Chủ Nhật, 08/02/2015 07:20

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành:

Muốn doanh nghiệp phát triển, không thể để dự án khả thi thiếu vốn

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2014 lượng hàng tồn kho bất động sản (BĐS) đã giảm nhiều so với năm 2013 nhưng vẫn còn lớn, nhất là các sản phẩm ở phân khúc trung và cao cấp; tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 12 tháng là 73,8% với chỉ số tồn kho tính đến ngày 1-1-2015 tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước...

Mặc dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2014 tăng so với năm 2013 nhưng tình trạng hàng tồn kho vẫn đáng báo động, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN) để giải quyết thực trạng trên. Xung quanh vấn đề này, BáoHànộimới có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Ông Bùi Kiến Thành.

Tồn kho vẫn là mối lo

- Thời gian qua, mặc dù hàng tồn kho đã giảm nhưng hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ trong nước vẫn chậm, xuất khẩu gặp khó khăn dẫn đến lượng hàng tồn lớn. Ông nhận định về thực trạng hàng tồn kho ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Thực tế cho thấy, lâu nay các DN Việt mới chỉ chú trọng làm ra sản phẩm mà chưa thực sự quan tâm đầu ra cho sản xuất, chưa có khâu tiếp thị và phân phối đúng cách theo nhu cầu thị trường nên xảy ra tình trạng hàng tồn kho từ năm này qua năm khác. Hiện nay, một số ngành có tỷ lệ tồn kho bình quân cao là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (151,3%), sản xuất chế biến thực phẩm (93,2%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (90,6%), sản xuất kim loại (86,8%)... Chỉ số tồn kho của một số ngành có mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung là sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 100,1%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 74,4%), sản xuất đồ uống (tăng 59,5%)... Thực trạng này cho thấy, hàng tồn kho vẫn là mối lo lớn của nhiều DN hiện nay.

- Nguyên nhân chính của vấn đề này là gì, thưa ông?

- Sức mua yếu, lực cầu không có là một trong những lý do quan trọng nhất ảnh hưởng tới hàng tồn kho. Nguyên nhân là do người dân không có tiền để mua. Muốn có tiền phải có thu nhập, muốn có thu nhập thì người lao động phải có việc làm, người kinh doanh phải làm ăn tốt. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước tình trạng hàng ngoại nhập tràn vào cạnh tranh rất mạnh, nhiều DN trong nước hoạt động cầm chừng, sản phẩm sản xuất ra không theo nhu cầu thị trường hoặc không thể cạnh tranh nổi với hàng ngoại, công tác quảng bá sản phẩm chưa mang lại kết quả. Tình thế này dẫn đến tồn kho hàng hóa là điều tất yếu.

- Trong thực tế, nếu DN không tìm được hướng giải quyết hàng tồn kho dù ít hay nhiều đều có thể gây ra những hệ lụy đáng kể?

- Nói chung với một nền kinh tế thị trường hoặc kinh tế dân doanh, cộng đồng DN phải phát triển tốt mới có thể tạo ra nhiều việc làm. Mấy năm nay, DN khó tiêu thụ được hàng hóa nên công ăn việc làm rất khó khăn. Mỗi năm, chúng ta có khoảng 1,5 triệu người bước vào thị trường lao động, là áp lực lớn đối với xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, hàng tồn kho của DN cũng khiến nợ xấu của Việt Nam tăng, từ chỗ không quản lý được luồng tiền để nó “chạy” vào những hoạt động không hiệu quả mà phần lớn là BĐS. Khi BĐS đóng băng, nhiều DN phát triển dự án BĐS không trả được nợ ngân hàng. Số tiền này lên đến 200.000-300.000 tỷ đồng. Ngoài ra, với mức lãi suất cho vay quá cao, DN không thể kinh doanh có hiệu quả để trả lãi. Mức lãi suất cao khiến DN mất dần khả năng thanh toán nên nợ xấu tăng cao. Do vậy, nếu không xóa được tình trạng hàng tồn kho “đắp chiếu” thì cả DN và ngân hàng đều rất khó khăn.

Cần khơi thông nguồn vốn

- Việc tháo gỡ khó khăn, giải quyết hàng tồn kho cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó vấn đề tiếp cận nguồn vốn của DN rất quan trọng. Theo ông, chúng ta cần phải làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

- Trong những năm qua, đa số DN Việt Nam muốn đi vay đều phải có tài sản thế chấp, ngân hàng nhiều khi không quan tâm vay để làm gì, chỉ cần có tài sản thế chấp mang đến thì sẽ được cho vay 50% trên giá trị của tài sản này. Từ năm 2011-2012 đến nay, sức khỏe của DN đang yếu dần nên không thể vay vốn bằng tài sản thế chấp được. Đa số DN Việt hiện nay có vốn tự có nhỏ nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn vay hoặc dù có vay được thì lãi suất cũng quá cao so với thị trường tài chính quốc tế nên ngày càng khó khăn. Do đó, chúng ta có thể học kinh nghiệm làm việc, quản lý rủi ro của các ngân hàng nước ngoài là họ sẽ không cho vay tiền nếu DN không chứng minh được khả năng hoàn trả vốn. DN muốn vay thì phải cho biết vay để làm gì, kế hoạch kinh doanh như thế nào, phải giải trình khả năng hoàn vốn trong thời gian từ 5 đến10 năm ra sao, tạo ra bao nhiêu lợi nhuận và lợi nhuận đó có đủ hoàn trả vốn, lãi cho ngân hàng không…

- Vậy có cách nào tiếp ứng nguồn vốn giúp DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh không, thưa ông?

- Ở Việt Nam, trước khi khởi nghiệp các doanh nhân thường không phải là các chuyên gia am hiểu về tài chính ngân hàng mà khởi nghiệp tự phát không theo mô hình khoa học kinh tế nào, nên rất khó để giải trình với ngân hàng rằng sản phẩm của mình có cái gì, thị trường ra sao, thị phần thế nào, ban quản lý, ban điều hành sẽ làm việc như thế nào (?). Và chỉ còn phương án là cứ mang tài sản thế chấp để vay với lãi suất cao khiến DN lao đao khi thị trường không thuận lợi. Vì vậy để tháo gỡ khó khăn, các ngân hàng cũng phải đồng hành với DN bằng cách cho vay theo dự án có hiệu quả với lãi suất thấp và không để dự án khả thi nào thiếu vốn được. Ngân hàng có kiến thức tài chính, kỹ năng quản lý tốt nên có thể giúp DN kiểm soát đồng vốn một cách hiệu quả, đưa ra những bài học bổ ích về rủi ro trong thực tế.

- Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải có lộ trình hạ lãi suất xuống thấp hơn nữa vì lãi suất cho vay của Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực 3-4% nên các DN nước ta khó có thể cạnh tranh và đầu tư dài hạn. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Trung ương) phải đứng ra giải quyết lãi suất thấp cho DN, bằng cách cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 1-2% để ngân hàng thương mại có thể cho DN vay với lãi suất 4-5%. Bởi, Ngân hàng Trung ương của một quốc gia là một định chế tài chính độc lập tiền tệ quốc gia, có quyền tạo ra nguồn tiền mà không phải sử dụng nguồn tài sản đối ứng. Ngân hàng Trung ương có quyền hạn và trách nhiệm bảo đảm nguồn tiền đầy đủ để điều tiết lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Tức là không để nền kinh tế quá nhiều tiền (lạm phát) cũng như không quá ít tiền (thiểu phát). Chúng ta cần phải làm tất cả những gì để phát triển sản xuất và vì sức khỏe của DN. Do đó, Ngân hàng Trung ương hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát thông qua việc “bơm” tiền cho ngân hàng thương mại để cho vay các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được quy định. Ngay trên thế giới, trong năm 2008-2009 khi có khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Trung ương ở Mỹ đã hạ lãi suất cấp vốn cho ngân hàng thương mại từ 4-5% xuống còn 0,0-0,25%; Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng hạ lãi suất từ 5-6% xuống 0,5%. Các quyết định của những ngân hàng trên cho đến nay vẫn phát huy tác dụng tích cực.

Mở lối ra thị trường

- Để thúc đẩy sản xuất, bên cạnh các vấn đề như giảm lãi suất, ưu tiên cho vay, còn cần xử lý những vấn đề liên quan đến thị trường. Vậy chúng ta phải làm gì để hỗ trợ đầu ra cho DN?

- Tôi cho rằng, chúng ta cần có sự phối hợp giải quyết từ Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan trong việc khơi thông dòng chảy thị trường, tăng thị hiếu của người tiêu dùng. Để giải bài toán này, Nhà nước cần có chính sách giải cứu cho các DN như: Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương người Việt dùng hàng Việt; hạn chế tình trạng nhập khẩu ồ ạt; tìm lối ra xuất khẩu thông qua hoạt động xúc tiến hợp tác đầu tư với nước ngoài, đồng thời có cơ chế giúp DN xuất khẩu bằng phương thức thanh toán trả chậm, kèm theo là bảo hiểm về tín dụng xuất khẩu... Hiện nay, Chính phủ đang không ngừng tiến hành các phiên đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước nhằm mục đích quảng bá sản phẩm, giới thiệu với các nhà đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam, giúp cho các DN tự giới thiệu về mình. Bên cạnh đó là không ngừng thay đổi các chính sách cho phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư và nhà sản xuất.

- Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, DN Việt hiện nay cần phải làm gì để tháo gỡ khó khăn, giải quyết hàng tồn kho nhằm tạo đà cho sự phát triển bền vững trong tương lai?

- Tất cả sự hỗ trợ bên ngoài chỉ là nền tảng ban đầu, vấn đề quan trọng theo tôi, DN muốn phát triển tốt phải có nội lực để tự cứu mình và phải xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản, kết nối đầu vào, đầu ra thị trường ổn định hơn, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường cũng như sản phẩm. Đặc biệt là cần nâng cao trình độ quản trị, nhất là quản trị tài chính để có thể phân tích chính xác chi phí và lợi nhuận. Bên cạnh đó, các DN cũng phải tự vận động để giải phóng kho hàng như: Giảm giá thành, tăng khuyến mại, điều chỉnh lại quy mô sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác và không ngừng tìm kiếm thị trường, đối tác tiềm năng. Để tránh tình trạng vốn bị “giam” vào hàng tồn, các DN phải liên tục điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh giúp đồng vốn xoay vòng nhanh nhất, đồng thời cắt giảm chi phí đầu vào và tìm mọi cách để liên kết sản xuất, đầu ra cho sản phẩm.

- Hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là về thuế bị một số DN, cá nhân kinh doanh lách luật để tư lợi. Vậy làm thế nào để họ không thể lợi dụng các chính sách trên, thưa ông?

- Qua nghiên cứu, đánh giá quá trình thực hiện chính sách ở Việt Nam thời gian qua, có thể nói các cơ chế ưu đãi thuế đã có tác động tích cực trong việc khuyến khích và thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều bằng chứng về việc các DN, cá nhân kinh doanh lợi dụng kẽ hở của chính sách, sự quản lý không chặt chẽ và thiếu hiệu quả của cơ quan chức năng để trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế; các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giá, lợi dụng các ưu đãi để tránh và trốn thuế phải nộp ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh việc “bịt lỗ hổng” của luật pháp thì cơ quan thuế cần khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu khai thác, phân tích rủi ro và làm căn cứ để xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết; đồng thời xây dựng đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh với việc chuyển giá; tăng thẩm quyền của cơ quan thuế trong quá trình xử lý các vụ việc cố tình vi phạm, lách luật nhằm tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế... Đặc biệt, đối với hành vi lợi dụng ưu đãi hoàn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa xuất khẩu, cơ quan có thẩm quyền cần quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập, giải thể DN có hoạt động xuất khẩu được hoàn thuế; quy định cụ thể trong công tác thanh toán, quản lý ngoại hối đối với DN xuất nhập khẩu.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

Vương Tuấn Anh thực hiện

Hà Nội Mới

Các tin tức khác

>   Năm 2015: “Rừng luật” sẽ chuyển động (07/02/2015)

>   Khởi động xây dựng Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau (07/02/2015)

>   Dành 22.000 tỷ đồng đưa mắcca trở thành cây "chủ lực" ở Tây Nguyên (07/02/2015)

>   Doanh nghiệp Việt vẫn kiểm soát được thị trường nội địa (07/02/2015)

>   Quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp tên lửa (06/02/2015)

>   Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại (06/02/2015)

>   66% DN Nhật muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam (06/02/2015)

>   Hội nhập 2015: Thay đổi để sống (06/02/2015)

>   Tái cấu trúc ngành cá tra phải bắt đầu từ khâu phân phối (05/02/2015)

>   Trao đổi thương mại Việt-Nga hướng tới 10 tỷ USD vào năm 2020 (05/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật