Khi nào VF1 trả được nợ?
Xin thưa rõ ngay rằng, chưa hề thấy thông báo tróc nợ nào nêu đích danh Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam - VF1 không nợ nần gì ai. Ngược lại, quỹ này hiện là chủ nợ lớn, khoản nợ hàng trăm tỷ đồng (giá trị trái phiếu và tiền gửi tại ngân hàng). Chỉ có điều, nhà đầu tư bỏ vốn vào Quỹ VF1 vẫn không khỏi cảm thấy ấm ức. Nhìn xem, Quỹ Indochina Capital chẳng khá hơn, nhưng nhiều nhà đầu tư bên đó đang ăn mừng chờ thanh lý một phần tài sản để thu tiền.
Sau hơn 5 năm kể từ khi Quỹ VF1 hoạt động (thành lập tháng 7/2004), giá trị chứng chỉ quỹ (CCQ) VF1 đang là 12.800 đồng/CCQ (ngày 6/8/2009), nghĩa là nhà đầu tư nhận được giá trị lợi nhuận trung bình gần 6%/năm. Nhưng sẽ không có vấn đề gì đáng nói nếu như Quỹ VF1 hoạt động với kết quả quá tệ và nhà đầu tư đã lựa chọn sai nơi để đặt lòng tin. Thực tế, giá trị tài sản của Quỹ tính trên mỗi chứng chỉ - giá trị tài sản ròng (NAV) - đang là hơn 23.496 đồng/CCQ (ngày 6/8/2009), cao hơn 83% so với giá mà thị trường chấp nhận mua CCQ VF1.
Vậy ai đã lấy tài sản của nhà đầu tư VF1 và khi nào thì hoàn trả?
Ông bà khuyên con cháu mình khi ra đường nhớ túi phải sẵn có tiền, biết đâu có ai đó bán con voi giá chỉ mấy đồng. Chuyện CCQ VF1 cũng thế, đáng 10 đồng, chỉ bán 6 đồng, nhưng nhà đầu tư sẵn tiền vẫn không hồ hởi. Nên câu hỏi trên đáng ra phải nhường cho 2 cổ đông sáng lập của VF1, là linh hồn gây dựng nên Công ty Quản lý quỹ VFM (đang quản lý VF1) cất lời. Điều nghịch lý trên mặc dù ai cũng thấy, 2 cổ đông sáng lập lớn nhất của VFM (Công ty Quản lý quỹ VF1) và góp lượng lớn cổ phần tại VF1 là Sacombank và Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital lại càng thấu hiểu hơn. Nhưng dường như sự kiên nhẫn cũng chỉ có hạn, họ đăng ký bán (Quỹ VEIL của Dragon Capital đăng ký bán 9,3 triệu CCQ vào ngày 15/6/2009; Sacombank đã bán 2 triệu CCQ).
Nhưng đừng đòi hỏi họ hành động trách nhiệm, làm gì đó để đòi giá gấp đôi cho bõ công 5 năm ngồi chờ? "Ban lãnh đạo VFM đáng ra nên làm và buộc phải làm cho được điều đó", anh Long, một cá nhân nặng nợ với VF1 cảm thán! Suy cho cùng, chuyện vừa xảy ra tại Indochina Capital chỉ xảy ra khi nhóm cổ đông cấp tiến quyết tâm hành động, đòi cho được giá trị xứng đáng. Kết luận cuối cùng là tài sản ròng của Quỹ sẽ được chia đôi: một phần thanh lý (tất nhiên sau đó sẽ chia tiền cho cổ đông) và phần tiếp tục đầu tư.
Mua một tỷ lệ cổ phiếu có ảnh hưởng, tranh thủ hậu thuẫn của cổ đông khác, yêu cầu công ty quản lý quỹ hành động để trả giá trị giao dịch về gần NAV hoặc đơn giản là bán chứng khoán lấy tiền để chia cho cổ đông. Kịch bản quá đơn giản, khối người nhắm mắt cũng thấy. Nhưng thực hiện thì cần một phát pháo lệnh.
Ông Phạm Khánh Lynh, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của VFM thừa nhận một thực tế rằng, khoảng lệch giữa NAV và giá mà thị trường xác định cho CCQ VF1, VF4 là quá lớn.
Riêng VF1 hiện nay, những danh mục đầu tư quan trọng nhất dễ dàng tìm thấy trong báo cáo hàng tháng: bao nhiêu blue-chip, bao nhiêu tiền, bao nhiêu trái phiếu; nhắm mắt cũng biết rằng, nếu bán tháo tài sản VF1 thì được giá cao hơn nhiều so với giá giao dịch CCQ. Thêm một điều không mấy hợp lý là phần giảm giá của CCQ VF1 so với NAV lớn hơn CCQ VF4, mặc dù tỷ lệ tiền mặt và trái phiếu của VF1 trong danh mục là lớn hơn.
Khoảng một năm trước đây, khi mà vụ việc của Indochina Capital còn chưa ngã ngũ, phóng viên ĐTCK cũng ghi nhận việc một nhóm cổ đông Quỹ VF4 lên danh sách một số tổ chức, cá nhân sở hữu tổng cộng trên 20% CCQ, nhằm "đòi lại công bằng" nhưng có lẽ việc vận động này chưa đủ tích cực để mang lại kết quả. Tuy nhiên, không hẳn chỉ có một con đường để chọn lựa và nhà đầu tư vẫn có hơn một lý do để đầu tư vào VF1 trong thời điểm này.
Lý do thứ nhất là VF1 hiện nay giao dịch dưới NAV hơn 40%, đây là khoản bớt giá quá an toàn vì NAV hoàn toàn có thể chuyển thành tiền để chia và ngày nào đó sẽ phải chuyển thành tiền. Trong vài tháng gần đây, VF1 luôn theo sát VN-Index như hình với bóng, nên với nhà đầu tư coi trọng giá trị và muốn tìm một mã blue-chip an toàn nhất, hiện ít có chọn lựa nào cạnh tranh với VF1.
Lý do còn lại có vẻ cao xa hơn, nhưng không hẳn là xa thực tế hay thiếu khả thi. Người ta hình dung câu chuyện xảy ra vào giai đoạn "khai hoang" của tổ chức đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi như sau: người tiên phong đến trước sẽ cố gắng mở rộng, chiếm hữu những gì quan trọng nhất và người đến sau (những tổ chức lớn hơn) sẽ mua lại chúng với mức giá xứng đáng, những tổ chức cực lớn đến sau đó sẽ tiếp tục mua lại với giá cao hơn nữa.
Có thể hình dung rằng, VF1 là một gói cổ phiếu blue-chip, cổ phiếu OTC tiềm năng, tiền mặt và trái phiếu được bán giá rẻ, rất thuận tiện để các tổ chức đến sau tiêu hóa, trong khi thực tế là việc tiếp xúc doanh nghiệp tiềm năng, xin làm đối tác chiến lược và gây dựng doanh nghiệp là rủi ro, cam go và mất thời gian hơn… Có lẽ thời của VF1 chưa đến và cho đến khi đó món nợ của VF1 với những nhà đầu tư trung thành vẫn chưa được trả.
Đầu tư chứng khoán
|