Hoàn thiện thể chế tạo động lực mới cho phát triển
Nền kinh tế không dựa vào động lực khoa học kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh thì không phát triển bền vững được.
Khi nhìn nhận Việt Nam đang ở đâu, chúng ta đừng so sánh với chính chúng ta của 30 năm trước mà phải so sánh ngang với các nước. Chúng ta phải nhìn sang các nước bên cạnh cùng điều kiện cách đây 30 năm để xem ta với họ như thế nào, bây giờ họ với ta ra sao, ta đứng thứ hạng như thế nào trong khu vực và trên thế giới, đấy mới là điều quan trọng. Như vậy, chúng ta mới thấy được cái gì thành công, cái gì có thay đổi, cái gì kém so với bạn bè để phấn đấu, vươn lên. Chứ nếu chúng ta so sánh với chính mình trước đây thì cũng như bố mẹ nói với con rằng 30 năm trước bố mẹ khổ lắm, hôm nay các con được thế này là tốt lắm rồi mà không biết những nhà khác họ tốt hơn rất nhiều mặc dù trước đó lại khó khăn hơn.
Trong môi trường đó, chúng ta thấy những thành tựu đã đạt được rất là lớn. Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã chuyển sang nước có mức thu nhập trung bình ở mức thấp. Tuy nhiên thách thức đặt ra cũng rất lớn. Dư địa của những động lực để tăng trưởng phát triển những năm qua theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ… không còn là lợi thế, thậm chí không còn nữa. Vì vậy đòi hỏi Việt Nam phải tìm ra những mô hình tăng trưởng phù hợp, phải tái cấu trúc nền kinh tế để tạo ra mô hình tăng trưởng mới và tạo ra những động lực tăng trưởng mới phù hợp với thời đại hiện tại. Nếu không làm được như vậy, Việt Nam cũng giống như rất nhiều nước sẽ phải đối mặt và rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nhất là trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của hội nhập, Việt Nam sẽ không phát triển được và chỉ luẩn quẩn ở mức đó, thậm chí tụt đi.
Môi trường cạnh tranh của hội nhập đòi hỏi năng lực cạnh tranh quốc gia phải vượt trội hơn, cũng như phải dựa vào hai động lực mới là khoa học kỹ thuật và năng suất lao động. Đây là điều Việt Nam đang rất yếu. Chúng ta có tiềm năng về khoa học kỹ thuật, có nhiều nhà khoa học sáng tạo tốt nhưng lại chưa biết biến lợi thế này, tiềm năng này thành động lực phát triển. Nếu nền kinh tế không dựa vào động lực khoa học kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh thì không phát triển bền vững được. Còn năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực quá kém. Khoa học công nghệ và năng suất lao động là hai yếu tố có thể tạo đột phá. Những doanh nghiệp nào biết tận dụng hai yếu tố này để tăng trưởng thì sẽ tạo ra sản phẩm cạnh tranh, đủ sức đánh bại các đối thủ.
Xác định vị trí thứ hạng ta đang đứng để tìm ra những mô hình tăng trưởng phù hợp song song đổi mới thể chế kinh tế để hội nhập và phát triển.
|
Tuy nhiên, để có động lực mới này chúng ta phải làm nhiều việc lắm. Đó là phải đổi mới thể chế kinh tế, tạo điều kiện cho khoa học công nghệ phát triển, tạo điều kiện để các nhà khoa học sống bằng chính sản phẩm của họ và gắn sản phẩm ấy với đời sống thực tiễn. Đồng thời phải giải đáp những vướng mắc trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm với chi phí chất xám cao hơn, nguyên liệu đầu vào rất ít nhưng giá trị bán ra sản phẩm rất lớn. Làm thế nào để tạo môi trường thúc đẩy những nhân tố này đấy là điều quan trọng.
Vì vậy chúng ta phải thống nhất điều đó, nhận ra điều đó để hành động. Việc chúng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế cho phù hợp với điều kiện mới, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo những động lực mới, xung lực mới cho phát triển của đất nước là một trong những vấn đề hết sức cấp bách hiện nay.
Những nhận thức này đang được chuyển đổi tốt trên cấp cao và tạo đồng thuận xã hội rất cao. Tôi tin 2015, đặc biệt sau Đại hội Đảng XII vào năm 2016 chắc chắn chúng ta phải chuyển đổi. Bởi vì tất cả đã được khẳng định trong văn kiện, chỉ thị rồi, vấn đề là phải xây dựng ra chính sách cụ thể. Dẫu biết rằng ở Việt Nam từ chủ trương ra chính sách còn dài chứ không ngắn như ở các nước, nhưng đấy là xu thế đất nước phải đi và dù không nhanh như chúng ta mong muốn nhưng chắc chắn phải thay đổi.
Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
T.Hằng ghi
Pháp luật TPHCM
|