Chủ Nhật, 15/03/2015 22:17

Dự án Công viên Sài Gòn tầm cỡ Đông Nam Á 11 năm hoang hóa

Dự án có thể nói là “khủng” với diện tích đất thu hồi từ 705 hộ dân tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh lên đến 485ha. Dự án có vốn đầu tư lên đến 500 triệu đôla Mỹ, với chức năng nhân giống, bảo tồn, trưng bày các loài thú quý hiếm trên thế giới.

Dự án còn biết đến cái tên Công viên Sài Gòn Safari là công viên du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á… Thế nhưng, 11 năm qua, kể từ ngày người dân bị thu hồi đất đến nay, họ lâm vào khó khăn trăm bề.

Ông Đoàn Văn Xuân (trái) cùng hộ dân bị ảnh hưởng dự án Thảo Cầm viên mới trình bày hàng đống đơn khiếu nại suốt hàng chục năm qua. Ảnh: Phùng Bắc.

Tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài lê thê từ đó đến nay vẫn chưa dứt. Đất rộng mênh mông bạt ngàn hoang hóa, dân không đất trồng trọt sinh nhai và thậm tệ hơn là không được tái định cư, chưa hết, chính sách đến bù hỗ trợ gặp nhiều phản ứng hàng chục năm qua chưa có hồi kết!

Nhìn đất bỏ hoang mà… xót lòng

Nhận được đơn khiếu nại của tập thể người dân là những hộ dân có đất, nhà cửa và tài sản khác bị ảnh hưởng trong dự án Công viên Sài Gòn Safari (còn gọi Thảo Cẩm viên mới) gửi đến Báo Lao Động & Đời sống, phóng viên đã có cuộc tiếp xúc với bà con người dân vào đầu tháng 3.2015. Hàng trăm người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, họ mang hoàn cảnh khác nhau, tâm trạng khác nhau, họ trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình cũng khác nhau, nhưng tất cả người dân ấy, họ đều có cái chung, đó là nỗi xót xa khi nhìn đất bị hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm. Tâm trạng chung của các hộ dân, đó là chính sách bồi thường, áp giá của UBND huyện Củ Chi, TPHCM có nhiều vấn đề khúc mắc, không công bằng… khiến họ suốt 11 năm qua đi khiếu nại, khiếu kiện kéo dài mà vẫn chưa có hồi kết.

Ngày 30.6.2004, Chủ tịch UBND TPHCM ký Quyết định 3263/QĐ-UB về duyệt phương án giá bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong dự án đầu tư xây dựng Thảo Cầm viên mới tại xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM. Trong quyết định này nêu rõ: “Đất vườn, gò tự nhiên trong khu dân cư được bồi thường theo đơn giá 150.000 đồng/mét vuông”.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện dự án, UBND huyện Củ Chi, TPHCM đã áp giá có “vấn đề”, thấp hơn so với quyết định của UBND TPHCM đã ban hành. Bên cạnh đó, hỗ trợ về tái định cư cũng được UBND TPHCM tính đến, thế nhưng 11 năm qua, chẳng ai nhận được sự hỗ trợ này. Càng bức xúc hơn, 11 năm qua đã trôi qua kể từ khi người dân bị thu hồi đất phục vụ cho dự án tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á, song dự án vẫn còn trên… giấy. Dân không nơi ở, không còn đất để sản xuất, trồng trọt… trong khi mỗi ngày phải chứng kiến cảnh cỏ dại mọc um tùm, hoang hóa càng dày rậm hơn. Không biết các cơ quan chính quyền, các cán bộ có trách nhiệm với dự án này có xót lòng như người dân?

Cơ sự nào dẫn đến khiếu kiện kéo dài chưa hồi kết?

Tiếp xúc với PV Báo Lao Động & Đời sống, các hộ dân cho biết: “Dự án ảnh hưởng đến 705 hộ dân, nhưng từ ngày 30.6.2014 đến nay, 11 năm trôi qua, tất cả các hộ dân đã giao đất, chỉ còn lại hơn 20 hộ là chưa giao vì khiếu nại, khiếu kiện quyết liệt ngay từ đầu. Thế nhưng, một điều kỳ lạ là UBND huyện Củ Chi đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với từng hộ dân. Do vậy, cần lập lại quy trình thu hồi đất theo trình tự do pháp luật quy định. Phải bố trí tái định cư ngay cho người dân, vì 11 năm qua chúng tôi sống lang bạt, không nhà, không đất. Rất nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh không nơi nương tựa, đi ở nhờ, ở tạm khắp nơi để chờ được tái định cư. Khi UBND huyện Củ Chi thu hồi đất có hứa là chỉ sau 3 tháng sẽ bố trí tái định cư, vậy mà 11 năm trời vẫn chẳng thấy đâu. Chưa hết, cả tiền hỗ trợ gọi là tạm cư cũng không có. Chúng tôi được biết, UBND TPHCM đã chuyển tiền đền bù cho người dân từ năm 2004, nhưng có hộ dân mãi đến năm 2009 mới nhận tiền đền bù, vậy số tiền lãi đó đi đâu, cộng dồn của hàng trăm hộ dân là nhiều lắm… ?”.

Trong đơn gửi đến Báo Lao Động & Đời sống, người dân tha thiết có sự quan tâm của cấp thành phố: “Chúng tôi là những hộ dân có đất, nhà bị ảnh hưởng trong dự án Thảo Cầm viên mới. Dự án Thảo Cầm viên ra đời trôi qua đã 11 năm mà việc tái định cư vẫn chưa có, đất bị bỏ hoang, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn… vì UBND huyện Củ Chi không thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước”.

Ông Đoàn Văn Xuân - người đại diện cho các hộ dân ký tên gửi đơn khiếu nại đi khắp nơi cầu cứu - nói: “Tôi cũng như tất cả người dân đều đồng tình và ủng hộ dự án. Tuy nhiên, xuất phát từ quá trình đền bù không công bằng của UBND huyện Củ Chi mà gây ra bức xúc kéo dài suốt hàng chục năm qua. Cụ thể là, cùng một loại đất như nhau, nhưng UBND huyện Củ Chi lại tự phân chia ra làm 3 loại, tự áp giá đền bù khác nhau khiến người dân bức xúc khiếu nại. Có người thì được áp giá 60.000 đồng/m2, 75.000 đồng/m2, rồi có người lại được 150.000 đồng/m2 là rất phi lý. Ở nông thôn chúng tôi chỉ có 2 loại đất, đó là đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Mặc dù dự án có ghi rất rõ là đã được Chủ tịch UBND TPHCM duyệt, vậy mà UBND huyện Củ Chi khi tiến hành đền bù đều bỏ qua các quy trình, quy định của dự án”.

Qua điều tra của Báo Lao Động & Đời sống, kể từ khi UBND huyện Củ Chi thu hồi đất làm dự án Thảo Cầm viên mới năm 2004 mới phát sinh khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Để chữa cháy, đến năm 2012, bỗng dưng UBND huyện Củ Chi ra Công văn số 3719/CV-UBND gửi UBND TPHCM với nội dung xin xác nhận 8 tiêu chí xác định cụ thể loại đất đền bù trong dự án. Ngay trong nội dung công văn này, UBND huyện Củ Chi cũng ghi là: còn 20 khiếu nại của người dân nên phải xin tiêu chí đền bù.

Như vậy, từ năm 2004 đến 2012, UBND huyện Củ Chi đã áp dụng “tiêu chí” nào để áp giá đền bù cho người dân? Liệu đây có phải là việc làm “chữa cháy” cho những vấn đề khuất tất trước đây trong áp giá đền bù, dẫn đến hàng trăm hộ dân đến bây giờ vẫn phải đi gõ cửa nhiều nơi tìm công lý? Càng trớ trêu thay, khi UBND huyện Củ Chi xác định 8 tiêu chí để áp dụng đền bù, thì xuất hiện đến 80 hộ dân cần phải đền bù lại chứ không phải 20 hộ như UBND huyện này xác định. Về việc này, đến nay UBND huyện Củ Chi đã “tự mình” hủy quyết định về 8 tiêu chí và cũng “tự mình” hủy quyết định đền bù phát sinh theo 8 tiêu chí cho 80 hộ dân với số tiền lớn.

Sau thời gian dài khiếu nại, khiếu kiện, ngày 18.11.2014, UBND TPHCM ra thông báo số 964/TB-VP và Bí thư Thành ủy TPHCM cũng có chỉ đạo đến UBND huyện Củ Chi hướng giải quyết có lợi nhất cho người dân theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ đó đến nay, UBND huyện Củ Chi vẫn chưa thấy động tĩnh gì về chỉ đạo của UBND TPHCM và Thành ủy TPHCM theo hướng giải quyết có lợi cho dân.

Phùng Bắc

lao động

Các tin tức khác

>   Gần 2.000 tỉ đồng làm đường băng sân bay Cam Ranh (15/03/2015)

>   Quảng Ninh "chào hàng" nhiều dự án nghìn tỷ (15/03/2015)

>   Biệt thự sinh thái: Nhà giàu toàn mua hàng 'lởm' (15/03/2015)

>   Bất động sản toàn cầu hút vốn Trung Đông (14/03/2015)

>   Đề xuất quy trình thanh tra dự án ODA chậm tiến độ (14/03/2015)

>   TPHCM thí điểm xây nhà xưởng cao tầng tại 5 KCN (13/03/2015)

>   Bất động sản Phát Đạt: Những điểm mới và cũ (17/03/2015)

>   Nhà giải tỏa tại tầng trệt được hỗ trợ lợi thế thương mại (13/03/2015)

>   Băn khoăn vốn pháp định với doanh nghiệp bất động sản (13/03/2015)

>   Gỡ vướng việc có nhà mà không được bán (13/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật