địa, nếu có một cơ chế phù hợp thì hoàn toàn có thể gọi đầu tư. 22.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng khung và 11.000 tỷ GPMB sẽ không phải là vấn đề quá lớn. Từ kinh nghiệm triển khai các dự án đô thị trước đó, có thể xây dựng khu mới này hoàn toàn đồng bộ, hiện đại, nên lựa chọn đấu thầu hạn chế để chọn ra được những nhà đầu tư tốt nhất.

Một số ý kiến khác cho rằng, nhất thiết Nhà nước phải đứng ra GPMB chứ không thể để nhà đầu tư, bởi sẽ dẫn tới không bảo đảm mục tiêu quy hoạch. Nhiều nơi đã có tình trạng nhà đầu tư trực tiếp GPMB sau thấy vướng mắc thì bỏ dở; trong khi GPMB cũng phải đồng bộ, tránh tình trạng chỗ nào phát triển được thương mại, dịch vụ thì làm nhanh, chỗ làm công viên hoặc công trình phúc lợi xã hội lại làm chậm.

Khẳng định quyết tâm triển khai đồ án quy hoạch nhằm xây dựng một Thủ đô xứng tầm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trách nhiệm của Chính phủ cùng các ngành chức năng và TP Hà Nội phải tính toán được nguồn vốn dự kiến phục vụ GPMB, tiếp đó xây dựng hạ tầng theo nguyên tắc đa dạng nguồn vốn (nguồn ODA, vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ, nguồn của địa phương, BOT). Về cơ chế chính sách đặc thù và quản lý đầu tư phát triển hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài, Nhà nước phải chủ động đứng ra thu hồi đất, thực hiện tốt chính sách đền bù, tái định cư, tinh thần là tái định cư tại chỗ. Nhà nước ứng vốn đền bù GPMB, sau đó khi giao đất cho nhà đầu tư sẽ trả lại. Chênh lệch địa tô sẽ quay trở lại phát triển dự án. Giá đất theo nguyên tắc là giá thị trường, nhưng cũng linh hoạt tùy theo dự án, tính theo mục đích sử dụng, không thể tính toán giá đất giao làm dự án nông nghiệp như là dự án thương mại.

Tuấn Lương

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Biệt phủ 5 triệu USD: Đại gia vàng trả giá trên ‘chấm phạt đền’ (07/03/2015)

>   Đà Nẵng buộc khách sạn công bố chất lượng thật (07/03/2015)

>   Tổng kiểm tra 1.244 chung cư ở TP.HCM (07/03/2015)

>   Bất động sản: Rộn ràng mua bán (07/03/2015)

>   Trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài: Cần 11.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng (07/03/2015)

>   Tín dụng bất động sản: Ghi nhận chiều hướng tích cực (07/03/2015)

>   Để người nước ngoài sở hữu nhà ở thuận lợi (07/03/2015)

>   3 đối tượng được vay vốn để phát triển nhà ở xã hội (06/03/2015)

>   Địa ốc Kim Oanh đặt mục tiêu phân phối hơn 4,000 sản phẩm trong năm 2015 (06/03/2015)

>   Đầu cơ bất động sản trở lại: Có đáng ngại? (10/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật