Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 03/02
Tâm lý thận trọng bao trùm trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi Thông tư 36 chính thức có hiệu lực, thể hiện rất rõ qua việc thanh khoản đã sụt giảm mạnh trên cả hai sàn.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 03.02.2015
- Các chỉ số thị trường tiếp tục đà giảm mạnh trong phiên đầu tuần, tiếp nối đà bi quan từ cuối tuần trước. Trong khi VN-Index giảm 0.99% về 570.37 điểm, thì HNX-Index giảm mạnh hơn 1.33% về 84.42 điểm. Tại các nhóm Market Cap, VS-Small Cap giảm mạnh nhất với 1.18%, tiếp theo là VS-Mid Cap (-0.56%), VS-Micro Cap (-0.38%) và VS-Large Cap (-0.18%).
- Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế với 19/23 nhóm ngành; trong đó, nhóm DV chuyên môn – KHCN giảm mạnh nhất với 2.93%, tiếp theo là CNTT – Truyền thông (-1.61%), Bảo hiểm (-1.53%), DV Lưu trú và Giải trí (-1.34%)… Các nhóm tăng điểm bao gồm Thiết bị điện – Đ.tử VT tăng 1.05%, SX Cao su (1.91%), Khai khoáng (0.22%), SX Vật liệu xây dựng (0.19%). Trong các nhóm ngành nóng chỉ có nhóm Khai khoáng giữ được sắc xanh, còn lại nhóm Chứng khoán, Xây dựng, Bất động sản, Ngân hàng giảm lần lượt 1.32%, 0.88%, 0.25% và 0.20%.
- Nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng tiếp tục hứng chịu áp lực bán mạnh sau phiên giao dịch đầu tiên khi Thông tư 36 có hiệu lực. Theo đó, ACB, BID, STB, MBB, SHB đều giảm điểm, tác động kéo mạnh các chỉ số. CTG và VCB tuy vẫn giữ được sắc xanh ở đầu phiên sáng nhưng sau khi kết thúc phiên, hai mã này chỉ còn đứng giá ở mức tham chiếu.
- Mặc dù giá dầu thế giới có phiên hồi phục ấn tượng vào cuối tuần qua, nhưng việc này cũng không khiến giao dịch ở nhóm cổ phiếu Dầu khí diễn biến tích cực. Ngược lại, giao dịch trầm lắng tiếp tục ở GAS, PVD, PVS, PVX, PVC, PVB góp phần không nhỏ lên đà giảm của thị trường, trong bối cảnh tâm lý thận trọng đang bao trùm giới đầu tư. Tuy nhiên, PVS bất ngờ tăng nhẹ đã hỗ trợ giúp HNX-Index giảm không quá sâu; chỉ riêng cổ phiếu này kéo HNX-Index tăng gần 0.32%.
- Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn tác động mạnh lên VN-Index bao gồm MSN, VNM, GAS, BID, STB, EIB, MWG, VIC, HAG, DPM kéo chỉ số này giảm gần 0.67%. Trên HNX, ACB, VCG, VNR, SHB, NVB, BTS, PVX, KLF, VND, LAS kéo HNX-Index giảm tới 1.1%, trong khi đó chỉ riêng PVS và NTP hỗ trợ kéo chỉ số này tăng 0.43%.
- Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường dẫn đến thanh khoản giảm mạnh, dòng tiền theo đó cũng không còn mặn mà với nhóm cổ phiếu đầu cơ. Những cổ phiếu được giao dịch với khối lượng lớn như KLF, SCR, ITQ, KLS, OGC, FLC, ITA đều chưa thể đảo chiều tăng điểm. Trong đó, OGC chạm giá sàn khớp 4.8 triệu cổ phiếu, trong khi ITQ bất ngờ thoát khỏi viễn cảnh 3 phiên sàn liên tiếp khi lực cầu bắt đáy đột ngột đổ mạnh vào cổ phiếu này trong phiên ATC.
- Thanh khoản nới rộng đà giảm trên cả hai sàn. Cụ thể, thanh khoản trên HOSE giảm 20.36% đạt 77.8 triệu đơn vị; trong khi trên HNX giảm 18.4% khớp 36.3 triệu đơn vị.
- Khối ngoại bán ròng mạnh trên HOSE với 171 tỷ đồng và trên HNX với giá trị 15.1 tỷ đồng. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh ở CII (157 tỷ đồng) chủ yếu thông qua giao dịch thoả thuận, HAG (10.4 tỷ đồng), SSI (9.3 tỷ đồng)... và mua ròng mạnh nhất ở VIC (10.9 tỷ), MWG (5.2 tỷ đồng), NCT (3.8 tỷ đồng). Trên HNX, họ bán ròng mạnh nhất ở PVS (12.2 tỷ đồng), BVS (4.0 tỷ đồng), VCG (1.2 tỷ đồng)... và mua ròng mạnh nhất ở VND (1.5 tỷ). Nếu loại bỏ giao dịch thoả thuận ở CII thì khối ngoại chỉ bán ròng nhẹ 14 tỷ đồng trên HOSE.
- Tâm lý thận trọng bao trùm trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi Thông tư 36 chính thức có hiệu lực, thể hiện rất rõ qua việc thanh khoản đã sụt giảm mạnh trên cả hai sàn. Trong bối cảnh thị trường thiếu thông tin nâng đỡ thì giới đầu tư không nên mở rộng giao dịch tại thời điểm hiện tại.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index – MACD đã cho tín hiệu bán. Vùng hội tụ của SMA300 và Fibonacci Retracement 23.6% đã giúp VN-Index không giảm quá sâu trong phiên giao dịch ngày 02/02/2015 ở vùng 570 - 571 điểm. Tuy nhiên, Bollinger Bands đã bắt đầu bung ra sau giai đoạn nén mạnh. Do đó, đà giảm của VN-Index có khả năng sẽ chưa dừng lại. VN-Index dự kiến sẽ có lực hỗ trợ mạnh hơn ở mốc 560 điểm, ứng với ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2%, đồng thời cũng trùng với cận dưới của kênh xu hướng tăng từ giữa tháng 12/2014.
Các tín hiệu kỹ thuật đều cho thấy xu hướng của VN-Index không tích cực:
Thứ nhất, chỉ báo MACD đã cho tín hiệu bán. Điều này cho thấy đà giảm đang ngày càng mạnh khi mà -DI cũng đã cắt lên +DI cho thấy bên bán đã bắt đầu chiếm ưu thế hơn. Nếu trong các phiên tới ADX cũng quay đầu tăng trở lại qua mức 25 thì cũng đồng nghĩa với việc xu hướng giảm bắt đầu mạnh dần lên;
Thứ hai, thanh khoản sụt giảm mạnh hơn 30%, chỉ đạt xấp xỉ 70% mức bình quân 20 phiên (tương đương 97.3 triệu đơn vị). Điều này cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng trở lại. Sự thận trọng này sẽ càng tăng cao nếu SMA300 bị phá vỡ hoàn toàn trong các phiên tới.
HNX-Index – Dự kiến có lực hỗ trợ ở ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2%. HNX-Index đã có nhịp sụt giảm khá mạnh và chuẩn bị tiếp cận vùng 83.7 – 84.0 điểm, vùng tương ứng với ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2%. Vùng này dự kiến sẽ là ngưỡng hỗ trợ tạm thời cho HNX-Index nên nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi diễn biến của HNX-Index tại ngưỡng hỗ trợ này.
Bollinger Bands của HNX-Index đã có xu hướng nới rộng ra sau giai đoạn nén lại. Đây là tín hiệu cho thấy khả năng biến động mạnh hơn của chỉ số trong thời gian tới khi mà đường middle đã bị phá vỡ.
Bên cạnh đó, tương tự như VN-Index, Stochastic Oscillator và ADX của HNX-Index cũng đang chuyển động theo hướng khá tiêu cực. Stochastic Oscillator đang gần như rơi khỏi vùng overbought. ADX cũng mạnh dần lên trong bối cảnh xu hướng giảm vẫn đang chiếm ưu thế nên rủi ro thị trường sẽ tăng cao hơn.
Thanh khoản sụt giảm tương tự như HOSE cho thấy nhà đầu tư vẫn đang e ngại rủi ro khi tham gia vào thị trường.
Phân tích Market Strength
VS-Arms VN giảm từ 1.77 xuống 1.39 cho thấy ưu thế của bên bán đã giảm bớt so với phiên cuối tuần trước, nhưng VS-Arms VN vẫn duy trì khá xa trên mức 1.2 cho thấy cán cân vẫn đang hoàn toàn nghiêng về bên bán.
VS-LBR giảm từ 0.75 xuống 0.62 cho thấy nhà đầu tư tiếp tục giảm mạnh mức độ tham gia vào thị trường. EMA 5 ngày của VS-LBR cũng bắt đầu giảm mạnh hơn, cảnh báo khả năng nhà đầu tư lớn đứng ngoài thị trường sẽ không phải mang tính nhất thời mà đã trở thành xu hướng.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Chỉ số VS-NVI VN tiếp tục duy trì ở mức cao cho thấy dòng tiền thông minh vẫn chưa có dấu hiệu rút đi, mặc dù thị trường sụt giảm khá mạnh trong phiên giao dịch đầu tháng 02. Các giai đoạn trong quá khứ cho thấy dòng tiền thông minh duy trì hoặc gia tăng không chắc sẽ giúp cho thị trường tăng điểm. Nhưng dòng tiền này rút đi lại thường đi kèm với diễn biến giảm điểm khá rõ nét của thị trường. Do đó, cần quan sát chặt chẽ diễn biến của chỉ số này khi bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại bán ròng mạnh trong phiên giao dịch ngày 02/02/2015. Bên cạnh đó, đường EMA 20 ngày của NetValForVN cũng rơi xuống dưới ngưỡng 0, cho thấy xu hướng mua ròng của khối này có khả năng đảo ngược. Sự chuyển biến này của khối ngoại khiến cho giới đầu tư khá lo lắng và có thể tác động tiêu cực đến thị trường.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 02.02.2015
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|