Đầu tư của Việt Nam vào Myanmar - Hướng mạnh vào dịch vụ
Myanmar được đánh giá là “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”. Với dân số gần 60 triệu người, 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng phải nhập khẩu, nhiều lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, y tế… còn thiếu. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực
* Đầu tư vào Myanmar: Đừng theo kiểu “lướt ván”
Người tiêu dùng Myanmar chuộng hàng Việt Nam
|
Theo số liệu thống kê năm 2014, quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Myanmar đạt trên 480,65 triệu USD. Riêng TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Myanmar đã tăng lên rõ rệt: năm 2013 đạt 73,8 triệu USD, 2014 đạt 77,34 triệu USD, bình quân tốc độ tăng trong giai đoạn 2012- 2014 đạt 157,46%.
Bà Phó Nam Phượng- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại điện tử TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đã sớm tích cực hỗ trợ DN thâm nhập thị trường Myanmar ngay những năm đầu đất nước này mở cửa. Từ năm 2011 đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho ITPC tổ chức các hội chợ hàng Việt Nam và những chuyến khảo sát thị trường kinh doanh, đầu tư để DN tiếp cận nhanh thị trường này.
Bên cạnh xuất khẩu hàng hóa, các DN Việt Nam đã chú ý phát triển đầu tư vào các ngành dịch vụ tại Myanmar. Điển hình VNPT và Viettel đã tham gia đấu thầu vào thị trường viễn thông Myanmar. Hay Tập đoàn FPT thành lập Công ty FPT Myanmar từ năm 2013. Tháng 1/2015, Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) đã khởi động Dự án ERP cho United Paints Group (UPG)- DN Myanmar đầu tiên ứng dụng giải pháp SAP All-in-one (SAP A1) cho trụ sở chính, nhà máy, 5 chi nhánh ở Myanmar và một công ty con tại Singapore của UPG. Tập đoàn này cũng đã giành được hợp đồng dịch vụ đầu tiên triển khai hệ thống quản lý phân phối, bán hàng (DMS) cho Tổng công ty MMI (DN lớn nhất Myanmar trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh). Trong lĩnh vực dịch vụ xây dựng, sau 19 tháng thi công, trong vai trò quản lý xây dựng dự án, đầu tháng 3/2015, Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình đã cất nóc Dự án chung cư 21 tầng- GEMS tại thành phố Yangon, Myanmar.
Theo số liệu chính thức của Ủy ban Đầu tư nước ngoài Myanmar tính đến tháng 2/2015, trong top 30 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Myanmar thì Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 về quy mô đầu tư với 7 dự án, tổng vốn trị giá 513 triệu USD.
|
Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã xây dựng một tổ hợp mua sắm, văn phòng và chung cư trị giá hơn 400 triệu USD ở thành phố Yangon, Myanmar. Đây cũng là dự án lớn nhất của Việt Nam đầu tư sang Myanmar từ trước tới nay. Dự kiến tháng 6/2015, Hoàng Anh Gia Lai sẽ cho khai trương trung tâm thương mại và khu văn phòng cho thuê sẽ được khánh thành vào tháng 9/2015.
Bên cạnh đó, Chính phủ Myanmar cũng khuyến khích và kêu gọi các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực phát thanh - truyền hình. Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar U Ye Htut cho biết, Myanmar đang phát triển mạnh lĩnh vực phát thanh - truyền hình nên Chính phủ đã bắt đầu cấp phép cho các DN tư nhân tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này và đang soạn thảo những quy định để tiến tới cấp phép cho các DN nước ngoài liên doanh cùng DN tư nhân trong nước cung cấp dịch vụ. Myanmar mong muốn các DN Việt Nam sẽ sớm tham gia thị trường này và có thể góp vốn tối đa tới 30%. Riêng đối với lĩnh vực báo chí - xuất bản, DN nước ngoài có thể liên doanh cùng DN Myanmar và sở hữu tới 95% cổ phần. Đối với một số ngành như đào tạo tiếng Anh hoặc giáo dục thì nước ngoài có thể sở hữu tới 100% cổ phần…
Thanh Thanh
Công thương
|