Nhịp đập Thị trường 18/03: VCB kéo Ngân hàng tăng nhẹ, VN-Index vẫn mất mốc 580
Nhiều cổ phiếu Ngân hàng vẫn suy giảm nhưng cổ phiếu có ảnh hưởng lớn VCB đã kéo nhóm này gia tăng nhẹ. Tuy nhiên, sự tích cực ở VCB vẫn không thể giúp VN-Index giữ vững mốc 580 điểm.
Kết thúc giao dịch, VN-Index giảm hơn 3 điểm về 578.68 điểm, còn HNX-Index giảm 0.31 điểm, tương ứng 0.36% về 85.05 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức gần 155 triệu đơn vị, tương ứng gần 2,450 tỷ đồng.
Nổi bật trong phiên chiều là sự bứt phá của VCB, kết phiên cổ phiếu này tăng nhẹ 100 đồng nhưng cũng đủ sức kéo nhóm Ngân hàng tăng 0.1%. Bên cạnh nhóm này, Thiết bị điện – Điện tử viễn thông, DV Chuyên môn khác hàng, Lưu trú và giải trí cũng gia tăng nhưng không mạnh, lần lượt ở mức 0.96%, 0.78% và 0.54%.
Đà suy giảm mạnh của các nhóm ngành còn lại đã kéo cả hai chỉ số giảm đáng kể. Trong đó, tác động mạnh nhất có thể kể đến là SX Thủy sản, Khai khoáng và Nông – Lâm – Ngư với mức giảm lần lượt 2.6%, 2.17% và 1.01%, với tác động mạnh bởi một số cổ phiếu như MPC, PVD, PVS, PVC,...
Nhóm Large Cap vẫn là tâm điểm kéo chỉ số giảm sâu với 0.54%, các nhóm còn lại từ Mid Cap đến Micro Cap chỉ giảm lần lượt 0.1%, 0.13% và 0.05%.
Khối ngoại phiên hôm nay mua ròng nhẹ trên cả hai sàn với gần 830 ngàn đơn vị trên HOSE và 968 ngàn đơn vị trên HNX.
Tâm lý giới đầu tư nhìn chung rất thận trọng khiến giao dịch thị trường có thể còn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.
13h50: Cầu bắt đáy nhỏ giọt, sắc đỏ nhấn chìm thị trường
Lực cầu le lói xuất hiện cuối phiên sáng nhưng lực cung thậm chí còn mạnh hơn nhiều lần đẩy chỉ số đi xuống. Tuy nhiên điểm tích cực là nhà đầu tư không bán bằng mọi giá giúp cả hai chỉ số không giảm sâu.
Tính đến 13h50, VN-Index về giao dịch dưới mốc 580 điểm khi giảm 2.51 điểm. Còn HNX-Index giảm 0.33 điểm về 85.03 điểm. Khối lượng giao dịch ở mức gần 113 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,855 tỷ đồng.
Có 240 mã giảm điểm với 13 mã giảm sàn và chỉ có gần 130 mã tăng điểm với 11 mã tăng trần. Vẫn còn hơn 370 mã đứng tham chiếu và không có giao dịch.
Nhóm Large Cap và Mid Cap giảm mạnh nhất với lần lượt 0.29% và 0.33%.
Phiên sáng: VN-Index giằng co quanh 580, tín hiệu hồi phục le lói
VN-Index suy giảm mạnh kể từ giữa phiên sáng và giao dịch dưới 580 điểm trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, với kỳ vọng thị trường sẽ diễn biến tốt trong năm 2015, lực mua bắt đáy gia tăng giúp cả hai chỉ số thu hẹp đà giảm.
Kết phiên sáng, VN-Index giảm 1.09 điểm, tương ứng 0.19% nhưng vẫn giữ được mốc 580 điểm. Còn HNX-Index cũng chỉ còn giảm 0.17 điểm, tương ứng 0.2% về 85.18 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường tăng khá lên gần 85 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,300 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu Ngân hàng vẫn là nguyên nhân kéo chỉ số suy giảm. Theo thống kê, trong top 5 cổ phiếu tác động thiếu tích cực đến chỉ số nhất thì có đến 3 cổ phiếu Ngân hàng là BID, CTG, VCB, hai cổ phiếu còn lại là PVD và MPC. Tuy nhiên, ở chiều ngược, tác động tích cực lại có sự xuất hiện của EIB với tỷ lệ đóng góp 0.024%. Trong phiên ngày 17/03, EIB có thỏa thuận tại giá sàn gần 11 triệu đơn vị.
Về diễn biến chung trên thị trường, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế với gần 200 mã giảm điểm, trong đó có 15 mã giảm sàn. Số cổ phiếu tăng giá chỉ 128 mã với 10 mã tăng trần. Do tâm lý thận trọng cao độ và trạng thái giằng co tâm lý, số cổ phiếu đứng giá lên đến hơn 410 cổ phiếu.
Nhóm các cổ phiếu Tiện ích công như BTP, VSH,... dưới ảnh hưởng từ tăng giá điện vẫn được mua vào. Hay một số cổ phiếu Vận tải như GMD, SVC,... hưởng ứng tích cực từ biến động giá dầu thế giới cũng gia tăng,... Đây là một vài điểm nhấn tích cực và cũng là tín hiệu cho sự hồi phục của hai chỉ số.
Khối ngoại phiên sáng mua vào không nhiều, chỉ gần 87 tỷ đồng trên HOSE, trong khi mua ròng hơn 6 tỷ trên HNX. Các cổ phiếu Ngân hàng cùng HAG, KBC, KDC,... đang được quan tâm.
10h20: Lực bán thắng thế, VN-Index mất mốc 580 điểm
Lực bán gia tăng mạnh đẩy nhóm các cổ phiếu lớn suy giảm. VN-Index mất trụ đỡ giảm hơn 2 điểm về giao dịch dưới mốc 580. Cổ phiếu Ngân hàng tiếp tục bị bán sau thời gian giằng co.
Rất nhiều cổ phiếu nhóm Ngân hàng như BID, CTG, MBB, STB, VCB, SHB,... giảm sâu hơn, trong khi đó, ACB đã về tham chiếu, EIB giao dịch không mạnh là nguyên nhân chính đưa chỉ số đi xuống. Bên cạnh đó, nhóm các cổ phiếu đóng vai trò trụ đỡ như GAS, HPG, HSG,... cũng không còn giữ được giá xanh kết hợp với nhóm các cổ phiếu đầu cơ có dòng tiền tập trung mạnh như FLC, KLF, CDO, FIT,... suy giảm càng làm chỉ số diễn biến xấu hơn.
Nhóm các cổ phiếu Tiện ích công kết hợp với một số cổ phiếu Xây dựng – Bất động sản đang là điểm sáng le lói trên thị trường, Trong đó, nổi bật ở BTP, SAM hay HUT, ICG. Một số cổ phiếu chứng khoán có cơ bản ổn định như BVS, KLS hay kết quả kinh doanh nổi bật như VDS cũng đang gia tăng góp phần giúp chỉ số không giảm sâu.
Tính đến 10h20, VN-Index giảm 3.31 điểm, tương ứng 0.57% về 578.45 điểm. Còn HNX-Index giảm 0.33 điểm, tương ứng 0.38% về 85.03 điểm.
Tâm lý thị trường hiện tại không chỉ là thận trọng mà dường như có phần bi quan hơn khi lực bán liên tục gia tăng và dứt khoát hơn ở các phiên trước. Với diễn biến này, khả năng cả hai chỉ số sẽ về những mức hỗ trợ mới.
Mở cửa: Cổ phiếu Ngân hàng giằng co, thanh khoản vẫn thấp
Thanh khoản tiếp tục chỉ ở mức thấp cho thấy tâm lý giới đầu tư vẫn đang thận trọng cao độ. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng chưa thể gia tăng trở lại, trong khi đó, một vài cổ phiếu có ảnh hưởng khác cũng chỉ đóng vai trò giữ nhịp.
Mở phiên giao dịch, với biến động thanh khoản không cao, cả hai chỉ số theo đó cũng chỉ dao động nhẹ. VN-Index giảm 0.36 điểm, tương ứng 0.06% về 581.4 điểm; còn HNX-Index tăng 0.09 điểm, tương ứng 0.11% về 85.45 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ gần 8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 110 tỷ đồng sau hơn 20 phút đầu phiên.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng vẫn là điểm nhấn, đầu phiên nhóm này có diễn biến tích cực hơn khi có ACB, EIB đang giao dịch ở mức giá xanh, nhiều cổ phiếu khác như SHB, MBB,... đứng tham chiếu. Giao dịch mạnh nhất trong nhóm nằm ở BID nhưng biến động giá tại cổ phiếu này khá giằng co.
Thông tin liên quan đến ngành Ngân hàng là tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm ở mức 0.68%, ngoài ra một số thông tin khác như giảm lãi suất tại MBB, quá trình xử lý nợ xấu,... cũng hứa hẹn một kết quả tưới sáng hơn cho ngành Ngân hàng.
Ngoài nhóm Ngân hàng, nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến nhóm các cổ phiếu Tiện ích công như Điện, Khai khoáng,... do tác động của việc tăng giá điện. Một số cổ phiếu như BTP, VSH, SBA, PPC,... đang dần thể hiện xu hướng này.
Giới đầu tư đang chú tâm quan sát diễn biến tỷ giá tiền đồng trước xu thế ngày càng mạnh lên của USD.
Duy Hoàng
|