Thứ Bảy, 07/02/2015 16:09

Năm 2015: “Rừng luật” sẽ chuyển động

Năm 2015 sẽ là năm một loạt luật liên quan đến kinh doanh, môi trường đầu tư, doanh nghiệp được ban hành và có hiệu lực.

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ bãi bỏ nhiều quy định ràng buộc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm của xóa bỏ rào cản

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII vừa qua, có đến 99,53% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), tỷ lệ này là 99,3%. Đây là hai dự án luật đạt số phiếu tán thành cao nhất trong số 18 dự án luật được thông qua tại Kỳ họp. Sự đồng thuận cao gần như tuyệt đối đã cho thấy quyết tâm của Quốc hội trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Điểm mới nhất của luật lần này là sự đột phá trong phương pháp tiếp cận. Nếu phương pháp tiếp cận của luật trước đây là tiếp cận “chọn cho” - nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật, thì phương pháp tiếp cận của luật lần này là “chọn bỏ” - nghĩa là cái gì cấm, hoặc hạn chế thì ghi trong luật. Theo đó, chỉ có sáu ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“Chọn bỏ là những gì khó làm thì cấm và được ghi vào luật, cái gì luật không ghi hoặc ghi thiếu thì người dân, doanh nghiệp được quyền làm. Đây là sự thay đổi rất mạnh mẽ của Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói.

Tương tự, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng bãi bỏ nhiều quy định ràng buộc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, như bãi bỏ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng ngành nghề đăng ký kinh doanh. Các vấn đề liên quan đến hồ sơ doanh nghiệp, con dấu, chữ ký, người đứng đầu doanh nghiệp… cũng được sửa đổi theo hướng thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tính đến tháng 10/2014 đã có gần 4.200 thủ tục thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư... được cắt giảm (đạt 88%), tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó, Thông tư 119 về cải cách, đơn giản hóa các thủ tục thuế đã giúp giảm 25% thủ tục thuế, giải quyết gánh nặng về thủ tục thuế đối với doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết mục tiêu của Nghị quyết 19 /NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là đến hết năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam phải đạt tối thiểu bằng mức bình quân của nhóm các nước ASEAN-6. Vì vậy, các chỉ tiêu khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thủ tục xuất nhập khẩu... sẽ phải được cải thiện.

“Các cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế được thực hiện chắc chắn sẽ đem lại cho doanh nghiệp và người dân một môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, mở rộng cơ hội...”, ông Lộc khẳng định.

Còn “độ trễ” trong thực hiện

Mặc dù có tiến bộ nhưng trên thực tế, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2015 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nhiều chỉ số thuận lợi về môi trường kinh doanh Việt Nam chưa có sự cải thiện, thậm chí có tiêu chí còn thụt lùi như các chỉ số về khởi đầu kinh doanh tụt 5 bậc, nộp thuế tụt 2 bậc, thương mại qua biên giới tụt 1 bậc...

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, những cải cách của Việt Nam vẫn đang có “độ trễ” so với các nước trong khu vực về tiến độ thực hiện. Trong khi đó, khó khăn của doanh nghiệp Việt cũng không chỉ dừng lại ở khung khổ pháp lý.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2014 có hơn 60.000 doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Con số trên cho thấy cộng đồng doanh nghiệp còn đang trong giai đoạn khó khăn. Chính các nút thắt về thể chế, thủ tục hành chính... đang là rào cản kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, cũng như thị trường của nền kinh tế trong nước.

“Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ nên tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; trong đó chú trọng các biện pháp ưu đãi tín dụng, lãi suất... cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ sẵn sàng cho đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là vấn đề cấp bách”, ông Lộc khuyến nghị.

Việt Nguyễn

thế giới và việt nam

Các tin tức khác

>   Khởi động xây dựng Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau (07/02/2015)

>   Dành 22.000 tỷ đồng đưa mắcca trở thành cây "chủ lực" ở Tây Nguyên (07/02/2015)

>   Doanh nghiệp Việt vẫn kiểm soát được thị trường nội địa (07/02/2015)

>   Quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp tên lửa (06/02/2015)

>   Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại (06/02/2015)

>   66% DN Nhật muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam (06/02/2015)

>   Hội nhập 2015: Thay đổi để sống (06/02/2015)

>   Tái cấu trúc ngành cá tra phải bắt đầu từ khâu phân phối (05/02/2015)

>   Trao đổi thương mại Việt-Nga hướng tới 10 tỷ USD vào năm 2020 (05/02/2015)

>   Cần Thơ đầu tư 225 tỷ đồng mở rộng nhiều khu công nghiệp (05/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật