Chứng khoán khấp khởi tăng cao, do đâu?
(Vietstock) – Chỉ trong vòng 3 tuần qua, VN-Index đã tăng hơn 20% một cách đầy ngoạn mục. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư dần quay trở lại thị trường tài chính trước triển vọng đầy lạc quan về sự hồi sinh của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới.
Ngày 20/7, VN-Index ở mức 412.88 điểm, khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ đạt 28.74 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch gần 922 tỷ đồng. Đến trước giờ mở cửa ngày 14/08, VN-Index đã lên mức 503.58 điểm, tức tăng trên 21%. Trong giai đoạn thấp điểm, khối lượng tại HoSE chỉ đạt 25-30 triệu đơn vị mỗi phiên. Thế nhưng trong 3 ngày gần đây, khối lượng giao dịch tăng vọt lên 46-70 triệu đơn vị và tăng kỷ lục 2 tháng vào ngày 13/8 với xấp xỉ 70 triệu đơn vị.
Có nhiều nguyên nhân kích thích thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng điểm ngoạn mục, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của TTCK thế giới. Ngày 17/7, chỉ số Nikkei. N225 của Nhật Bản đạt 9395.32 điểm, đến ngày 12/8 nhảy vọt lên 11363.9 điểm. Chỉ số S&P 500 của Mỹ cũng tăng từ 951.13 điểm vào ngày 20/7 lên 994.35 điểm vào ngày 12/8. Còn trong nước, có sự tăng mạnh của một số nhóm cổ phiếu do kỳ vọng gia tăng của các nhà đầu tư, như nhóm cổ phiếu ngành sách, “họ” Sông Đà, nhóm ngành than, công ty vận tải.... . Đồng thời, các doanh nghiệp niêm yết công bố mùa kết quả kinh doanh đầy khởi sắc, với lợi nhuận quý 2 tăng đột biến so với quý 1 cũng như so với cùng kỳ năm trước càng làm cho TTCK trở nên khá hấp dẫn.
Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có những chuyển biến rõ rệt cũng là nguyên nhân kích thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ. Các nền kinh tế đầu tàu dẫn dắt thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc đồng loạt đưa ra các số liệu tốt. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng gia tăng, tình trạng thất nghiệp, lạm phát sụt giảm, các công ty phá sản và giải thể thấp hơn mong đợi. Thêm vào đó, việc Chính phủ các nước tiếp tục duy trì các gói kích thích kinh tế cho thấy nỗ lực bền bỉ của họ trong việc ngăn chặn đà quay trở lại của suy thoái toàn cầu. Nhờ niềm tin suy giảm kinh tế đã chạm đáy, việc phục hồi kinh tế có thể sớm hơn mong đợi, các nhà đầu tư cùng nhau quay trở lại TTCK.
Trong nước, nền kinh tế Việt Nam ngày càng thoát dần ra khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng, sản xuất công nghiệp, GDP, hoạt động xuất khẩu và đầu tư tăng tốc trở lại, thị trường lao động ít khó khăn hơn. Ngoài ra, gói kích cầu của Chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả, chính sách tiền tệ linh hoạt hơn giúp giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ lãi suất giúp tăng cung tiền lên khá cao và chứng khoán hưởng lợi là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, các dòng tiền đổ vào chứng khoán giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 6 cho thấy vẫn đang ở lại với thị trường. Trong đó, khối ngoại liên tục gia tăng mua vào đã đóng góp đáng kể cho sức cầu bền vững.
Với hàng loạt thông tin hỗ trợ tích cực, dự báo VN-Index sẽ tiếp tục đi lên trong trung-dài hạn. Dù vậy, sẽ có vài phiên điều chỉnh khi dòng tiền từ các kênh đầu tư khác đổ về quá nhiều, có thể khiến Chính phủ, các cơ quan quản lý thị trường đưa ra chính sách thắt chặt, giảm sốt. Các nhà đầu tư lớn cũng sẽ không quá nôn nóng mua vào vì TTCK mới chỉ ở bước đầu của một chu kỳ tăng trưởng phục hồi sau khủng hoảng. Lời giải cho nguyên nhân tăng trưởng của thị trường không khó bằng làm cách nào để giữ thị trường tăng nhưng không nóng.
Bội Mẫn
|